Trong tuyên bố phát ngày 8-4, Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh rằng các ngư dân nước này cũng từng là nạn nhân của Trung Quốc và sẽ mãi ghi nhớ hành động nhân đạo của Việt Nam khi cứu vớt các ngư dân Philippines.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines đã mở đầu bằng việc nhắc lại tàu cá nước này từng bị đâm chìm trên Biển Đông nhưng may mắn được cứu vớt bởi các tàu cá Việt Nam gần đó.
“Kinh nghiệm tương tự của chúng tôi đã cho thấy niềm tin vào tình bạn đã bị mất như thế nào qua vụ việc như vậy; và niềm tin đã được tạo ra nhiều thế nào bởi hành động nhân văn của Việt Nam trực tiếp cứu mạng sống của ngư dân Philippines của chúng tôi”, tuyên bố có đoạn nêu rõ.
“Chúng tôi đã không ngừng và sẽ không ngừng cảm ơn Việt Nam về hành động đó. Và với suy nghĩ, chúng tôi đưa ra tuyên bố này để thể hiện tình đoàn kết”.
Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh rằng các sự cố như vừa xảy ra với tàu cá Việt Nam khiến quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc bị xói mòn trong bối cảnh hai bên đang đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
“Việc tiếp tục củng cố các mối quan hệ khu vực đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc cùng cam kết nhằm hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra bởi đại dịch COVID-19”, tuyên bố đặt vấn đề.
Cơ quan ngoại giao Philippines cũng nhắc lại thực tế rằng ASEAN, trong đó có cả Philippines, đã sát cánh cùng Trung Quốc khi nước này đang gồng mình chống đại dịch COVID-19, nhấn mạnh “cả thế giới đã chứng kiến điều đó”.
“Như chúng tôi đã nói, việc tạo ra các sự cố trên biển sẽ không bao giờ làm phát sinh quyền hợp pháp ở bất cứ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào”, Bộ Ngoại giao Philippines lập luận đồng thời kêu gọi sự kiên nhẫn ở Biển Đông.
Cuối tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định “COVID-19 là mối đe doạ thật sự, yêu cầu chúng ta phải đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau. Trong tình cảnh này, cho dù là nguồn lợi cá hay yêu sách lịch sử tưởng tượng cũng không đáng là lý do để Trung Quốc gây ra những vụ việc như vậy”.
Tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm hồi năm 2019, buộc 22 ngư dân phải nhảy xuống biển thoát thân – Ảnh chụp màn hình
Tuyên bố không đả động gì đến Trung Quốc nhưng sự cố mà Bộ Ngoại giao Philippines nhắc đến không gì khác ngoài sự kiện xảy ra tại bãi Cỏ Rong ngoài khơi Philippines hồi tháng 6-2019.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khi đó đã chỉ trích tàu Trung Quốc “vô cảm” và “hèn nhát” khi bỏ mặc các ngư dân Philippines trên chiếc tàu số hiệu F/B GIMVER1 sau vụ va chạm.
22 ngư dân Philippines buộc phải nhảy khỏi tàu sau cú đâm của tàu Trung Quốc giữa đêm tối và được tàu cá Việt Nam gần đó ứng cứu mới giữ được tính mạng. Bắc Kinh sau đó gọi sự việc là “một tai nạn” và không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào.
Trước Philippines, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6-4 cũng ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự việc. Người phát ngôn cơ quan này, bà Morgan Ortagus nhấn mạnh “thật đáng sợ khi Trung Quốc đang lợi dụng sự tập trung của thế giới vào đại dịch toàn cầu để áp đặt các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông”.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường
Ngày 3-4, ngay sau khi xảy ra vụ tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.
Ngay trong ngày 3-4, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.