Thursday, October 10, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ có một lịch sử lâu dài về thao túng dữ liệu...

TQ có một lịch sử lâu dài về thao túng dữ liệu nhằm thu lợi chính trị

“Từ số liệu tăng trưởng GDP đến số lượng các ca nhiễm virus Vũ Hán cho thấy chính quyền Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về thao túng dữ liệu nhằm thu lợi chính trị”.

 

Trên đây là ý kiến của Tiến sĩ Scott N. Romaniuk, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về An ninh tại Viện Trung Quốc, Đại học Alberta, Canada và Tiến sĩ Tobias Burgers, giáo sư trợ lý dự án tại Trung tâm Nghiên cứu Văn minh Mạng, Đại học Keio, Tokyo, Nhật Bản được đăng trên The Diplomat ngày 26/3.

Khi số ca nhiễm virus Vũ Hán gia tăng ở các nước trên thế giới, thì chính quyền Trung Quốc liên tục báo cáo số ca nhiễm giảm, với hàng trăm bệnh nhân đã “được chữa khỏi” và xuất viện hàng ngày, thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói vậy. Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, bác sĩ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), tuy cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn của một làn sóng virus thứ 2, nhưng vẫn nhấn mạnh sự thành công của “cơ chế can thiệp được phát minh bởi Trung Quốc”. Theo bác sĩ Chung, những điểm cốt lõi là bốn sớm: “phòng ngừa sớm, phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và cách ly sớm”.

Số ca nhiễm mới được báo cáo đã giảm xuống dưới 100 vào ngày 6/3 và liên tục giảm, có lúc xuống không có ca nhiễm mới nào tuần cuối tháng 3, tất cả các ca nhiễm mới từ khi hết con số 0 đều là người vừa nhập cảnh Trung Quốc. Tổng số các ca nhiễm mới của Trung Quốc đã giảm khoảng 91% từ ngày 17/ 2 đến ngày 22/3. Các số liệu dường như được chuẩn bị bởi quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc và khó có thể tin cậy được. 

Dữ liệu GDP của Trung Quốc đưa ra thường có xu hướng bị thổi phồng, tạo ra ảo tưởng về sự tăng trưởng ấn tượng cho người dân Trung Quốc và quan sát viên trên khắp thế giới, điều tương tự cũng có thể áp dụng đối với thống kê dịch viêm phổi Vũ Hán. Các nhà kinh tế tại Đại học Hồng Kông và Đại học Chicago đã tính toán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc một cách độc lập và cho thấy con số của Bắc Kinh bị thổi phồng 1,7 điểm phần trăm, với hơn 10% được bổ sung vào quy mô kinh tế nói chung. Hơn nữa, dữ liệu được chia sẻ và trình bày bởi chính phủ Trung Quốc tràn ngập các lỗ hổng về phương pháp luận, phá vỡ trật tự về dữ liệu và số. Điều này khẳng định thêm rằng dữ liệu thống kê từ chế độ chuyên chế và độc tài thường không đáng tin cậy.

 Hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm về dịch bệnh của Trung Quốc về cơ bản đã được minh chứng là thất bại. Mặc dù hệ thống Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc được quảng cáo là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới, được phát triển trong nhiều năm và đã qua nhiều phép thử với đầy sai sót qua các dịch bệnh như bệnh dịch “cúm châu Á” (ca bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc năm 1957 và kéo dài đến năm 1958), H5N1 năm 1996, SARS năm 2002, H1N1 năm 2009 và H7N9 năm 2012. Tuy nhiên chỉ một năm trước, Gao Fu, tổng giám đốc CDC Trung Quốc, tuyên bố rằng ông ta “rất tự tin rằng sự cố SARS sẽ không tái diễn do xây dựng tốt mạng lưới giám sát bệnh truyền nhiễm; có thể chặn virus khi nó xuất hiện”.

Khi đưa ra cảnh báo về virus corona chủng mới, bác sĩ Lý Văn Lượng đã thu hút sự chú ý toàn cầu sau khi bị chính quyền khiển trách vì “truyền bá tin đồn sai lệch”. Bác sĩ Lý, người đã bị chính quyền ép ký vào văn bản hứa sẽ không tiếp tục hành động của mình, đã chết vì căn bệnh mà anh đã muốn cảnh báo sớm mọi người. Bác sĩ Lý Văn Lượng không phải là người duy nhất; nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế khác ở Vũ Hán đã bị khiển trách vì họ truyền bá thông tin về virus corona chủng mới trước khi nó được nhà cầm quyền cho phép. Ngay từ đầu các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ ý kiến về sự tồn tại của các ca nhiễm virus Vũ Hán. Chính quyền trung ương và tỉnh Vũ Hán phải chịu trách nhiệm cho sự che dấu thông tin này.

