Sunday, January 19, 2025
Trang chủBiển nóngViện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm: TQ vượt Nga trở...

Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm: TQ vượt Nga trở thành nhà sản xuất vũ khí số 2 của thế giới

Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPPRI), Trung Quốc đã qua mặt nước Nga trở thành nhà sản xuất vũ khí số 2 của thế giới và đứng hàng thứ 5 trong số các nhà xuất khẩu vũ khí.

Theo báo cáo của SIPPI, cách nay 10 năm, Trung Quốc là một trong những khách hàng quan trọng nhất của Nga và Ucraina, nhưng hiện Bắc Kinh không còn “phải trông cậy vào vũ khí của các nước khác”. Hiện các tập đoàn sản xuất vũ khí của Trung Quốc đã trỗi dậy, từng bước vượt Nga trở thành nước sản xuất vũ khí lớn thứ hai trên thế giới. Theo dự kiến, hàng năm khối lượng sản xuất của các tập đoàn Trung Quốc ước tính lên tới khoảng từ 70 đến 80 tỷ đôla để phục vụ quân đội nước này. Ngoài ra, SIPRI còn ước tính rằng ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc đã phát triển đến mức ngày càng có nhiều đơn hàng từ nước ngoài. Theo ước tính, Trung Quốc đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu vũ khí, trong đó đáng chú ý là các loại thiết bị bay không người lái.

Tuy nhiên, giới chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm cũng lưu ý rằng các tập đoàn Trung Quốc giữ bí mật về doanh thu nên báo cáo không cho phép phân tích thấu đáo về hồ sơ này. Dù vậy, trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2017, SIPRI đã chú ý đến các tập đoàn lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo vũ khí và nhận thấy rằng ba trong số này đã có tên trong danh sách 10 tập đoàn hàng đầu của thế giới.

Các chuyên gia đã giải thích rằng, các nhà sản xuất Trung Quốc trước đó không được đưa vào tốp 100, vì không có dữ liệu cần thiết cho các ước tính chính xác. Nhưng giờ đây, các chuyên gia của SIPRI lần đầu tiên nhận được thông tin về doanh số bán hàng của Trung Quốc, vì vậy họ có thể có được bức tranh đầy đủ nhất về tiềm năng của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc và các công ty thành viên. Các chuyên gia lưu ý rằng, nền tảng của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc là 10 công ty mẹ và một viện nghiên cứu. 7 công ty lớn nhất của họ, gồm: AVIC (Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc) là nhà sản xuất máy bay và điện tử hàng không, CASIC (Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc) chuyên về sản xuất tên lửa và công nghệ vũ trụ, CETC (Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc) chuyên về điện tử và linh kiện cho thiết bị quân sự, đặc biệt là radar và phần mềm, NORINCO và CSGC (Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Nam Trung Quốc) là những nhà sản xuất thiết bị mặt đất, CSIC và CSSC (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc và Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc) là những công ty đóng tàu lớn nhất nước.

Khi các chuyên gia của SIPRI có được tài liệu về hoạt động sản xuất của 4 công ty AVIC, CETC, NORINCO và CSGC. Các công ty này đại diện cho ba lĩnh vực sản xuất vũ khí thông thường: hàng không vũ trụ, điện tử và thiết bị mặt đất. Công ty lớn nhất trong số các công ty Trung Quốc là AVIC, chiếm 20,1 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ sáu trong tốp 100 công ty buôn bán vũ khí. Thứ hai là công ty NORINCO – nhà sản xuất thiết bị mặt đất lớn nhất thế giới với doanh số đạt 17,2 tỷ USD. SIPRI lưu ý rằng, các nhà sản xuất Trung Quốc thường chuyên sâu hơn vào một lĩnh vực vũ khí cụ thể, trong khi ở các nước khác, hầu hết các công ty thường có nhiều sản phẩm hơn, bao gồm hàng không, hệ thống mặt đất và đóng tàu.

Theo báo cáo SIPRI, ba vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng của 100 công ty công nghiệp quân sự lớn nhất thế giới đều thuộc về Mỹ. Lockheed Martin đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách này về bán vũ khí, Boeing ở vị trí thứ hai và Raytheon ở vị trí thứ ba. Trong khi đó, Tập đoàn chế tạo máy bay của Nga chiếm vị trí thứ 13, Tập đoàn đóng tàu Nga đứng ở vị trí 19, công ty Almaz-Antey ở vị trí 24 và công ty Trực thăng Nga đứng ở vị trí 29.

Bên cạnh đó, SIPPI cho biết, các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc đã phát triển từ cấp độ tầm trung lên cấp độ dẫn đầu thế giới trong một thập kỷ qua, và được cho là dẫn đầu thế giới về chất lượng ở một số khía cạnh. Các loại vũ khí nổi bật mà Trung Quốc để lại dấu ấn là tiêm kích tàng hình J-20, drone trinh sát siêu thanh WZ-8, tên lửa hành trình YJ-18 và tàu khu trục Type- 055, đều được xem là thuộc top đầu trong lĩnh vực của chúng. Ngoài ra, SIPRI cho rằng các công ty Trung Quốc đặc biệt hoạt động trong ba lĩnh vực hàng không không gian, điện tử và các loại trang thiết bị quân sự sử dụng trên bộ. Trong ba lĩnh vực vừa nêu, các công ty của Trung Quốc đạt đến trình độ cao để có thể xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Dẫn báo cáo của SIPRI, tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định, doanh thu của AVIC trong năm 2017 tương đương với các tập đoàn hàng không hàng đầu thế giới của Mỹ và châu Âu như Boeing, Northrop Grumman và Raytheon, cũng như nhà sản xuất BAE Systems của Anh. SCMP còn cho biết, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng, Trung Quốc đang dần ít phụ thuộc hơn vào việc nhập khẩu vũ khí và công nghệ quân sự từ nước ngoài. Bắc Kinh đã có những bước tiến lớn trong hai năm qua sau tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kế hoạch hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) giai đoạn 2017 – 2035 và biến PLA thành một lực lượng quân sự đẳng cấp thế giới vào năm 2050.

RELATED ARTICLES

Tin mới