Thursday, October 10, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTừ cuộc chiến Hoàng Sa: Việt Nam chống lại TQ bá quyền...

Từ cuộc chiến Hoàng Sa: Việt Nam chống lại TQ bá quyền trên Biển Đông

46 năm trước, khi Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam đã làm tất cả để bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong lịch sử, Trung Quốc từng 5 lần xâm chiếm biển đảo của Việt Nam ở trong các thể chế khác nhau. Lịch sử cho thấy kể từ lần thứ nhất năm 1946, trong tình thế đất nước ta ngàn cân treo sợi tóc trước sự trở lại của người Pháp và đó cũng là lúc Liên Hiệp Quốc yêu cầu người Trung Quốc đến giải giáp quân Nhật Bản. Lúc đó, khoảng trống có lợi cho Trung Quốc, khiến Bắc Kinh tranh thủ sử dụng vũ lực chiếm luôn đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa). Lần thứ hai vào năm 1956, sau hiệp định Geneva, người Pháp phải rút đi, quân đội chưa mạnh, Mỹ chưa can thiệp, Trung Quốc lại đưa quân xâm chiếm gần như toàn bộ phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Lần thứ ba là năm 1959 Trung Quốc mang quân qua chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa nhưng không thành công. Lần thứ tư là năm 1974, Mỹ rút hạm đội 7 khỏi khu vực, quân đội giảm quân số ở Hoàng Sa từ một tiểu đoàn xuống một trung đội địa phương, Trung Quốc liền mang quân tấn công phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam cộng hòa quản lý. Ngày 14/3/1988, lúc ấy quân đội Việt Nam vẫn đang làm nhiệm vụ thời chiến ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, Trung Quốc lại đưa quân vào chiếm đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.

Cuộc chiến chống Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn chính nghĩa, phù hợp với Luật pháp và Thực tiễn quốc tế.  Bởi lẽ quần đảo Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ  những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi. 

Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế. Hành động đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương Liên Hơp Quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên Hợp Quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ. Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong đó quy định:“Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.

Hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam bằng vũ lực. Theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, thông qua hành động xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc sẽ làm bàn đạp để thôn tính toàn bộ Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực. Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để từ đảo Hải Nam vươn vòi kiểm soát về phía Nam bao phủ cả khu vực Biển Đông. Cụ thể, nếu xem đảo Hải Nam là trung tâm sức mạnh quân sự thì Hoàng Sa chính là hành lang mở rộng, rồi vươn tiếp đến Trường Sa. Tất cả đã thể hiện rất rõ trong việc Trung Quốc không ngừng phát triển hạ tầng lẫn sức mạnh quân sự tại các thực thể ở Biển Đông. Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin cho biết thêm, việc chiếm đóng của Trung Quốc ở Hoàng Sa chủ yếu nhằm kiểm soát Biển Đông cũng như hướng đến tham vọng kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế, mở đường cho lực lượng viễn chinh tiến ra xa, thậm chí “cọ xát” để sẵn sàng đối đầu với lực lượng quốc tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tự cho mình cái quyền tuyên bố vùng biển và vùng trời khu vực Biển Đông là “chủ quyền lịch sử”. Tất cả những điều đó đe dọa nghiêm trọng an ninh và ổn định của khu vực, khi dễ dẫn đến những đụng độ.

Cùng quan điểm trên, ông Gregory B.Poling (Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải – AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho rằng Trung Quốc không chỉ thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với Hoàng Sa, mà còn thắt chặt giám sát cả vùng biển lẫn vùng trời xung quanh khu vực này suốt nhiều năm qua. Không khó để nhận ra rằng Bắc Kinh siết chặt kiểm soát, ngăn chặn tàu cá trong khu vực. Chưa dừng lại ở đó, từ Hoàng Sa, Bắc Kinh còn mở rộng kiểm soát sang quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ép buộc, đe dọa vũ lực nhằm đẩy các nước xung quanh ra khỏi Biển Đông, dẫn đến đe dọa tính ổn định trong khu vực cũng như thách thức các nền tảng luật pháp quốc tế. Đây là một phần trong việc Bắc Kinh đang ra sức hình thành một sức mạnh vươn cả khu vực Đông Á.

Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng Trung Quốc đã tiến hành nhiều chiêu thức nhằm thiết lập quyền lực kiểm soát ở Biển Đông. Điều đó có thể nhận ra thông qua hạ tầng, cơ sở mà Bắc Kinh xây dựng, phát triển trên các thực thể tại vùng biển này. Những gì Bắc Kinh đạt được trong việc quân sự hóa Hoàng Sa đã làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực. Điều đó buộc nhiều quốc gia bên ngoài khu vực cũng phải tăng cường hiện diện ở vùng biển này.

Bà Bonnie Glaser (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc – CSIS) cũng nhận định Trung Quốc đã từng bước gia tăng ảnh hưởng và kiểm soát đối với Biển Đông thông qua nhiều hoạt động, đặc biệt là khai thác hải sản cũng như năng lượng. Điều đó khiến căng thẳng ngày càng trầm trọng hơn khi nguồn hải sản dần cạn kiệt cùng với nguy cơ xung đột ngày càng lớn hơn. Đáng chú ý, Tiến sĩ James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định cách thức mà Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam thực tế mở đầu một tiền lệ nguy hiểm cho khu vực và thế giới. Từ đó đến nay, Trung Quốc xem việc sử dụng vũ lực là cách thức phục vụ cho tuyên bố chủ quyền, nên tiếp tục dùng quân sự để chiếm đóng thêm nhiều bãi đá khác ở Trường Sa. Những năm gần đây, Trung Quốc lại không ngừng thiết lập sức mạnh quân sự. Trong khi đó, các nước chưa thực sự gắn kết hiệu quả trước tham vọng của Bắc Kinh. Nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục không phản ứng kịp thời thì hậu quả sẽ còn lớn hơn.

Để giải quyết tình hình trên, Cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy lập lại trật tự dựa trên các nền tảng luật pháp quốc tế như UNCLOS, Phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016), hay Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả có thể là cơ chế phòng ngừa phù hợp. Ngoài ra, các nước trong khu vực cần nâng cao thực lực hàng hải và các quốc gia bên ngoài khu vực cần nhận ra tầm quan trọng của Biển Đông đối với hàng hải thế giới, nên cần tăng cường hiện diện để đảm bảo sự ổn định, hòa bình và phát triển trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới