Sunday, December 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới chuyên gia: Công hàm phản đối yêu sách chủ quyền của...

Giới chuyên gia: Công hàm phản đối yêu sách chủ quyền của TQ có ý nghĩa lớn

Sau khi Việt Nam (30/3) đệ trình Công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hiệp quốc để phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, giới chuyên gia, học giả nhận định đây là một bước “rất quan trọng” và “cần thiết” mà Việt Nam thực hiện sau hàng chục năm Trung Quốc tiến hành hàng loạt các hoạt động làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Ủng hộ Công hàm của Việt Nam

Tiến sỹ Trần Công Trục nhận định, vấn đề đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế là một câu chuyện, một khả năng có thật, chứ không phải là một điều mà chỉ nói để mà nói về mặt ngoại giao. Bởi vì rõ ràng Việt Nam đã tuyên bố là giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó có cái này, không loại trừ khả năng đưa ra cơ quan tài phán quốc tế. Và việc Việt Nam gửi công hàm cho Liên Hợp Quốc thì chỉ là một bước mới trong quá trình đấu tranh đó và chắc chắn nếu như Trung Quốc cứ tiếp tục vi phạm, bất chấp luật pháp quốc tế và không chú ý các thỏa thuận của các nước có liên quan trong khu vực và Trung Quốc, thì chắc chắn Việt Nam phải tính đến con đường là đưa ra tài phán quốc tế. Và điều đó cũng rất bình thường trong quan hệ quốc tế hiện nay, bởi vì luật pháp quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế, để giải quyết một cách ổn thỏa, phải đưa ra để phân biệt rõ trắng đen.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng phản ứng của Việt Nam đối với công hàm của Trung Quốc như vậy là hợp lý và nhất quán với các tuyên bố trước đây của Việt Nam về chủ quyền cũng như quyền lợi hợp pháp của Việt Nam về khai thác tài nguyên biển ở khu vực Biển Đông.

Chuyên gia Hoàng Việt, thành viên ban nghiên cứu luật biển, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng là một nước có lợi ích liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, phía Việt Nam cần phải có văn bản chính thức để đáp trả các vấn đề trên. Công hàm của Phái đoàn Thường trực Việt Nam đệ trình lên Liên Hiệp Quốc là văn bản pháp lý chính thức của nước Việt Nam, được lưu lại tại Liên Hiệp Quốc. Phản ứng của Việt Nam trong trường hợp này là phù hợp. Xét riêng vấn đề Biển Đông, Trung Quốc rất nhiều mưu sâu kế hiểm, thậm chí là “liên hoàn kế”, nếu như Việt Nam không bình tĩnh, khôn ngoan, không biết chiến thuật “dĩ tĩnh chế động”, nghĩa là lấy cái tĩnh khống chế cái động, lấy nhu để chế cương thì rất dễ mắc sai lầm dẫn đến mất tiếng nói đấu tranh về chủ quyền, thậm chí là mất luôn lãnh thổ.  Có thể nói, Việt Nam luôn làm hết sức mình đóng góp vào việc gìn giữ và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng không có nghĩa là khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, Việt Nam né tránh, làm lơ, không hành động. Nên việc đấu tranh ngoại giao, trao công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc là hợp lý, nó thể hiện tư tưởng nhất quán về chủ quyền biển đảo của Đảng, Nhà nước ta.

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS- Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, việc gửi công hàm chính thức lên Liên hợp quốc có thể xem là một bước “rất quan trọng” và “cần thiết” mà Việt Nam thực hiện sau hàng chục năm quốc gia láng giềng tiến hành hàng loạt các hoạt động làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Trước giờ Việt Nam gần như chưa bao giờ nói gì với Liên hợp quốc về chuyện này cả, bởi vì hiển nhiên rằng Liên hợp quốc đã giao cho Việt Nam quản lý phần Biển Đông này từ năm 1951, sau khi Nhật Bản và một số nước phải làm thủ tục từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Theo nhà nghiên cứu này, có thể coi việc gửi công hàm lên Liên hợp quốc là bước đầu cho một vụ kiện của Việt Nam ra quốc tế để chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Có thể hiểu được như vậy là bởi vì vào năm 2019, Đảng Cộng sản Việt Nam trong một hội nghị Trung ương đã bàn và quyết định rằng trong trường hợp không thể xử lý được bằng biện pháp đàm phán với Trung Quốc thì sẽ phải tiến hành khởi kiện Trung Quốc.

Theo nhận định của Tiến sy Hà Hoàng Hợp, việc Việt Nam công bố Công hàm bằng phiên bản tiếng Việt sau khi xảy ra vụ đâm chìm tàu có thể là do “áp lực từ công chúng”. Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng. Nó xảy ra sau ngày 30/3, là ngày mà cơ quan đại diện thường trực của Việt Nam ở Liên hợp quốc gửi thư phản đối cho Tổng thư ký Liên hợp quốc. Có lẽ vì lý do đó mà họ xem xét công bố thư này để cho người Việt Nam biết rằng họ đã có hành động như vậy.

Dựa trên nội dung công hàm, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho rằng có thể hướng đi pháp lý sắp tới của Hà Nội sẽ là đệ trình vụ kiện lên một cơ quan tài phán hoặc một tòa án của Liên hợp quốc để chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, tương tự như Philippines đã thực hiện và giành phần thắng vào năm 2016. Tuy nhiên, trước khi dẫn đến bước đi cuối cùng này, Việt Nam có thể sẽ gặp phía Trung Quốc để bàn xem có thể xử lý trên bàn đàm phán đa phương được không. Theo ông Hà Hoàng Hợp, đây chính là lúc mà Việt Nam “cần nói rõ” và có bước đi quyết định trong bối cảnh Trung Quốc đã làm thay đổi hiện trạng quá nhiều ở Biển Đông theo hướng quân sự hóa để chuẩn bị cho chiến tranh.

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng cho rằng, việc này Việt Nam đã chuẩn bị từ lâu rồi, không phải chờ cho đến động thái này. Vấn đề là Việt Nam luôn luôn phải tính tới các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Lãnh đạo Trung Quốc biết khá rõ dân Việt Nam nghĩ gì về Trung Quốc và lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên kiện Trung Quốc là cả một việc rất hệ trọng. Có lẽ phải có một tư duy mới, tư duy đột phá trong lãnh đạo, đồng thời phải chuẩn bị công phu về chuyên môn, về nghiệp vụ, và phải có tiền. Bất cứ vụ kiện quốc tế nào cũng kéo theo những rắc rối và tốn kém. Kinh tế Việt Nam sau mùa Covid-19 có lẽ phải gượng dậy đã, rồi mới tính đến những chuyện lớn này được. Chính thế, dùng binh không được thì pháp lý quốc tế là lối ra không phải là duy nhất nhưng là khả dĩ nhất trong môi trường quốc tế và quốc nội hiện nay.

Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao lại cho rằng điều này đã được thể hiện trong một Hội thảo Quốc tế tại Hà Nội hồi cuối năm 2019, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông, trong đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nêu rất rõ các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa bình thì luật pháp quốc tế cho phép nhiều công cụ. Theo đó, công cụ là thông qua Liên Hợp Quốc, công cụ là thông qua các cơ quan tài phán quốc tế và Việt Nam sẽ lựa chọn những công cụ cần thiết trong thời điểm cần thiết. Tôi đánh giá đây là một giai đoạn mới trong bước tiếp theo của công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Những bước tiếp theo, còn tùy vào diễn biến bối cảnh chính trị quốc tế, ở trong khu vực và đặc biệt là thái độ của Trung Quốc nữa, thì đây là một nền tảng ban đầu để Việt Nam tự tin hơn trong việc khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế.

Khả năng thắng kiện

Giới chuyên gia nhận định, nếu Việt Nam khởi kiện đúng thủ tục pháp lý, đúng nội dung cần thiết, để tòa có thể ra phán quyết, thì chắc chắn là với lập trường và với quan điểm của Việt Nam từ trước đến nay đưa ra, thì chắc chắn sẽ thu được thắng lợi và có lợi cho Việt Nam về mặt pháp lý. Tất nhiên là việc đưa ra đó có tính đến rất nhiều các yếu tố, nhất là phán quyết của tòa đã tuyên, bởi vì hiện nay cơ chế thi hành án chưa có, cho nên có thể chỉ là nằm trên giấy thôi, chứ trong thực tế không thi hành được. Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước khác phải tính đến để khi đưa vấn đề kiện ra thì nó có hiệu quả nhất, có hiệu lực thi hành nhất và có ý nghĩa nhất không những về mặt pháp lý mà về cả chính trị, ngoại giao và kinh tế. Với Trung Quốc, tất nhiên khi vụ kiện đưa ra, phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, thì phía Trung Quốc sẽ bị lên án. Bởi vì với luật pháp quốc tế, người ta thấy rõ bản chất thực sự của phía Trung Quốc, yêu sách thực sự của Trung Quốc là gì, tham vọng ra sao, và cái đó rất bất lợi cho họ về mặt pháp lý, chính trị và ngoại giao. Quốc tế sẽ thấy rõ sự vô lý của Trung Quốc, đặc biệt việc bất chấp luật pháp quốc tế, điều đó về mặt chính trị, ngoại giao và pháp lý, Trung Quốc rất bất lợi. Nhưng có một điều là có thể không thi hành được, vì bản án có đưa ra, cơ chế thi hành án lại không có mà Trung Quốc còn có thể lợi dụng vị thế họ là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc nữa.

Có ý kiến cho rằng, nếu Việt Nam kiện Trung Quốc, Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều vấn đề. Điều trước tiên là được lòng dân. Lòng dân rất bức xúc vì họ không phải là chính khách, họ không hiểu hết thế tiến thoái lưỡng nan của nhà lãnh đạo. Thậm chí nếu cứ để dân oán thán mãi thì lãnh đạo sẽ mất tính chính danh. Thứ hai, khởi kiện Việt Nam sẽ có cơ hội làm sáng tỏ chính nghĩa. Có chính nghĩa thì mới cơ hội để vận động dư luận quốc tế tiếp tục ủng hộ. Đưa vụ việc ra trước một cơ quan tài phán quốc tế, đấu tranh để đạt được một giải pháp hoà bình, phù hợp với xu thế thời đại. Dù có gặp rắc rối trong quan hệ với Trung Quốc thì vẫn tốt hơn nhiều là phải chấp nhận một cuộc xung đột vũ trang. Thứ ba, kiện Trung Quốc, Việt Nam sẽ đạt được một ứng xử mới với Trung Quốc. Việc kiện diễn ra trong thời gian dài sẽ đặt lại mối quan hệ giữa hai nước, các khẩu hiệu “viển vông” sẽ không có cơ hội tồn tại, và tất cả đều diễn ra trong hòa bình. Khi chọn một vị thế rõ ràng hơn với Trung Quốc, Việt Nam sẽ có được sự hậu thuẫn lớn hơn của thế giới văn minh. Việt Nam có cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng về kinh tế, chính trị của Trung Quốc, điều mà việc đeo bám đàm phán hay sự đứt gãy của chiến tranh không thể mang lại được. Thứ tư, chứng minh với quốc tế về mặt pháp lý là chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như là đối với Biển Đông về quyền chủ quyền được khẳng định và nó làm rõ đúng, sai trước công luận quốc tế.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến nhận định Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng việc sử dụng biện pháp pháp lý (ví dụ khởi kiện), Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước và các tổ chức tư pháp quốc tế, và nhận được phân xử hay phán quyết cho phép Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Tuy nhiên, khi mà Việt Nam khởi kiện Trung Quốc, chắc chắn Trung Quốc đối lại với Việt Nam sẽ rất mạnh mẽ cả về mặt kinh tế, cũng như là về mặt chính trị, nhưng lãnh đạo Việt Nam có đủ bản lĩnh và với sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam, chắc chắn sẽ vượt qua sức ép cũng như phản ứng về mặt kinh tế, quân sự cũng như là chính trị của Trung Quốc đối với lãnh đạo Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới