Friday, October 18, 2024
Trang chủBiển nóngVụ tàu Hải cảnh TQ đâm tàu cá Việt Nam: Bắc Kinh...

Vụ tàu Hải cảnh TQ đâm tàu cá Việt Nam: Bắc Kinh đang chống đối cả cộng đồng quốc tế

Việc Trung Quốc điều tàu Hải Cảnh ngang nhiên đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vấp phải sự chỉ trích, lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ngang ngược, bao biện, lấp liếm cho những hành vi sai trái của mình.

Khoảng 3h ngày 02/4, tàu cá QNg 90617 TS công suất 420 CV của ông Trần Hồng Thọ (33 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng NGãi) đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm. 8 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ suốt 15 tiếng đồng hồ. Sáng cùng ngày, nhận được tin báo, các tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đặng Tằm và QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng liền chạy đến cứu và bị tàu Trung Quốc truy đuổi. Tàu của ông Linh và ông Dũng bị bắt, lai dắt về khu vực tàu QNg 90617 TS lâm nạn. Khoảng 18h ngày 2/4, Trung Quốc giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá của ông Linh, ông Dũng và thả cho họ về.

Cộng đồng quốc tế chỉ trích

Bộ Ngoại giao Mỹ (06/4) ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc về thông tin Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Đây là vụ việc mới nhất trong loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải phi pháp và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”; nhấn mạnh cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc hồi tháng 7-2016 xem là tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Chính phủ Mỹ cũng có chung quan điểm này; đồng thời kêu gọi Trung Quốc tập trung hỗ trợ cộng đồng quốc tế chống đại dịch toàn cầu, chấm dứt việc lợi dụng sự mất tập trung hoặc khả năng dễ bị tổn thương của các nước khác để mở rộng các yêu sách trái pháp luật trên Biển Đông.

Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Á-Âu của Nga Grigory Trofimchuk (07/4) khẳng định dư luận đã lên án hành vi không phù hợp của các tàu TQ khi đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam; cho rằng phía TQ cần kiềm chế và tránh những hành động tương tự, đồng thời bình tĩnh giải quyết thỏa đáng các vấn đề tồn tại bằng biện pháp hòa bình; nhận định vụ việc diễn ra trong bối cảnh tình hình bất ổn trên phạm vi toàn cầu đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, điều này có thể làm các vấn đề Biển Đông thêm trầm trọng; nhấn mạnh những hành động tương tự sẽ được giới nghiên cứu chú ý và cần phải bị lên án tại các hội thảo, diễn đàn quốc tế về Biển Đông. Trong mọi trường hợp, Việt Nam không đơn độc trong vấn Biển Đông, cộng đồng quốc tế sẽ lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Hiện Việt Nam có thể tận dụng tối đa các công cụ quốc tế của mình, trong đó có vị thế của một nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để giải quyết vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phát huy hơn nữa cơ chế hợp tác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch luân phiên trong năm nay.

Giáo sư Vladimir Kolotov (Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg, Nga)nhận định, TQ đang lợi dụng việc nhiều quốc gia trên thế giới đang phải dồn lực chống đại dịch COVID-19 để gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông. Việc tàu Hải cảnh TQ ngang nhiên đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam thực hiện hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam là một minh chứng cho điều này. Giáo sư Kolotov cũng khuyến cáo các nước trong khu vực cần cảnh giác về làn sóng leo thang căng thẳng mới ở Biển Đông, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Trung Quốc ngang ngược, phách lối

Khi được hỏi về phản ứng của Trung Quốc liên quan tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ (06/4) bày tỏ quan ngại sâu sắc liên quan vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam, Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để tăng cường hoạt động phi pháp trên Biển Đông, ngang nhiên đưa vào sử dụng 02 trạm nghiên cứu khoa học ở đá Chữ Thập, đá Subi và nhắc tới Phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (07/4) ngang ngược cho rằng: “Về vụ chìm tàu ​​đánh cá Việt Nam tại quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) gần đây, Trung Quốc đã thể hiện rõ quan điểm nhất quán liên quan vụ việc trên. Quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) là lãnh thổ của Trung Quốc. Việc Trung Quốc triển khai các hoạt động liên quan trong lãnh thổ của mình là hợp pháp và nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Gần đây, Trung tâm nghiên cứu Đảo, đá thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã chính thức được khai trương trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Subi là có lợi cho việc tăng cường giám sát và nghiên cứu về sinh thái thực vật, môi trường địa chất, sinh thái biển cho các rạn san hô ở Trường Sa, cũng có lợi cho việc cung cấp thêm sản phẩm công cộng cho các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng vụ kiện trọng tài Biển Đông và cái gọi là phán quyết của Tòa trọng tài là bất hợp pháp và không hợp lệ; lập trường nhất quán của Trung Quốc là không chấp nhận, không tham gia, không thừa nhận, không tiếp nhận cái gọi là phán quyết của Tòa. Lập trường nhất quán của Trung Quốc là phù hợp với luật pháp quốc tế. Hiện tại, các nước trên thế giới đang trong giai đoạn quan trọng nỗ lực chung để chống lại dịch bệnh. Trung Quốc vừa tích cực tiến hành phòng chống dịch bệnh trong nước, vừa nỗ lực hết sức để hỗ trợ và giúp đỡ các quốc gia khác cần chống lại dịch bệnh và được cộng đồng quốc tế ca ngợi. Trong tình huống này, Mỹ không chỉ thường xuyên gửi tàu chiến và máy bay để khuấy động các vấn đề ở Biển Đông, xâm phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, mà còn lợi dụng các sự kiện hàng hải có liên quan để gây rối, bóp méo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển để bác bỏ chủ trương hợp pháp của Trung Quốc. Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng việc liên hệ tình hình dịch bệnh với các vấn đề hàng hải, mà nên tằng cường các hoạt động có lợi cho việc phòng chống dịch bệnh ở Mỹ.”