Những nỗ lực nhằm hạ thấp sự nguy hiểm virus corona chủng mới và những tác động tiềm ẩn của nó, gồm cả thiệt hại khó tránh khỏi ảnh hưởng đến hình ảnh của chế độ chính trị, được quan tâm hơn là lo lắng và sợ hãi cho sức khỏe cộng đồng với sự lây lan của virus sang các khu vực khác của Trung Quốc và hơn thế nữa. Thất bại trong việc ngăn chặn một căn bệnh mới có khả năng làm suy yếu nghiêm trọng những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc với sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, mong đạt được sự tăng trưởng liên tục nhằm vươn lên vị thế cường quốc. Sự phát triển và lợi ích địa chính trị của Trung Quốc tạo ra nhu cầu ngày càng tăng trong việc duy trì sự ổn định. Vì tăng trưởng kinh tế là nền tảng cho sức mạnh của Trung Quốc về mặt quân sự và chính trị, giả mạo dữ liệu và gian lận thống kê có thể sẽ vẫn là đặc điểm bất biến của tất cả các cấp thống trị của Trung Quốc.

Khi ca nhiễm SARS đầu tiên được phát hiện, Trung Quốc dưới thời Giang Trạch Dân đã nỗ lực che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh bùng phát cho đến khi bị một trong những bác sĩ hàng đầu của Trung Quốc phát giác. Một kịch bản tương tự như vậy đã xảy ra đối với virus Vũ Hán.

Số lượng các ca nhiễm virus Vũ Hán của Trung Quốc thực tế cao hơn nhiều so với tuyên bố, phán đoán dựa trên các hình ảnh, video và tài liệu bị rò rỉ cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Ví dụ, số lượng các thuê bao điện thoại di động ở Trung Quốc giảm đáng kể cho thấy sự khác biệt có thể có trong thống kê chính thức của Trung Quốc về số ca nhiễm và tử vong và những người thực sự nhiễm virus. Điện thoại di động là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc, đặc biệt là trong thời gian cách ly và phong tỏa, và số lượng thuê bao mong đợi là có thể gia tăng chứ không phải là giảm. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, lượng thuê bao di động và điện thoại cố định đã giảm hơn 21 triệu và 840.000 người dùng. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở Ý (khoảng 9%) cho thấy các con số (không bao gồm các trường hợp không có triệu chứng) được báo cáo ở Trung Quốc sai nghiêm trọng.

 Đồng thời, không thể phủ nhận chính quyền Trung Quốc thành công trong việc chuyển hướng khủng hoảng virus Vũ Hán sang toàn cầu và chối bỏ trách nhiệm liên quan đến virus corona. Các quan chức Trung Quốc đã đổ lỗi cho quân đội Mỹ là nguồn gốc của đại dịch và dữ liệu trình diễn ra khẳng định rằng các ca nhiễm mới là do người nước ngoài hoặc khách du lịch.

Rủi ro tồn tại là các nguy cơ tiềm ẩn bên trong Trung Quốc, không được báo cáo đầy đủ, hoặc thậm chí bị bỏ qua, những ổ dịch mới có thể bùng phát, cho dù các ca nhiễm là có liên quan đến nhập cảnh hay là trong nước. Các nhà lãnh đạo địa phương và khu vực có thể tìm cách che giấu các ca nhiễm mới như đối với bùng phát ban đầu. Rốt cuộc, bộ máy tuyên truyền của chính phủ dường như đã tuyên bố rằng Trung Quốc đang chiến thắng trong cuộc chiến chống lại virus và đã đến lúc khởi động lại bộ máy kinh tế. Trong một kịch bản như vậy, thật đáng nghi ngại nếu một nhà lãnh đạo địa phương hoặc khu vực muốn báo cáo các ca mới có thể xảy ra.

Trung Quốc mới đây tuyên bố đã đạt được thành tựu trong việc chống lại virus và dường như đã tìm cách làm phẳng đường cong số ca nhiễm, nhưng thế giới không nên nhìn vào những số liệu từ quốc gia này. Hãy thận trọng về những thống kê không tin cậy của chính quyền Trung Quốc, chúng ta nên tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của trong mỗi nước và cảnh giác với những diễn biến trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới