Saturday, December 21, 2024
Trang chủĐàm luận‘Đã đến lúc phải tẩy chay chế độ Trung Quốc’

‘Đã đến lúc phải tẩy chay chế độ Trung Quốc’

Mọi hành động đều gây ra hậu quả và ý thức hệ cũng vậy.

Chúng ta bây giờ biết rằng chính quyền Trung Quốc đã thực hiện các bước đi sâu rộng để ngăn chặn phổ biến thông tin kịp thời về dịch virus corona Vũ Hán. Họ đã che giấu thông tin y tế quan trọng và đe dọa, bịt miệng các chuyên gia y tế cố gắng cảnh báo công chúng về dịch bệnh. Chính quyền Trung Quốc cũng đã trừng phạt một bác sĩ trẻ ở độ tuổi ba mươi dám lên tiếng cảnh báo sớm về hiểm họa virus corona và anh này cuối cùng đã thiệt mạng vì chính con virus chết người này.

Những hành động nêu trên của chính quyền Trung Quốc bắt nguồn trực tiếp từ bản chất độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng như ý thức hệ kiểm soát độc đảng và né tránh mọi thứ có thể gây ra bất ổn xã hội hoặc làm tổn hại đến hình ảnh và quyền lực của ĐCSTQ.

Thế giới bây giờ đang phải đối mặt với hậu quả nặng nề do cách hành xử đáng trách của ĐCSTQ. Hàng trăm nghìn người đã chết, hàng triệu người đối mặt với tình cảnh mất việc làm và khó khăn kinh tế. Các chính phủ sẽ phải chi hàng tỷ USD để tái thiết nền kinh tế, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Chế độ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hậu quả đó. Nước Mỹ phải giúp đảm bảo rằng: (1) Có đánh giá đầy đủ về nguồn gốc của virus corona Vũ Hán. (2) Chế độ Trung Quốc phải bị trừng phạt kinh tế đáng kể vì những tổn hại mà họ gây ra. (3) Chính quyền Trung Quốc phải cam kết sẽ công khai và minh bạch.

Thế giới mạng đang tràn ngập các câu chuyện (một số hoặc tất cả có thể là tin giả) rằng virus Vũ Hán bắt nguồn từ một sự cố rò rỉ từ một hoặc nhiều cơ sở nghiên cứu vũ khí sinh học tại tỉnh Hồ Bắc. Chúng ta phải xác minh nguồn gốc virus corona, đặc tính lây nhiễm của nó và tỷ lệ tử vong do virus này gây ra tại Trung Quốc và những nơi khác thông qua một ủy ban quốc tế độc lập, chứ không thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vốn đang lấy Trung Quốc làm trung tâm.

 Gần 40 năm trước, các nước đã đoàn kết cùng nhau để áp đặt các chế tài lên Nam Phi nhằm buộc chế độ này phải chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc. Những chế tài đó đã đảm bảo được tính răn đe và hiệu quả.

Ngày nay, Trung Quốc đang vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với các nhóm thiểu số tôn giáo, không ngừng phổ biến các dữ liệu không đáng tin cậy về các vấn đề quốc tế quan trọng, và trắng trợn đánh cắp sở hữu trí tuệ, cũng như dựng lên vạn lý tường lửa để ngăn chặn người dân tiếp cận thông tin trên internet.

Chế độ Trung Quốc vừa muốn đạt được lợi ích từ thị trường toàn cầu cạnh tranh, lại cũng muốn duy trì chính phủ và xã hội khép kín, không minh bạch. Họ không thể có được cả hai điều đó đồng thời. Hoặc là Trung Quốc phải cam kết công khai, minh bạch và khoan dung hoặc họ phải bị cô lập về kinh tế và chính trị như Nam Phi trước đây. Thế giới bây giờ đã thấy rõ tác hại phát sinh từ một xã hội khép kín và độc tài. Chúng ta hãy tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc cho tới khi chế độ này thay đổi cách hành xử.

Các công ty nên công bố rõ ràng sản phẩm của họ được sản xuất, lắp ráp ở đâu và những bộ phận, linh kiện nào xuất xứ từ Trung Quốc (nếu có). Từ đó, khách hàng sẽ có thông tin để đưa ra những lựa chọn sáng suốt.

Các doanh nghiệp Mỹ đã thuê nước ngoài sản xuất rất nhiều, đặc biệt là sản xuất tại Trung Quốc. Chúng ta nên nghĩ lại về toàn cầu hóa, cả về chiều rộng và chiều sâu của nó. Tôi từ lâu và đến giờ vẫn là người ủng hộ toàn cầu hóa; truyền thông và công nghệ thông tin sẽ đảm bảo mức độ kết nối toàn cầu một cách tích cực. Tuy nhiên, toàn cầu hóa về y tế cần phải kèm theo các cam kết về công khai và minh bạch.

Sự gián đoạn kinh tế, xã hội xuất phát từ toàn cầu hóa có thể làm phát sinh chi phí đáng kể về mặt xã hội và kinh tế và những chi phí này chưa được đánh giá đầy đủ trong các phân tích về chi phí-lợi ích trong liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều thập kỷ qua, các công ty tư vấn hàng đầu và các doanh nghiệp khác đã thúc đẩy tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông bằng cách giảm chi phí sản xuất và chuyển dịch chi phí lao động sang các nước có chi phí nhân công rẻ hơn.

Các công ty như thế bây giờ nên thực hiện phân tích chi phí-lợi ích toàn cầu hóa toàn diện, trong đó phải tính đến các chi phí xã hội và kinh tế, cũng như các tác động an ninh quốc gia, kinh tế và sức khỏe liên quan đến thuê sản xuất từ bên ngoài.

“Mua rẻ, bán đắt” không phải lúc nào cũng đúng trong thực tiễn cuộc sống. Ngay cả cha đẻ về chủ nghĩa tư bản thị trường tự do Adam Smith cũng đã công nhận rằng giá trị nội tại và tầm quan trọng của các cộng đồng năng động và mạnh mẽ. Trong xã hội ngày nay, nguồn vốn có thể luân chuyển quanh thế giới trong một nano giây, nhưng lao động thì không được cơ động nhanh như thế. Các chính phủ phải xác định những ngành nào, mặt hàng nào, dịch vụ nào (chẳng hạn như ngành chăm sóc sức khỏe) và công nghệ nào là những ưu tiên quốc gia và cần phải được sản xuất trong nước.

Chúng ta hãy làm rõ về chi phí (không chỉ là lợi ích) liên quan tới thuê ngoài. Chúng có thể gây ra các hậu quả sau: làm tiêu tan các trung tâm đô thị, gia tăng nghiện hút và tử vong liên quan đến nghiện hút (bao gồm cả tự sát), tăng chi phí phúc lợi thất nghiệp và hỗ trợ điều chỉnh thương mại (thường không hiệu quả), cũng như chi phí tái đào tạo. Khi các yếu tố này được xem xét, thì cái giá thực sự của ‘những món hời’ do thuê ngoài là gì?

 Tôi cũng cần nói rõ thế này: Quan ngại này là về cách hành xử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không phải về người dân Trung Quốc hoặc người Mỹ gốc Trung Quốc. Chúng ta nên chào đón Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh kinh tế giống như chúng ta cạnh tranh với Liên minh Châu Âu và các nước thành viên của khối này. Nhưng Trung Quốc không phải là Pháp.

Tổng thống Donald Trump coi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là bạn. Thưa ngài Tổng thống, ông Tập Cận Bình không phải là bạn của ngài, bởi lẽ: ông ta là một đối thủ cạnh tranh táo tợn đang lãnh đạo một chính phủ quyết tâm thay thế nền dân chủ tự do phương Tây bằng sự cai trị độc đoán của Trung Quốc.

Trung Quốc chính là Nam Phi mới. Đã đến lúc chúng ta phải mạnh mẽ, quyết đoán, kỷ luật và không khoan nhượng với chế độ Trung Quốc cho tới khi họ thay đổi cách hành xử. Chúng ta hãy phá vỡ vạn lý tường lửa của Trung Quốc. Làm được thế hay không chính là quyết định đến tương lai của nền dân chủ phương Tây và trật tự thế giới tự do.

RELATED ARTICLES

Tin mới