ASEAN ngày 9/4 nhất trí thành lập một quỹ ứng phó với Covid-19 trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy ra.
Quyết định thành lập quỹ ứng phó được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 25 về Covid-19. Theo đó, quỹ hoạt động với mục tiêu huy động các nguồn lực tài chính để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vaccine phòng chống Covid-19, và chuẩn bị cho các phản ứng khẩn cấp trong tương lai.
Các Bộ trưởng cũng bày tỏ cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hơn nữa nỗ lực chung nhằm khống chế dịch Covid-19 và tác động kinh tế và xã hội mà đại dịch này gây ra cho khu vực, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc chiến phòng chống dịch tại mỗi nước.
Bộ trưởng Brunay Dato Erywan Pehin Yusof nhấn mạnh: “Chúng ta cần người dân tin tưởng vào chính phủ, trong khi chính phủ cũng cần cung cấp cho người dân một cách minh bạch và rõ ràng về tình hình dịch bệnh, đưa ra các khuyến cáo cùng biện pháp để cùng nhau hợp tác vượt qua thách thức hiện nay. Tôi cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chống lại các tin tức giả đang lan tràn gây sự hoang mang trong bộ phận người dân”
Tại hội nghị, từng Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã lần lượt tuyên bố bằng ngôn ngữ của nước mình cùng một câu nói: “Chúng tôi đoàn kết với các quốc gia thành viên ASEAN trong cuộc chiến chống Covid-19”.
Những nỗ lực chung của ASEAN đưa ra khi số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng nhanh chóng gần đây, làm dấy lên những quan ngại rằng khu vực ASEAN có thể trở thành tâm dịch tiếp theo. Những nước có hệ thống chăm sóc y tế nghèo nàn như Indonesia và Philippines, được đánh giá là có nguy cơ cao nhất.
Nhiều chuyên gia nhận định, có lẽ điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với khu vực Đông Nam Á, với nhiều nguy cơ tiềm ẩn phía trước. Tháng 4 là thời điểm lễ hội tết truyền thống của một số quốc gia như Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar. Indonesia đang chuẩn bị tiếp nhận một làn sóng lao động di trú trở về từ Malaysia và Tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu từ cuối tháng 4/2020 với hàng triệu người Indonesia trở về quê hương.
Tổng thống Indonesia Joco Widodo ngay lập tức yêu cầu người dân phải tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội: “ Điều quan trọng nhất là giãn cách xã hội, tránh việc tụ tập đông người. Mọi người cần làm việc hay cầu nguyện tại nhà. Các chính sách giãn cách xã hội phải được tuân thủ nghiêm túc và kỷ luật hơn”.
Hiện các nước cũng đang tích cực đưa ra biện pháp để đối phó với Covid-19 nhằm ngăn chặn viễn cảnh xấu nhất. Philippines đã áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài một tháng trên hòn đảo chính Luzon với 60 triệu dân, trong đó, quân đội được huy động để hỗ trợ thực thi lệnh phong tỏa này.
Malaysia đóng cửa biên giới và tạm dừng các hoạt động kinh doanh không cần thiết từ giữa tháng 3, đồng thời phạt nặng những người vi phạm.Thái Lan đã đưa ra những chính sách thậm chí còn nghiêm khắc hơn như lệnh giới nghiêm và hạn chế phát ngôn gây hoang mang.
Singapore cũng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn virus từ sớm và có một hệ thống y tế tiên tiến. Nhưng ngay cả Chính phủ Singapore cũng đang ở trong tình trạng báo động trước thực trạng số ca nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng, gây hạn chế cho hoạt động kinh tế, nhấn mạnh thêm những thách thức đang chờ đợi đối với các quốc gia láng giềng.