Cùng với trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều hệ thống radar hiện đại ở vùng duyên hải và trên các đảo tiền tiêu đang chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc là nhằm tăng cường năng lực giám sát trên biển và tạo ưu thế chiến lược trong các cuộc xung đột tiềm tàng sắp tới.
Kể từ khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đảo, biến chúng thành các tiền đồn quân sự (phi pháp) trên Biển Đông. Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) cho biết Trung Quốc đã xây hơn 40 cơ sở radar trên 7 thực thể nước này chiếm đóng phi pháp và biến thành đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Trong đó, những cơ sở radar trên 3 thực thể lớn Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn có khả năng hoạt động tầm xa. Theo IISS, những cơ sở radar phi pháp sẽ góp phần nâng cao khả năng liên kết giữa các thực thể bị Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông, có thể kết nối với chiến khu Nam bộ và Trung tâm tác chiến liên hợp của Quân ủy Trung ương. IISS còn đánh giá những cơ sở đó giúp tăng cường khả năng chỉ huy, kiểm soát các hoạt động của hải quân, hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc. Ngoài ra, thông qua mạng lưới radar nói trên, Trung Quốc cũng có thể tăng khả năng tình báo, giám sát và do thám ở Biển Đông.
Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho biết, nhiều trạm radar đã mọc lên ở Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Gạc Ma và Xu Bi. Đặc biệt, hệ thống ở Châu Viên được cho là radar tần số cao, với tầm hoạt động lên tới 300 km. Nếu đây là radar tần số cao, nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc theo dõi tàu và máy bay ở Biển Đông. Đá Châu Viên là nơi thích hợp cho việc lắp đặt loại radar này vì nằm ở cực nam của Trường Sa. Có nghĩa đó là nơi tốt nhất nếu bạn muốn radar cảnh báo sớm theo dõi mọi tàu bè và phi cơ đến từ eo biển Malacca và những khu vực khác nằm ở phía Nam, chẳng hạn như Singapore.
Trong khi đó, báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (6/2018) cho biết, Trung Quốc đã sẵn sàng xây dựng một hệ thống radar cực mạnh ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, có phạm vi hoạt động đến tận Singapore, cách đó 2.000km. Đây sẽ là hệ thống radar mạnh nhất ở Biển Đông. Dù có được sử dụng để tạo ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hay không thì nó vẫn sẽ có nhiều ứng dụng trong quân sự, như nâng cao năng lực tác chiến tàu ngầm của Trung Quốc và làm gián đoạn mạng lưới thông tin liên lạc của các quốc gia khác bằng cách tạo ra một “hố đen” trong bầu khí quyển. Trạm radar của Trung Quốc hoạt động theo cơ chế phát ra các xung năng lượng điện từ cực mạnh để khuấy động tầng điện ly. Bằng cách phân tích sóng radio dội ngược lại, các nhà nghiên cứu có thể đo chính xác sự nhiễu động ở tầng điện ly gây ra bởi các tác động vũ trụ, như tia mặt trời. Hệ thống radar của Trung Quốc ở Tam Á sẽ là hệ thống tương tự đầu tiên như vậy xuất hiện ở Biển Đông. Một nhà nghiên cứu tại cơ sở của dự án Hải Nam cho biết: “Việc tiến hành kế hoạch đã được chính phủ trung ương thông qua. Công trình sẽ được khởi công trước cuối năm nay”. Trong khi đó, một chuyên gia radar cấp cao tại Đại học Xidian (từng làm việc cho Viện Kỹ thuật viễn thông thuộc Quân Giải phóng nhân nhân Trung Quốc), xác nhận rằng dự án Hải Nam sẽ hoạt động theo 2 bộ phận riêng biệt, một cho nghiên cứu dân sự và một cho quân sự. Trước đó, theo một số báo cáo của các nhà khoa học Trung Quốc, có một thiết bị tương tự đã được Trung Quốc triển khai tại Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam từ năm 2012. Nó được sử dụng để nghiên cứu tầng điện ly và giám sát, phát hiện các mục tiêu cực nhỏ như vệ tinh nano và mảnh vỡ từ các thiết bị không gian dùng trong cả hai lĩnh vực quân sự, dân sự. Ông Zhao Biqiang, nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa lý và Vật lý địa cầu tại Bắc Kinh cho biết, chi tiết về hệ thống radar mới có lẽ phải 2-3 năm sau mới được công bố. Chương trình Tam Á chính thức được phát động vào năm 2015, với nguồn vốn ban đầu gần 15,7 triệu USD, do chính phủ trung ương cung cấp. “Mục đích chính của chương trình là nghiên cứu tầng điện ly trên Biển Đông. Hiện nay chưa có thiết bị nào như vậy trong khu vực. Dữ liệu thu được từ radar sẽ bổ sung cho những lỗ hổng trong kiến thức của chúng tôi”. Hiện có nhiều cơ sở tương tự đang được xây dựng ở đại lục với công suất lớn hơn nhiều so với cái chúng tôi đang tiến hành.
Gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã nâng cấp công nghệ radar của nước này và phát triển hệ thống dành cho hạm đội tàu sân bay nhằm duy trì việc giám sát liên tục các vùng biển. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn nhận định của các nhà khoa học chủ trì chương trình radar “Vượt đường chân trời” (OTH) cho biết, hệ thống radar nâng cấp trang bị cho hạm đội tàu sân bay Trung Quốc sẽ cho phép hải quân nước này phát hiện các mối đe dọa từ tàu, máy bay và tên lửa của đối phương sớm hơn nhiều so với công nghệ hiện thời. Radar OTH đặt trên mặt đất được Mỹ và Liên Xô phát triển đầu tiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hệ thống này cho phép hai nước giám sát vùng lãnh thổ rộng tới hàng nghìn km bằng cách phát sóng radar vào tầng điện ly khí quyển và quay ngược trở lại mặt đất. Tuy nhiên nhiều cơ sở lắp đặt radar OTH trên mặt đất sau đó đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động do nguy cơ dễ bị tấn công. Radar OTH tiêu thụ lượng điện khổng lồ và phải được xây dựng trên địa hình bằng phẳng và thoáng đãng. Do nằm cố định nên hệ thống radar OTH rất dễ bị tấn công. Điều này khiến nhiều nhà hoạch định quân sự chuyển hướng quan tâm sang các hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không. Một số chuyên gia Trung Quốc cho biết hệ thống radar OTH mới sẽ được trang bị trên tàu. Nguồn tin giấu tên này mạnh miệng tuyên bố hệ thống radar nổi “sẽ tăng cường năng lực thu thập thông tin của hải quân Trung Quốc tại những vùng biển quan trọng” như Biển Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất phát triển công nghệ radar này. Raytheon, nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ, đã được cấp bằng sáng chế hồi năm 2016 cho việc phát triển hệ thống radar tương tự. Hệ thống radar của Raytheon bao gồm một tàu phát sóng và một số tàu tiếp sóng với ăng ten gắn trên boong tàu. Sóng radar được phát trực tiếp lên khí quyển bởi thiết bị phát sóng trước khi được các tàu tiếp sóng thu nhận, sau đó chuyển tín hiệu cho các tàu sân bay thông qua vệ tinh hoặc chuyển tiếp trên không. Việc triển khai công nghệ radar trên biển đòi hỏi các nhà khoa học phải khắc phục nhiều thách thức, bao gồm điều chỉnh tần số radar, khử cực và định hướng để đảm bảo phù hợp khoảng cách của mục tiêu và các điều kiện của tầng điện ly. Theo Raytheon, hệ thống radar OTH trên biển có tầm giám sát lên tới hơn 1.000 km và có thể bao phủ khu vực rộng hơn 3,4 triệu km2, tương đương diện tích của Ấn Độ. So sánh giữa các hệ thống radar cho thấy, radar của một tàu khu trục hải quân Mỹ có tầm hoạt động khoảng 300 km, trong khi radar của máy bay Boeing E-3 Sentry khoảng 600 km.
Trước âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều nước có lợi ích trong khu vực, cũng như các nước ven Biển Đông đã triển khai nhiều kế hoạch đáp trả, ngăn chặn Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ đang phát triển hệ thống chiến tranh điện tử thế hệ mới dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI), hứa hẹn sẽ hủy diệt radar cao tần của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo National Interest, các dự án nghiên cứu nâng cao của cơ quan quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc (DARPA) đang thử nghiệm hệ thống chiến tranh điện tử dựa trên trí thông minh nhân tạo. Nếu thành công, hệ thống điều khiển AI mới sẽ cung cấp cho quân đội Mỹ cách thức để tiêu diệt tận gốc hệ thống radar tân tiến của Nga và Trung Quốc. Giám đốc DARPA, tiến sĩ Arati Prabhakar cho biết: “Chúng tôi đang sử dụng trí thông minh nhân tạo để tìm hiểu trong quãng thời gian thực radar của đối thủ đang làm gì và sau đó, trên những máy bay không người lái sẽ tạo ra một hồ sơ cá nhân gây nhiễu mới. Đó là toàn bộ quá trình cảm biến, học tập và thích nghi được diễn ra liên tục”. Hiện tại thế hệ máy bay tàng hình Lockheed Martin, F-22 và F-35 có một hàng dữ liệu lập trình trước các tín hiệu radar của đối phương và hồ sơ gây nhiễu đã được lưu trữ trong thư viện các mối đe doạ. Tuy nhiên, nếu những máy bay chiến đấu gặp một tín hiệu mà trước đây vẫn chưa gặp phải, hệ thống đăng ký các mối đe dọa chưa có, điều đó có nghĩa là máy bay sẽ dễ dàng bị tiêu diệt. The National Interest cho rằng, radar cao tần Trung Quốc có thể theo dõi các máy bay tàng hình của Mỹ, nhưng ngược lại Mỹ hoàn toàn có thể phá giải. Trong thời chiến, Mỹ hoàn toàn có thể hủy diệt trước các radar này, giống như Mỹ sử dụng máy bay trực thăng vũ trang Apache phá hủy radar tần số thấp của Quân đội Iraq trong chiến dịch “bão táp sa mạc” trước đây. Trong thời bình, Bộ Quốc phòng Mỹ thường triển khai một máy bay tình báo tín hiệu giống như máy bay trinh sát RC-135V/W để thu thập dữ liệu trên một dạng sóng mới. Dữ liệu đó sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích do đó một hồ sơ gây nhiễu mới có thể được tạo ra. Những hồ sơ gây nhiễu mới sau đó được kết hợp vào một chiến đấu cơ như F-22, F-35, F/A-18 hay bất kỳ loại máy bay tiêm kích nào khác đang hoạt động. Theo ông Pabhakar hiện nay các máy bay chiến đấu của Mỹ chỉ có vài khả năng để phân tích dạng sóng đối phương trong thời gian thực là Northrop Grumman EA-6B Prowler – loại vẫn còn phục vụ trong thủy quân lục chiến và Boeing EA-18G Growler của hải quân. Nếu hệ thống chiến tranh điện tử mới AI được đưa vào hoạt động, nó sẽ tiết kiệm cho Bộ Quốc phòng Mỹ về thời gian, tiền bạc. Thậm chí nó còn có khả năng cứu mạng phi công nếu họ gặp phải một hệ thống tên lửa đất đối không mới của đối phương hoặc radar tần cao như loại mà Trung Quốc đã lắp đặt trên Biển Đông.
Cục Hàng hải Malaysia đang đề xuất xây dựng một trạm radar tại Biển Đông để theo dõi tình hình trên biển, cũng như giúp Kuala Lumpur tăng cường khả năng phát hiện hoạt động phạm tội nhằm vào các tàu chở hàng đi qua vùng biển này. Giám đốc Cục Hàng hải Malaysia, ông Baharin Abdul Hamid cho biết, việc xây dựng một trạm radar mới đã được thảo luận và dự kiến sẽ được đưa vào kế hoạch lần thứ 11 của Malaysia, sáng kiến trên là biện pháp nhằm nâng cao khả năng bảo vệ an ninh tại Biển Đông. Dù không nêu cụ thể địa điểm đặt trạm radar mà Malaysia đang hướng đến, song ông Baharin cho biết trạm radar sẽ giúp sớm phát hiện các tàu tình nghi trong vùng biển của nước này và thông báo sớm tới các cơ quan chức năng để có những biện pháp kịp thời.
Việt Nam triển khai radar chống tàng hình VHF mới của Nga. Radar mới đã áp dụng công nghệ phần mềm máy tính COTS tiên tiến và công nghệ radar trạng thái cố định mới nhất. Ít nhất có 2 chiếc được thiết kế mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), có năng lực thay đổi phương hướng chùm sóng nhạy cảm (agile beam-steeringcapabilities), không thua gì radar Aegis SPY-1 Begis của Hải quân Mỹ, đồng thời đã áp dụng máy phát-máy thu trạng thái cố định kiểu mini trong mỗi thiết bị anten thu. Công nghệ kiểm soát sóng tạp tiên tiến, chẳng hạn công nghệ xử lý tín hiệu tự thích ứng không-thời gian trên máy bay cảnh báo sớm E-2D/D của Hải quân Mỹ, chính là một chức năng đã biết trên ít nhất 2 thiết kế VHF của Nga hiện nay. Trước đó, cũng có thông tin cho rằng Việt Nam sẽ mua lô lớn radar phòng không VOSTOK-E của Belarus, đồng thời có thể triển khai ở Biển Đông. Radar VOSTOK-E do xe tải 6X6 vận chuyển cơ động, sau khi đến trận địa sử dụng 3 xe radar VOSTOK-E làm 3 góc hoặc nhiều góc độ để bố trí. Trong tình hình không bị gây nhiễu điện tử, khoảng cách dò tìm tối đa đối với máy bay chiến đấu Su-27 không tàng hình là 360 km, khoảng cách dò tìm đối với máy bay chiến đấu tàng hình F-117 và máy bay ném bom tàng hình B-2 là 350 km. Cho dù bị gây nhiễu điện tử tương đối mạnh bởi máy bay tác chiến điện tử, nó cũng có thể phát hiện máy bay chiến đấu không tàng hình F/A-18 trong cự ly 255 km hoặc phát hiện máy bay chiến đấu tàng hình giống kiểu F-22 trong cự ly ngắn nhất là 57 km, sau đó sẽ do tên lửa phòng không S-300 làm nhiệm vụ bắn rơi chúng.
Đài Loan cũng đang triển khai phi pháp hệ thống radar AN/TPS-117 trên đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu phân tích an ninh Đài Hải của Đài Loan Mai Phục Hưng cho biết, đây là loại radar phòng không ba chiều tầm xa tương đối hiện đại do hãng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo. Hiện nay, không rõ loại radar này có thích hợp với môi trường có độ nóng, độ ẩm và độ muối cao như trên đảo Ba Bình hay không, nhưng nếu phía Mỹ đứng đằng sau tham gia và đồng ý cho Đài Loan sử dụng loại radar đó ở đây thì hai bên đã tiến hành các đánh giá liên quan cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật. Theo ông Mai Phục Hưng, việc bố trí nó trên đảo Ba Bình chủ yếu là nhằm theo dõi các hoạt động của Trung Quốc Đại lục trong khu vực cũng như các động hướng của các nước tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, thậm chí còn bao gồm cả các hoạt động trên không của quân đội Mỹ ở Biển Đông, rất có giá trị đối với việc nắm bắt tình hình tại khu vực Trường Sa. Bên cạnh đó, việc bố trí radar AN/TPS-117 tuy không thể giúp Đài Loan phản công lại Trung Quốc Đại lục, cũng không thể răn đe ngăn Trung Quốc Đại lục tấn công, nhưng đó là động thái nhỏ, có ý nghĩa chiến lược, chí ít bắn đi tín hiệu “tôi không bó tay chờ chết”. Do công suất khi hoạt động của radar AN/TPS-117 lên tới 4.5kW, cho nên, cần phải có nguồn điện lớn cung cấp. Trước đây, năng lượng Mặt trời chỉ chiếm 16% tổng lượng điện, nhưng sau khi có lệnh, Cơ quan Tuần tra bờ biển Đài Loan đã yêu cầu lắp đặt thêm nhiều tấm pin Mặt trời, nâng tỷ lệ cung cấp điện bằng năng lượng Mặt trời lên 40%, đảm bảo đủ điện năng để cung cấp cho radar AN/TPS-117 hoạt động.