Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là cái tên thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong 24 giờ qua khi áp lực lên vai ông Tedros ngày càng tăng vì cách thức WHO phản ứng với đại dịch COVID-19.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua bất ngờ cáo buộc WHO về thái độ “lấy Trung Quốc làm trung tâm” trong cách xử lý vấn đề dịch bệnh. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng khẳng định Washington sẽ đánh giá lại việc tài trợ cho WHO, cho rằng các tổ chức quốc tế đang tận dụng tiền thuế của người Mỹ để phục vụ mục đích riêng.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 8-4, ông Tedros bảo vệ WHO, kêu gọi sự đoàn kết và khẳng định tổ chức này “gần gũi với tất cả” chứ không riêng gì Trung Quốc. Trong các phát biểu vừa qua, ông Tedros nhấn mạnh “đừng chính trị hóa virus”, cứ như thể vị giám đốc này thừa hiểu đằng sau phản ứng của Mỹ chính là mục tiêu cạnh tranh sức ảnh hưởng với Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế. Mỹ đóng góp tới 15% tổng ngân sách WHO trong năm 2019, gấp đôi so với đóng góp của nước đứng thứ hai, và Washington chỉ không đồng ý khi thấy tổ chức đang được mình tài trợ lại “ủng hộ Trung Quốc” hơn.
Đây không phải lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Trump tỏ ý bất mãn với các khoản tài trợ của Mỹ cho các tổ chức quốc tế. Hồi đầu tháng 3, khi bà Wang Binying, một luật sư người Trung Quốc, được xem là ứng viên sáng giá đứng đầu Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) – một tổ chức của Liên Hiệp Quốc, dư luận phương Tây đã lo sợ về ảnh hưởng của Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc. Ở Liên Hiệp Quốc lúc này, người Trung Quốc đã đứng đầu các cơ quan như Tổ chức Lương thực và nông nghiệp, Tổ chức Hàng không dân dụng, Tổ chức Phát triển công nghiệp, Liên minh Viễn thông quốc tế.
Nhìn vào các tuyên bố đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc virus corona chủng mới suốt thời gian qua, rõ ràng ông Tedros có lý do của mình.