Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaGiới quân sự các nước không nên coi thường những “tiền đồn”...

Giới quân sự các nước không nên coi thường những “tiền đồn” TQ xây dựng trái phép ở Biển Đông

Trong những ngày đầu của năm 2020, giới chuyên gia quân sự, an ninh ở các nước, nhất là ở Mỹ và Nhật Bản đã dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về giá trị chiến lược và quân sự của các “tiền đồn” mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép trên Biển Đông từ năm 2013 và nay tiếp tục củng cố, cả ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa.

Một số người cho rằng, việc Trung Quốc đã mở rộng thêm khoảng 12.000 km2 đất đai trên 7 cấu trúc mà nước này đã chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông với hàng loạt thiết bị cảm biến tầm xa, cơ sở hạ tầng cảng biển, đường băng, các kho nhiên liệu và vũ khí quân sự trên đó không có gì đáng quan ngại đối với an ninh của nước Mỹ, kể cả khi xảy ra xung đột quân sự Mỹ – Trung trong khu vực Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, ngày càng có nhiều ý kiến phản bác và báo động về tính chất nguy hiểm của các “tiền đồn” trên đối với Quân đội Mỹ trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự giữa hai nước.

“Trường phái” coi thường giá trị và năng lực quân sự của phía Trung Quốc trên các đảo nhân tạo do họ xây dựng trái phép trên Biển Đông thì lập luận, phân tích như sau:

Thứ nhất, họ dựa vào những nhận định của Cơ quan tình báo Mỹ rằng, các căn cứ mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông sẽ có năng lực đáng kể trong việc triển khai sức mạnh tấn công quân sự của Trung Quốc trên biển nếu như Bắc Kinh triển khai đáng kể lực lượng quân sự hiện đại nhất đến các căn cứ trên vào cuối năm 2016. Thế nhưng, ba năm sau nhận định đó, Trung Quốc hình như vẫn chưa triển khai thêm nhiều máy bay chiến đấu hay các loại vũ khí tầm xa hiện đại khác có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền tới Trường Sa. Trong khi đó, báo cáo của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc năm 2019 cũng cho rằng, họ không thấy bất kỳ hoạt động “quân sự hóa” mới nào kể từ khi Trung Quốc đặt các tên lửa phòng không và chống hạm trên quần đảo Trường Sa vào năm 2018. Có thể, phản ứng của các nước trong và ngoài khu vực đối với hành động phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa là một phần lý do khiến Bắc Kinh không có thêm hoạt động nào nhằm tăng cường năng lực quân sự trên các đảo. Tướng Joseph Dunford – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, gần đây đã phát biểu rằng, nếu hoạt động “quân sự hóa” các đảo của Trung Quốc “chững” lại, thì đó là vì chúng đã đạt được khả năng quân sự mà Trung Quốc cần.

Như vậy về mặt quân sự, những gì Trung Quốc đòi hỏi từ các căn cứ trên ít hơn nhiều so với khả năng đáp ứng rõ ràng của chúng. Việc Trung Quốc không có “bước tiến” mới đáng kể nào để mở rộng hoạt động quân sự trên quần đảo Trường Sa, thậm chí họ còn mất mát một chút và việc “quân sự hóa” hơn nữa trên các thực thể Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép không thể giúp họ kiểm soát được Biển Đông trong thời bình và vì thế có lẽ cũng không mang tính quyết định trong thời chiến. Hơn nữa, khoảng cách và sự cô lập của các căn cứ so với Trung Quốc đại lục khiến chúng rất dễ bị ảnh hưởng, tính hữu dụng về mặt quân sự của chúng sẽ nhanh chóng giảm bớt khi có một cuộc xung đột quân sự xảy ra kéo dài. Trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột quân sự (nếu điều đó xảy ra), các căn cứ này sẽ cung cấp cho Hải quân Trung Quốc các vị trí để triển khai tên lửa và các cuộc không kích phủ đầu, cũng như tiếp viện tàu và máy bay. Nhưng quần đảo Trường Sa cách địa điểm tiếp viện gần nhất của nước này – các căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam, hơn 500 hải lý. Trong khi, ở gần Trường Sa hơn nhiều là Philippines, một đồng minh đôi khi “dở chứng” của Mỹ nhưng không phải là không ngày càng lo ngại về những ý định của Trung Quốc.

Thứ hai, các căn cứ được xây dựng trên các thực thể nhân tạo ở quần đảo Trường Sa rõ ràng là các mục tiêu cố định, quy mô tương đối nhỏ và biệt lập, lại không có tài sản dân sự trên đó và hầu như không có khả năng “che chắn” hay bảo vệ trước các loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa mới, những cuộc đột kích lên đảo và hoạt động bắt giữ mà quân đội Mỹ đang triển khai. Nếu xảy ra một cuộc xung đột với Mỹ, khi các căn cứ này bị hư hại và xuống cấp do các cuộc không kích và tấn công của bom và tên lửa, thì việc sửa chữa và tiếp viện sẽ trở nên ngày càng tốn kém và đầy thách thức, buộc quân đội Trung Quốc phải dùng đến lực lượng tàu chiến và không quân để yểm trợ. Song có lẽ họ muốn sử dụng lực lượng này để bảo vệ những nơi khác hơn là bảo vệ các hòn đảo mà tính hữu dụng của chúng đang nhanh chóng giảm sút.

Thứ ba, giá trị chiến lược của các căn cứ do Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa cũng rất mơ hồ. Các căn cứ này cách eo biển Singapore hơn 800 hải lý, cách các tuyến đường biển thay thế gần nhất là eo biển Sunda và Lombok của Indonesia hơn 1.600 hải lý. Vị trí của các căn cứ nói trên có thể giúp Trung Quốc kiểm soát khu vực phía trong của Biển Đông, nhưng không thể kiểm soát được những nút thắt ở trong và ngoài vùng biển này.

Thứ tư, môi trường khí hậu của khu vực Biển Đông không thuận lợi đối với hầu hết các hệ thống quân sự tiên tiến nhất của Trung Quốc. Năm 2017, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về các biện pháp đặc biệt được yêu cầu để bảo vệ hoạt động triển khai các máy bay chiến đấu J-11 đến quần đảo Trường Sa trong thời gian ngắn trước tác động của sức nóng và độ ẩm ở quần đảo này. Những nghiên cứu gần đây hơn cho biết, các vấn đề về môi trường ở quần đảo Trường Sa thậm chí còn nghiêm trọng hơn, do sức nóng và độ ẩm khiến các cấu trúc vỡ vụn, thiết bị máy móc bị hư hỏng và một số hệ thống vũ khí thậm chí còn bị phá hủy dần dần. Đây là mối lo của Trung Quốc về khả năng chống chịu của các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã xây dựng trái phép ở Trường Sa trước tác động của thời tiết khắc nghiệt của Thái Bình Dương.

Với những lập luận và phân tích như trên, nên những người theo “trường phái coi thường” cho rằng, sự hiện diện quân sự trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa là có thật, nhưng vai trò của chúng rất mờ nhạt, không có gì đáng quan ngại về mặt quân sự đối với Mỹ, một nước có nền kinh tế và tiềm lực quân sự hùng mạnh nhất thế giới.

Ở chiều đối lập, “trường phái” không coi thường giá trị và năng lực quân sự của phía Trung Quốc trên các đảo nhân tạo lại khẳng định: sẽ là một “sai lầm nguy hiểm” khi coi thường hay xem nhẹ mức độ nguy hại của các “tiền đồn” quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông và cho rằng các “tiền đồn” đó sẽ bị Mỹ tiêu diệt dễ dàng khi xảy ra chiến tranh.

Greg Poling, Giám đốc Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, Mỹ là người thuộc “trường phái không coi thường” đã quả quyết: Thật sai lầm khi cho rằng, các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên 7 hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông chỉ “dọa” được các nước láng giềng nhỏ bé trong vùng, chứ không thể tồn tại được trước hỏa lực hùng mạnh của quân đội Mỹ. Trên thực tế, nếu chiến sự bùng nổ thì chính Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, sẽ là bên kiểm soát vùng biển và không phận Biển Đông nhờ vào các căn cứ của họ trên các đảo nhân tạo. Bên cạnh đó, với cách bố trí lực lượng như hiện nay của Mỹ trong khu vực, thì trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột, Washington phải mất rất nhiều công sức và tổn thất trước khi vô hiệu hóa được các “tiền đồn” đó để có thể tung lực lượng vào Biển Đông. Điều này cho thấy giá trị quân sự của các “tiền đồn” mà Bắc Kinh đã xây dựng được ở Biển Đông là rất đáng kể. Theo ông Poling, sự khác biệt giữa nhìn nhận của giới chuyên gia và suy nghĩ chung thường thấy ở nhiều người Mỹ về giá trị chiến lược của các “tiền đồn” quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông là một điều rất đáng quan ngại. Bởi hầu hết những người quan tâm, theo dõi tình hình Biển Đông đều nhận thấy, các căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông có giá trị rất lớn trong việc làm thay đổi tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc nếu như giữa hai nước xảy ra một cuộc xung đột trong tương lai.

Có rất nhiều học giả, chuyên gia quân sự nghiên cứu về an ninh Biển Đông tán đồng với quan điểm của Giám đốc AMTI, tiêu biểu trong số này là chuyên gia Ankit Panda – Biên tập viên cao cấp của chuyên san Nhật Bản The Diplomat. Nhà phân tích chiến lược của Nhật Bản đánh giá: Phân tích của ông Poling là một lời phản bác đầy sức thuyết phục, chống lại suy nghĩ “nông cạn” hiện nay cho rằng, các “tiền đồn” mà Trung Quốc xây dựng gấp rút ở quần đảo Trường Sa là một “nhược điểm” chiến lược lớn của Bắc Kinh nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Mỹ. Ông nhận xét, “nếu chỉ đơn thuần coi các tiền đồn đó rất xa đất liền Trung Quốc, do đó nó không thể làm gì được trước một lực lượng trên không và trên biển rất mạnh của Quân đội Mỹ thì thật ngớ ngẩn”. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, các căn cứ quân sự đó trước hết có giá trị trong thời bình, cho phép Bắc Kinh tiến hành các hoạt động cưỡng chế nhằm áp đặt yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc tại Biển Đông với các bên tranh chấp khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, kể cả Indonesia, nước cũng bị Trung Quốc tranh chấp một phần vùng đặc quyền kinh tế. Còn trong thời chiến, các “tiền đồn” của Trung Quốc ở Trường Sa không chỉ là “bia” đỡ đạn, mà còn góp phần tăng cường hỏa lực cho quân đội Trung Quốc, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình hiện trường và phục vụ công tác hậu cần. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có địa thế tốt để sử dụng tên lửa chống hạm và phòng không trên các cơ sở này để ngăn chặn Hải quân Mỹ và các nước khác trong khu vực. Thậm chí, Không quân Trung Quốc vẫn có khả năng xuất phát từ các căn cứ ở Trường Sa để gây khó khăn cho lực lượng quân đội Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. Trung Quốc đã có ba sân bay dài trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi, đủ sức cho máy bay chiến đấu sử dụng. Các sân bay này có thể bị Mỹ tấn công ngay từ đầu, nhưng không thể bị phá hủy hoàn toàn, và Trung Quốc có thể khôi phục các đường băng này không lâu sau một cuộc tấn công. Bằng chứng rất dễ chứng minh là cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ vào căn cứ không quân Syria ở Shayrat năm 2017, nhưng Mỹ đã không thể vô hiệu hóa được căn cứ này.

Mặt khác, theo ông Panda, do diện tích các đảo nhân tạo khá lớn, như trong trường hợp Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi, để có thể phá hủy được hoàn toàn các cơ sở mà Trung Quốc dùng làm điểm tựa cho hải quân, không quân và có thể là cả lực lượng tên lửa chiến lược của họ nữa trong tương lai, Mỹ sẽ cần đến một khối lượng rất lớn tên lửa tầm xa có độ chính xác cao, nhưng đây là điều có lẽ khó thực hiện được trong thời gian ngắn.

Chuyên gia Panda còn nêu thêm một giá trị quân sự khác của các “tiền đồn” quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa mà “trường phái coi thường” không nhìn thấy. Đó là những “tiền đồn” này có thể làm căn cứ cho lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đang hình thành. Theo đó, trước những quan ngại về khả năng lực lượng hạt nhân trên bộ của mình dễ bị triệt hạ trong một cuộc xung đột quân sự, nên Trung Quốc dự tính sẽ đưa tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo loại 094 vào Biển Đông để khi cần thiết, tìm cách thâm nhập vào chuỗi đảo đầu tiên để phóng tên lửa đạn đạo JL-2 (loại trang bị cho tàu ngầm) vào các mục tiêu trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Dự tính trên xuất phát bởi lý do tàu ngầm hạt nhân loại 094 của Trung Quốc nhất thiết phải đến được chuỗi đảo thứ nhất vì tên lửa JL-2 không đủ tầm bắn để tấn công nước Mỹ nếu đặt từ trên đất liền.

Bên cạnh đó, các “tiền đồn” của Trung Quốc ở Trường Sa có thể góp phần đáng kể vào việc giúp Bắc Kinh không chỉ ngăn chặn hoạt động của Hải quân Mỹ ở Biển Đông, qua đó tăng cường khả năng “sống còn” của các tàu ngầm tấn công hạt nhân được triển khai khi xung đột nổ ra, mà còn trở thành địa bàn để Hải quân Trung Quốc từ đó tung ra các chiến dịch chống ngầm, phát hiện và đẩy lùi các phương tiện giám sát dưới đáy biển của Mỹ, bao gồm cả tàu ngầm và các loại tàu lặn tự hành khác.

Xem xét những tranh luận trên của giới chuyên gia quân sự, an ninh các nước, có thể rút ra hai kết luận sau:

Một là, việc Trung Quốc xây dựng trái phép các ‘tiền đồn” quân sự trên Biển Đông là dấu ấn quân sự to lớn, bất chấp cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015 là không “quân sự hóa” các đảo; bất chấp tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng các cơ sở hạ tầng phòng thủ “cần thiết” này được xây dựng là nhằm bảo đảm an toàn hàng hải và cứu trợ thiên tai. Việc Trung Quốc đầu tư tốn kém tiền của, gấp rút xây dựng các ‘tiền đồn” quân sự trên dứt khoát không phải là để “trưng bày”.

Hai là, các đảo nhân tạo của Trung Quốc từ lâu đã bị coi là biểu hiện cụ thể của các hành vi coi thường luật pháp quốc tế và làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, phục vụ Bắc Kinh thực hiện các mục tiêu ở khu vực. Trong lúc mục đích chính của các đảo nhân tạo này là nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền phi lý theo “đường chín khúc” mà Trung Quốc tự vẽ ra, thì trong thời chiến, chúng có thể phát huy năng lực quân sự rất đáng kể. Vì thế, không chỉ Mỹ mà bất cứ nước nào có quyền và lợi ích ở Biển Đông đều không thể xem thường giá trị chiến lược và những uy hiếp quân sự từ những “tiền đồn” này của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới