Hải quân Mỹ vừa biên chế và đưa vào hoạt động tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân USS Delaware (SSN-791) tại căn cứ hải quân ở bang Virginia. USS Delaware được đánh giá là có nhiều ưu thế vượt trội so với tàu ngầm hạt nhân Yasen của Nga.
USS Delaware – niềm tự hào mới của Mỹ
Tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân USS Delaware (SSN-791) là một trong số những tàu ngầm hiện đại nhất trên thế giới về công nghệ và cả vũ khí sẽ tăng cường đáng kể khả năng tấn công ngầm cho Mỹ. Tàu có chiều dài 115m, lượng giãn nước 8.000 tấn. Thủy thủ đoàn của tàu lớp Virginia gồm 113 người. Tàu Virginia sử dụng lò phản ứng hạt nhân General Electric S9G. Trên tàu ngầm hạt nhân SSN-791 thuộc phiên bản mới nhất Block III Virginia, khoảng 20% bộ phận được thiết kế lại, chủ yếu đối với phần đầu tàu. Ở phần đầu, ngoài 12 ống bắn tên lửa hành trình Tomahawk độc lập, thay thế bằng 2 ống bắn VPT cỡ lớn, 2 ống bắn này không chỉ có thể lắp tên lửa Tomahawk, còn có thể lắp nhiều loại vũ khí khác, bộ cảm biến và tàu lặn.
USS Delaware được biết đến là loại tàu ngầm tấn công nhanh, nhưng đó chỉ là biệt danh mà người ta đặt cho nó. Trên thực tế USS Delaware chỉ đạt tốc độ dưới 25 hải lý/h, biệt danh này có được là nhờ tốc độ nó triển khai các nhiệm vụ mà nó được giao trên toàn thế giới. Tàu có thể lặn sâu tối đa hơn 240m. Do hoạt động bằng năng lượng hạt nhân nên thời gian hoạt động của Virginia không giới hạn. Nó chỉ bị giới hạn về nguồn cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ cho các thủy thủ trên tàu. Tàu ngầm USS Delaware được trang bị các hệ thống kính tiềm vọng tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ. Về hệ thống hỏa lực, USS Delaware được trang bị hệ thống ống phóng thẳng đứng (12 ống) và 4 ống phóng ngư lôi 533mm. Dù có khả năng được trang bị vũ khí hạt nhân nhưng nó chỉ được trang bị các loại vũ khí răn đe thông thường. Ngoài nhiệm vụ tấn công, tàu ngầm được biên chế thêm các lực lượng biệt kích hoạt động cho các nhiệm vụ trên bờ.
Theo giới chuyên gia Mỹ, USS Delaware có khả năng hoạt động gần như tàng hình dưới lòng biển, khả năng chạy liên tục, hỏa lực và module cảm biến xuất sắc làm cho nó có thể hoàn thành 5 trong số 6 năng lực cốt lõi chiến lược trên biển: quyền kiểm soát biển, điều động lực lượng, triển khai tuyến đầu, bảo đảm an toàn hàng hải và răn đe. Tuy nhiên, điểm yếu của USS Delaware là nó không được trang bị tên lửa chống hạm. Việc diệt hạm đối phương phải dựa hết vào ngư lôi MK-48 với tầm tác chiến không quá 40km. Vì vậy, khi làm nhiệm vụ con tàu này có thể đối mặt với nguy hiểm lớn trước khi kịp khai hỏa tấn công tàu đối phương.
Yasen của Nga không kém cạnh
Phòng thiết kế Malakhit – một trong ba phòng thiết kế tàu ngầm chính của Liên Xô đã lên kế hoạch phát triển tàu ngầm lớp Yasen vào đầu những năm 1980. Chiếc tàu ngầm đầu tiên của lớp này mang tên Severodvinsk được đóng vào năm 1993 tại Xưởng đóng tàu Sevmash, nhưng do thiếu kinh phí nên đến hơn 10 năm sau con tàu này mới được hoàn thành. Tàu ngầm Severodvinsk chính thức được hạ thủy vào năm 2010 và đến năm 2013 được đưa vào trang bị của lực lượng tàu ngầm Nga.
Tàu ngầm lớp Yasen của Nga có chiều dài 120m, lượng giãn nước 13.800 tấn. Thủy thủ đoàn gồm có 90 người, ít hơn nhiều so với số lượng thủy thủ trên tàu ngầm Mỹ. Điều này cho thấy mức độ tự động hóa của tàu ngầm Nga cao hơn. Nhìn từ bên ngoài, tàu ngầm lớp Yasen giống với tàu ngầm thế hệ trước lớp Akula nhưng khoang chiến đấu lại nằm sát gần mũi tàu hơn. Ngoài ra, trên tàu ngầm lớp Yasen còn có chỗ để triển khai các ống phóng thẳng đứng. Theo tài liệu Combat Fleets of the World của Viện Hải quân Mỹ, tàu ngầm Severodvinsk được trang bị lò phản ứng hạt nhân OK-650KPM với công suất 200 megawatt. Lò phản ứng này đảm bảo cho tàu ngầm Severodvinsk có thể đạt tốc độ lên đến 16 hải lý/ giờ khi nổi và 31 hải lý/giờ khi lặn. Theo các nguồn tin khác, tốc độ của tàu ngầm Severodvinsk lớn hơn một chút, lên đến 35 hải lý/ giờ, và nó có thể di chuyển không tiếng ồn dưới lòng đại dương với tốc độ 20 hải lý/ giờ.
Tàu ngầm Severodvinsk có hệ thống sonar mảng pha đa chức năng Irtysh-Amfora, với một mạng lưới anten hình cầu phía trước, một mảng anten gắn ở thân tàu và một mảng anten kéo để phát hiện mục tiêu phía sau. Trên tàu ngầm này còn được lắp đặt radar MRK-50 Albatross để dẫn đường và tìm kiếm mục tiêu mặt nước. Ngoài ra, tàu ngầm này cũng có một thiết bị gây nhiễu điện tử Rim Hat.
Vũ khí của tàu ngầm lớp Yasen bao gồm 4 ống ngư lôi tiêu chuẩn có đường kính 10.533mm và 4 ống phóng ngư lôi với đường kính 650mm. Chúng có thể chứa các ngư lôi tự tìm mục tiêu và tên lửa 3M54 Kalibr ở các phiên bản chống tàu, mặt đất và chống ngầm. Các tàu ngầm lớp Yasen đều được trang bị 24 ống phóng tên lửa thẳng đứng sau tháp chỉ huy, mỗi ống có khả năng mang theo các tên lửa chống tàu siêu thanh P-800 Onyx.
Việc Mỹ liên tục trang bị thêm các tàu ngầm hạt nhân là do nước này đang đối mặt với sức ép chưa từng có tiền lệ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chủ yếu đến từ hải quân Nga và Trung Quốc khi lực lượng này đang có những bước nhảy lớn cả về số lượng và chất lượng hạm đội tàu ngầm. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng hải quân Mỹ đang tìm cách tăng cường tốc độ sản xuất tàu ngầm để tái thiết năng lực dưới biển. Bởi tính tới năm 2029, lực lượng tàu ngầm của hải quân Mỹ sẽ bị giảm xuống còn 41 tàu ngầm tấn công do tàu ngầm lớp Los Angeles về nghỉ hưu.
Theo một tài liệu năm 2018, Mỹ hiện có 71 tàu ngầm, tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các tàu này bao gồm 18 chiếc tàu ngầm lớp Ohio được đóng trong những năm 1980, trang bị tên lửa đạn đạo Trident D-5; 24 tàu lớp Los Angeles được đóng trong giai đoạn 1972-1996 và 16 tàu lớp Virginia. Trong số đó, chỉ có các tàu lớp Virginia là được đóng từ những năm 2000 tới gần đây.