Trước đó, Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/4, khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới việc tàu cá Việt Nam bị chìm sau va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra những lời phát ngôn dối trá, lừa đảo cho rằng: “Vào sáng 2/4, một tàu hải cảnh Trung Quốc trong cuộc tuần tra định kỳ phát hiện tàu cá Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp ở ngoài khơi quần đảo Tây Sa (thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) và ngay lập tức kêu gọi con tàu rời đi. Tàu cá Việt Nam từ chối rời đi và bất ngờ chuyển hướng về phía tàu Trung Quốc. Mặc dù tàu hải cảnh của Trung Quốc đã cố hết sức để tránh, nhưng vẫn bị tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu. Tàu cá Việt Nam sau đó bị ngập nước và chìm. Tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngay lập tức thực hiện chiến dịch giải cứu và cả 8 ngư dân Việt Nam đã được giải cứu mà không có bất cứ thương tích nào. Tàu hải cảnh Trung Quốc sau đó đã để ngư dân Việt Nam rời đi sau khi hoàn thành thủ tục điều tra và thu thập bằng chứng cần thiết”. Không chỉ dừng lại ở đó, trong tuyên bố sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lớn tiếng cáo buộc “tàu đánh cá Việt Nam có thời điểm thường xuyên xâm phạm vùng lãnh hải và nội thủy của ‘quần đảo Tây Sa’ của Trung Quốc để đánh bắt cá”. Bà Hoa còn ngang nhiên khẳng định “tàu cá Việt Nam phớt lờ và thậm chí có hành động nguy hiểm để chống lại việc thực thi pháp luật của Trung Quốc. Phía Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc với Việt Nam về vấn đề này, yêu cầu Việt Nam thông báo với ngư dân của mình và điều chỉnh hoạt động đánh cá của họ để đảm bảo không tái phạm việc xâm phạm vùng biển liên quan tới quần đảo Tây Sa của Trung Quốc hoặc thực hiện các hành động nguy hiểm chống lại lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc”.

Ngoài ra, Người phát ngôn của Cục Hải cảnh Trung Quốc Trương Quân (03/4) cũng phát biểu với giọng điệu đổi trắng thay đen, ngụy biện, vu cáo trắng trợn khi cho rằng: “Sáng sớm ngày 2/4, tàu cá Việt Nam QNG-90617TS đã “xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc quần đảo Tây Sa của Trung Quốc (Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam)” để đánh bắt cá. Tàu Hải cảnh 4031 của Trung Quốc đã “tiến hành cảnh báo để xua đuổi. Tàu đánh cá Việt Nam đã từ chối rời đi và đã có những hành động nguy hiểm nhiều lần rồi bị chìm sau khi đâm vào tàu Hải cảnh 4301”. Hải cảnh Trung Quốc còn dựng nên màn kịch “các thuyền viên tàu đánh cá Việt Nam thú nhận đã xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc và thực hiện các di chuyển nguy hiểm”.  Trương Quân còn dọa dẫm: “Gần đây, các tàu đánh cá Việt Nam thường xuyên xâm nhập vùng biển Tây Sa của Trung Quốc (Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) để thực hiện các hoạt động xâm ngư. Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam thực hiện các biện pháp để tránh các sự cố tương tự xảy ra. Hải cảnh Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa sự kiểm soát và điều tra, trừng phạt các hoạt động bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Trung Quốc”.

Giới học giả Việt Nam

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt – thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh, phát ngôn của bà Hoa Xuân Oánh là sự bịa đặt, đổi trắng thay đen trắng trợn; câu trả lời của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hết sức ngược ngạo, bất chấp sự thật và thiếu thiện chí; khẳng định không có chuyện tàu cá nhỏ lại đi đâm tàu chấp pháp có vũ trang của Trung Quốc. Ông Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc đã hành xử như vùng biển này thuộc “ao nhà” của mình, bất chấp luật pháp quốc tế như Công ước Luật biển, bất chấp những tuyên bố cũng như các văn bản mà các lãnh đạo Trung Quốc đã tham gia ký kết như DOC năm 2002, Thoả thuận chung giải quyết các tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký kết năm 2011. Một mặt, chúng ta cần thông qua mọi con đường ngoại giao để yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng những văn bản mà Trung Quốc đã tham gia. Mặt khác, chúng ta cần đưa ra công luận thế giới những hành vi sai trái này của Trung Quốc bởi dư luận quốc tế chắc chắn tạo sức ép nhất định tới Trung Quốc. Đặc biệt, chúng ta cũng cần nâng cao năng lực của các cơ quan chấp pháp biển của mình như Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư để có thể góp phần bảo vệ ngư dân trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một điều cũng hết sức lưu ý, hiện nay thông tin từ trang SCSPI của Trung Quốc cáo buộc một số tàu cá của Việt Nam đánh bắt vượt khu vực biển thuộc chủ quyền. Nếu vậy, chúng ta cũng cần tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân biết sự nguy hiểm nếu ngư dân lưu thông ngoài khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. Còn nếu trong phạm vi thì chúng ta có quyền đánh bắt theo quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, việc chấm dứt các hành động ngang ngược, vô lối của Trung Quốc ở Hoàng Sa không phải là một vấn đề đơn giản. Bằng chứng là năm nào cũng có tàu của Việt Nam bị Trung Quốc tấn công, đâm chìm ở Hoàng Sa. Thế và lực của Trung Quốc ngày càng mạnh. Do đó, họ luôn có dã tâm dùng sức mạnh để cưỡng đoạt các quyền lợi trên khu vực Biển Đông. Giải pháp tổng thể là chúng ta phải tăng cường thực lực về mọi mặt như kinh tế biển, quốc phòng…, cũng như phát triển các quan hệ quốc tế nhằm tạo thế và lực, qua đó mới có thể ngăn chặn được âm mưu đê hèn và dã tâm của Trung Quốc. Qua sự việc 8 ngư dân Quảng Ngãi bị tấn công mới đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phản đối kịch liệt, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công, đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; có các biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam; yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Quảng ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát biển cũng cần tăng cường tuần tra, giám sát nhằm kịp thời hỗ trợ ngư dân và có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ, chuyên gia kinh tế và chính sách công nhận định, các tuyên bố, phát ngôn của Trung Quốc mấy lần đưa ra đều mâu thuẫn nhau và họ hình như đang giấu giếm ý đồ gì khác. Theo tôi, Việt Nam đã phản ứng kịp thời và đúng mực, còn Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch Covid-19, khi Mỹ đang bận chống dịch, để gây căng thẳng như phép thử quan hệ.

Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh và Người phát ngôn Hải cảnh Trung Quốc Trương Quân đều tuyên bố tàu cá Việt Nam QNG 90617 TS tự đâm vào mũi tàu hải cảnh 4301 của Trung Quốc ở Hoàng Sa nên bị chìm. Dù giọng điệu vô cùng quen thuộc qua các năm nhưng mức độ tráo trở đổi trắng thay đen, vừa ăn cướp vừa la làng của phía người có trách nhiệm nhà cầm quyền Trung Quốc khiến nhiều người dân Việt Nam kinh hãi và phẫn nộ. Tàu gỗ của ngư dân Việt Nam sao có thể đâm vào tàu vỏ sắt của hải cảnh Trung Quốc theo kiểu tự sát để rồi “tự chìm” và để phía Trung Quốc “ nhân đạo” vớt lên? Việc Hải Cảnh Trung Quốc vi phạm “Công ước phòng tránh nguy cơ va đụng trên biển” mà Trung Quốc cũng là một quốc gia thành viên và việc Hải Cảnh Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và vùng tài phán của Việt Nam nhưng lại áp đặt luật của Trung Quốc, yêu cầu và ép buộc ngư dân Việt Nam ký biên bản bằng tiếng Trung Quốc, không mời phiên dịch giải thích rõ nội dung. Với việc làm trái qui định này, Hải cảnh Trung Quốc sai cả pháp luật của Trung Quốc, luật Việt Nam lẫn thông lệ quốc tế, những biên bản vi phạm trái pháp luật như vậy hoàn toàn không có giá trị pháp lý . Ngoài ra, mặc dù Tòa án trọng tài quốc tế đã ra phán quyết không công nhạn phần lãnh hải 12 hải lý gắn với các đảo trên Biển Đông, vùng biển ngư dân đánh bắt cá thuộc hải phận và quyền tài phán của Việt Nam theo luật Biển quốc tế nhưng Trung Quốc vẫn cố ý vi phạm, cố ý tạo vùng xám biến vùng biển không tranh chấp thành tranh chấp, nhận vơ ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân Việt Nam là lãnh hải của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới