Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐàm luậnBiển Đông: Việt Nam làm gì để giữ chủ quyền khi 'ở...

Biển Đông: Việt Nam làm gì để giữ chủ quyền khi ‘ở vào thế yếu’?

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi loan tin đã khống chế được ổ dịch Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc liên tiếp cho triển khai nhiều hoạt động trên Biển Đông, tại các khu vực có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.

Mới đây nhất, vào ngày 2/4, đã xảy ra vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển thuộc Quần đảo Hoàng Sa, nơi cả Việt Nam và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền, khiến tàu Việt Nam chìm.

Việt Nam phản đối việc “tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam”, nhưng phía Trung Quốc sau đó phản hồi rằng chính là tàu cá Việt Nam đã đâm vào tàu Trung Quốc, và đòi Việt Nam phải “giáo dục và kiểm soát hiệu quả các tàu cá và ngư dân của mình”.

Trong khi chính phủ Việt Nam cho người phát ngôn đưa ra lời yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt, đã có câu hỏi trong dư luận rằng liệu có phải chuyện ‘Hoàng Sa là của Việt Nam’ chỉ còn là trên danh nghĩa, và Việt Nam cần làm gì hơn nữa trước những hành động mới nhất của Trung Quốc?

BBC News Tiếng Việt trao đổi với một số chuyên gia luật và phân tích quốc tế về vấn đề này.

Tăng cường biện pháp bảo vệ ngư dân

Bản quyền hình ảnh STR/Getty Images Image caption Tàu cá của ngư dân Việt Nam tiếp tục bị TQ đánh chìm, đẩy nhiều người vào cảnh trắng tay, thậm chí nguy hiểm tính mạng

Bình luận với BBC News Tiếng Việt, Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) cho rằng các hành động nêu trên của Trung Quốc báo hiệu các nguy hiểm kế tiếp có thể xảy ra cho ngư dân Việt Nam nếu tiếp tục đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Chính sách của Mỹ hiện nay ở Biển Đông vẫn thiếu chiều sâu cần thiết..TS Nguyễn Thành Trung

“Đây là một phần của chiến thuật hăm dọa, răn đe của các lực lượng tàu bán quân sự Trung Quốc núp dưới cái tên tàu ngư chính hay tàu cá Trung Quốc để xua đuổi ngư dân các quốc gia khác khỏi ngư trường truyền thống của họ.”

“Ngoài phản đối ngoại giao, theo tôi chính phủ nên tăng cường lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ ngư trường và ngư dân. Nhà nước cũng nên hỗ trợ ngư dân các phương tiện, thiết bị viễn thám và dẫn đường hiện đại, giống như Trung Quốc đã trang bị miễn phí cho ngư dân của họ hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu, giúp họ đánh bắt cá an toàn hơn.”

“Đây vừa là biện pháp cần làm ngay, nhưng cũng là mục tiêu dài hơi, đòi hỏi quyết tâm chính trị từ lãnh đạo Việt Nam, bởi Trung Quốc luôn khó chịu trước các hành động tăng cường sức mạnh biển của Việt Nam.”

“Tất nhiên, để đạt được điều này Việt Nam cần sự hỗ trợ từ các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, không chỉ về trang thiết bị, mà cả kỹ năng sử dụng và phối hợp giữa các lực lượng chấp pháp khác nhau.”

“Có thể học kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc – các nước có lực lượng chấp pháp mạnh trên vùng biển Hoàng Hải và Hoa Đông. Cảnh sát biển Hàn Quốc từng không ngần ngại khai hỏa để bắt các tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc trong ngư trường của họ.”

Cần khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế

Trong khi đó, luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội nói với BBC News Tiếng Việt rằng dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng, nhưng “việc phản đối qua con đường ngoại giao song phương như ta vẫn làm lâu nay cho thấy không mang nhiều giá trị trên thực tế”.

 Dù ta ở vào thế yếu, nhưng thực tế này sẽ được cải thiện đáng kể nếu nhà nước xác định rõ kẻ thù và vạch ra mục tiêu lớn, rõ ràng để chống sự bành trướng của kẻ thù.LS Ngô Anh Tuấn

“Trên thực địa, chúng ta coi như đã thất bại hoàn toàn. Trên truyền thông, Trung Quốc muốn biến việc phản đối của chúng ta thành cuộc cãi vã kiểu chợ cá, kết quả không đi tới đâu.”

“Nhiều người (trong đó có tôi) lầm tưởng, sau sự kiện tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam ngày 02/4/2020, phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã gửi công hàm lên LHQ phản đối hành vi này.”

“Nhưng thực ra, công hàm mới đây của Việt Nam được ký ngày 30/3/2020, tức là trước hai ngày so với sự kiện đâm chìm tàu cá, và nội dung là phản hồi hai công hàm mà Trung Quốc đưa ra trước đó đối với Philippines và Malaysia về vấn đề Biển Đông mà thôi.”

“Vậy nên, Việt Nam cần tiếp tục gửi công hàm lên LHQ phản đối hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam.”

“Ngoài việc đưa vụ việc ra bàn luận tại các chương trình nghị sự của LHQ để quốc tế hiểu rõ hơn và có thể góp tiếng nói ủng hộ thì về mặt lâu dài, phía Việt Nam cần hoàn thiện hồ sơ pháp lý để khởi kiện việc Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ lên toà án quốc tế để có thể được xem xét một cách khách quan, công bằng.”

Trông đợi vào Mỹ hay vào ai?

Bản quyền hình ảnh Jeoffrey Maitem/Getty Images Image caption Tàu chiến Mỹ cập cảng Philippines ở Biển Đông

Bàn về việc Việt Nam có thể trông cậy vào nước nào trong tình huống này, TS Nguyễn Thành Trung, người có mặt trực tiếp trong chuyến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Rooservelt ghé cảng Đà Nẵng đầu năm 2020, bình luận rằng chuyến thăm “có nhiều ý nghĩa quan trọng… nếu chỉ gói gọn trong mối quan hệ song phương Mỹ-Việt”, nhưng lại “thiếu chiều sâu cần thiết” nếu nhìn rộng ra vấn đề với Trung Quốc.

 Sự bùng phát dịch corona trên tàu USS Theodore Roosevelt là một cơn ác mộng về quan hệ công chúng của Mỹ và là một thất bại trong vận hành.GS Carl Thayer

“Chuyến thăm của US Theodore Roosevelt cho thấy sự sẵn sàng của Việt Nam cho các cuộc viếng thăm quân sự của các tàu sân bay Mỹ, khiến nó trở thành một thông lệ trong hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia.”

“Nó cũng thể hiện niềm tin ngày càng sâu sắc hơn về việc thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia vốn từng là cựu thù. Đồng thời, thể hiện tái cam kết của Mỹ đối với chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

“Nhưng trong bức tranh rộng hơn với nhân tố Trung Quốc, chúng ta thấy rằng những chính sách của Mỹ hiện nay ở Biển Đông vẫn thiếu chiều sâu cần thiết, khi không ngăn chặn được các hành vi hăm dọa và ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.”

“Có lẽ Mỹ cần các cam kết mạnh mẽ hơn, và giúp đỡ các quốc gia trong khu vực nhiều hơn. Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ không nên chỉ giới hạn ở các quốc gia đồng minh theo hiệp ước, mà cả quốc gia đối tác quan trọng trong khu vực.”

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của BBC News Tiếng Việt rằng có phải Mỹ đã mất đi vị thế của mình trên Biển Đông khi đang đối mặt với dịch bệnh virus corona, Giáo sư Carl Thayer từ Úc nói: “Câu trả lời là Không!”

“Hoa Kỳ vẫn tiếp tục những hoạt động thể hiện sự tự do hàng hải, với các hoạt động tuần tra, sự hiện diện liên tục của hải quân và máy bay ném bom. Hải quân Hoa Kỳ gần đây đã có một cuộc tập trận bắn đạn thật.”

“Tuy nhiên, sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên tàu USS Theodore Roosevelt là một cơn ác mộng về quan hệ công chúng của Mỹ và là một thất bại trong công tác vận hành. Sẽ mất một thời gian trước khi một nhóm các tàu chiến tương tự có thể được tập hợp để triển khai cho các nhiệm vụ ở Biển Đông.”

Về câu hỏi Hoa Kỳ có thể tranh thủ các đồng minh và các đối tác chiến lược khác trong một liên minh mới để chống lại Trung Quốc không, GS Carl Thayer nói:

“Sự xuất hiện của Bộ Tứ Cộng (Quad Plus) gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Mỹ cùng các đối tác mới của mình là New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam, là bằng chứng cho thấy một mạng lưới như vậy đang nổi lên.”

“Bộ Tứ Cộng đã tổ chức hai cuộc họp online, cả hai chỉ tập trung vào hợp tác để ngăn chặn virus corona. Trong khi đó, Trung Quốc đã củng cố và quân sự hóa bảy hòn đảo nhân tạo của mình ở Biển Đông. Sau khi căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Bãi Tư Chính lộ diện hồi tháng 7-10/2019, Trung Quốc hiện đang sử dụng các đảo này làm căn cứ điều hành tiền phương.”

“Quyết định của Philippines chấm dứt Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự là một đòn mạnh giáng vào Hoa Kỳ. Khi quyết định này có hiệu lực, Hoa Kỳ sẽ mất quyền tiếp cận các căn cứ có vị trí chiến lược gần Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ cho Hải quân, Cảnh sát biển, Dân quân Hàng hải và đội tàu đánh cá của họ triển khai thường xuyên ở khu vực này.”

VN nên làm gì đối với vấn đề Quần đảo Hoàng Sa?

Trước thực trạng nóng bỏng hiện nay trên Biển Đông, đặc biệt qua vụ việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Quần đảo Hoàng Sa, luật sư Ngô Anh Tuấn bình luận:

“Việt Nam đã chính thức mất sự kiểm soát Hoàng Sa từ năm 1974, sau khi quân đội của Việt Nam Cộng Hòa thất thủ trong cuộc chiến không cân sức với hải quân, lính thuỷ đánh bộ và không quân của Trung Quốc. Vậy nên, nói Hoàng Sa chỉ còn là một cái tên cũng không có gì là sai.”

“So với Trung Quốc, tiềm lực về mọi mặt của chúng ta chưa bao giờ ở thế cân bằng. Phải hiểu đúng thực trạng để chuẩn bị nguồn lực đòi lại mảnh đất cha ông trong tương lai.”

“Mọi người dân phải được quyền biết thông tin về hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, nhà nước cần minh bạch về vấn đề này, và cho dân quyền được thể hiện chính kiến đối với chủ quyền biển đảo. Chính những người dân chứ không phải là các vị quan chức cấp cao mới là người sẽ phải chiến đấu, thậm chí phải hy sinh để đòi lại biển đảo quê hương.”

“Dù ta ở vào thế yếu, nhưng thực tế này sẽ được cải thiện đáng kể nếu nhà nước xác định rõ kẻ thù và vạch ra mục tiêu lớn, rõ ràng để chống sự bành trướng của kẻ thù thì ta hoàn toàn có thể làm được.”

“Vì khi đã xác định rõ mục tiêu đầu tư cho Hải quân, bảo vệ biển đảo, nhà nước sẽ biết cách phân phối nguồn lực, giảm đầu tư vào một số lĩnh vực chưa cần thiết hoặc không hiệu quả.”

“Quan trọng nữa là, một khi nhà nước đã dám “tuyên chiến” với Trung Quốc, thì các nguồn lực lớn, tự nguyện và hoàn toàn miễn phí có thể tới từ những doanh nghiệp lớn và người dân yêu nước sẽ là một đóng góp quan trọng vì sự căm thù Trung Quốc vốn có trong huyết quản mỗi người dân Việt, chỉ chờ cơ hội bộc lộ mà thôi.”

TS Nguyễn Thành Trung thì tin rằng “khi cần thiết, tất cả nguồn lực sẽ dồn cho việc bảo vệ chủ quyền” và người dân sẽ ủng hộ.

“Về vấn đề Hoàng Sa, tôi nghĩ chúng ta cần phân biệt hai phạm trù sau: các đảo đá ở Quần đảo Hoàng Sa, và khu vực biển xung quanh Quần đảo Hoàng Sa. Các đảo đá hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng nhưng điều đó không ngăn cản người dân Việt tin rằng Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.”

“Nếu chúng ta nhìn vào chiều dài lịch sử của quốc gia Israel, cuối cùng người Do Thái cũng có thể quay về Jerusalem. Đế quốc nào rồi cũng phải suy tàn. Tất nhiên đây không phải lịch sử của một đời người trong vòng 100 năm,” TS Nguyễn Thành Trung

RELATED ARTICLES

Tin mới