Đại dịch Covid-19 như một cơn bão quét qua 210 quốc gia. Đến ngày 8/4 đã có hơn 1,4 triệu người mắc, hơn 82 nghìn người tử vong. Hơn ai hết, lẽ ra Trung Quốc, nơi mọc lên mầm cây virus độc hại Vũ Hán, phải hiểu thấu nỗi gian nan, đau đớn của nhân loại, nhưng tiếc thay, chính vào lúc này, Bắc Kinh lại gia tăng các hành động bành trướng, khiêu khích vũ trang, quấy rối trên biển Đông.
Từ đầu mùa dịch, hơn ba tháng qua, Trung Quốc đã có hàng loạt hành động phi pháp tại biển Đông. Cụ thể là đã trắng trợn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Sự kiện mới nhất là, vào lúc 3 giờ sáng ngày 2/4, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS công suất 420CV do ông Trần Hồng Thọ (SN 1987 ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng. Lúc này trên tàu có 8 thuyền viên, đangnghỉ ngơi sau một ngày đánh bắt hải sản trong ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hành vi ngang ngược, phi pháp nêu trên của tàu Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc. Rõ ràng Bắc Kinh đã làm những điều hoàn toàn trái ngược với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Biển Đông lại thêm những lớp sương mù làm phức tạp tình hình, khiến cho quan hệ giữahai nước u ám, khiến cho việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông dừng lại ở những khẩu hiệu sáo mòn.
Lạ lùng hơn, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ thái độ kiên quyết phản đối hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc với những lí lẽ cứng rắn nhưng thuyết phục thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại dựng đứng lên rằng: chính tàu cá Việt Nam đã đâm tàu hải cảnh Trung Quốc (!) Thật là chuyện nự cười bắt cây quay gốc lêntrời.
Không chỉ có vụ ăn hiếp tàu cá vừa nêu, thời gian qua, Bắc Kinh đã liên tục có những hành động ngang ngược. Đó là việc công bố “các trạm nghiên cứu” mới trên những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng ở Đá Chữ Thập và Đá Xubi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mà họ ra rả nói rằng đó là… Nam Sa, thuộc về Trung Quốc. Đó là việc cho hạ cánh máy bay quân sự đặc chủng xuống Đá Chữ Thập. Đó là việc tiếp tục triển khai lực lượng dân quân trên biển chung quanh quần đảo Spratly cũng thuộc quần đảo Trường Sa.
Nhố nhăng hơn, hôm 23/3, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản hồi về một tài liệu của Philippines. Bắc Kinh ngụy biện: Trung Quốc “có chủ quyền với quần đảo Nam Sa và vùng biển gần kề”, “có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất”. Rồi dấn thêm bước nữa, họ tuyên bố hoàn toàn “có quyền lịch sử” ở Biển Đông, dựa trên “bằng chứng lịch sử và pháp lý” (!). Thật là trò lố, bổn cũ soạn lại quá nhiều lần.
Còn trong một Công hàm phản hồi tài liệu của Malaysia ngày 12/12/2019, Trung Quốc khẳng định, họ có chủ quyền với quần đảo ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Không thể lặng im, mặc cho nước lớn lấn lướt, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chính thức gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc. Việt Nam kiên quyết phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, bày tỏ lập trường trước sau như một về vấn đề Biển Đông, phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm nêu trên. Các yêu sách này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Chỉ có Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hà Nội kiên quyết phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử.Các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý. Lập trường trước sau như mọt của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên hợp quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.
Đúng là Việt Nam cũng như các nước trong khu vực vừa lo chống dịch, vừa lo chống giặc. Vừa gặp nhau “hữu nghị” ở hội nghị ngoại giao, vừa phải chuẩn bị đấu trí và chuẩn bị lực lượng chiến đấu khi xảy ra xung đột. Cuộc chiến gian nan, dài lâu, nhưng khi đã rõ mặt, rõ tâm địa kẻ thù thì sẽ không bị bất ngờ.