Trong khi cả thế giới lên tiếng chỉ trích, phê phán các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thì có một trường hợp ngoại lệ lại đưa ra những tuyên bố ngụy biện cho giới cầm quyền Bắc Kinh. Đó chính là Giáo sư Mark J. Valencia (người Mỹ), đang làm việc tại Trung Quốc.
Mark J. Valencia hiện là học giả thỉnh giảng cao cấp tại Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông, Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc. Trong một khảo sát (của tác giả) vào năm 2018 về thái độ của giới học giả về hành xử của Việt Nam và Trung Quốc ở biển Đông, Valencia là người hiếm hoi trong số hàng chục học giả nước ngoài nghiên cứu về biển Đông có quan điểm ủng hộ Trung Quốc. Phần lớn các học giả quốc tế đều khẳng định hành xử của Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc quốc tế, quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên, trong khi Valencia thì ngược lại.
Ông Valencia cùng một số học giả người TQ thường có các bài viết hoặc tham gia các chương trình hội thảo về biển Đông. Trong đó, họ thường đánh tráo khái niệm, đưa ra các lập luận mang tính ngụy biện hoặc cố ý lờ đi những sự thật (ví dụ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế 2016) để bênh vực Bắc Kinh. Trong số các bài viết của Mark J. Valencia, có một số bài vu cáo, bịa đặt và xuyên tạc trắng trợn như: “Nói xấu Trung Quốc (TQ) không giúp giải quyết tranh chấp trong vùng biển Đông giàu hải sản”; “Lý do liên minh chiến lược Việt-Mỹ ở Biển Đông khó bền vững”. Tháng 11/2019, Mark J. Valencia cũng có bài viết trên diễn đàn phương Đông (East Asia Forum) cho rằng không chỉ Trung Quốc, Mỹ cũng là quốc gia “bắt nạt” nước khác tại Biển Đông.
Nội dung bài viết “Nói xấu Trung Quốc (TQ) không giúp giải quyết tranh chấp trong vùng biển Đông giàu hải sản”, sặc mùi xuyên tạc và vu cáo, cố tình lấy dẫn chứng các tàu cá Việt Nam xâm phạm và bị bắt tại vùng biển Indonesia và Malaysia nhiều hơn rất nhiều so với số lượng các tàu cá Trung Quốc xâm phạm và bị bắt tại vùng biển hai nước nêu trên; chỉ một lần tàu hải cảnh Trung Quốc giải cứu ngư dân Trung Quốc bị lực lượng tuần tra biển của Indonesia bắt và Việt Nam cũng đã làm như vậy. Ông ta còn dựng chuyện rằng rất nhiều tàu Việt Nam khai thác hải sản trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, yêu sách “chủ quyền lịch sử” phi lý của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ tại vùng biển trong phạm vi “đường lưỡi bò” nhưng hàng ngàn tàu cá Trung Quốc vẫn ngang nhiên tung hoành đánh cá trong vùng biển của hầu hết các nước xung quanh Biển Đông khi coi đó là vùng biển Trung Quốc. Có những ngày có tới hàng trăm tàu cá Trung Quốc xâm phạm và đánh cá trong vùng biển các nước Việt Nam, Malaysia và Philippines, Indonesia. Thậm chí, tàu cá Trung Quốc đã chiếm cứ các khu vực như bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, ngăn ngư dân Philippines đánh cá tại đây.
Với chiến thuật “vùng xám”, sử dụng đội ngũ tàu “ngư binh” với sự hỗ trợ của tàu hải cảnh, tàu cá Trung Quốc đã tìm mọi cách ngăn cản lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước xung quanh biển Đông bắt giữ. Hơn nữa, với tinh thần hòa hiếu, các nước xung quanh biển Đông rất hạn chế bắt tàu cá Trung Quốc. Vì vậy, Valencia đã sai khi lấy các số liệu tàu bị bắt để khẳng định rằng tàu cá Trung Quốc không đánh cá trộm trong vùng biển nước khác. Ngoài ra, Valencia đã cố tình phớt lờ đi một sự thật quan trọng, đúng quy định luật pháp quốc tế: Ngư dân Việt Nam chỉ hoạt động đánh bắt ở khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, không phải trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo Hải Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nếu hành động của Trung Quốc không vi phạm luật pháp quốc tế, không xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông thì cộng đồng quốc tế – trong đó có Mỹ, Philippines… lại đưa ra các tuyên bố phản đối, lên án. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy bán Đối thoại Thượng viện Mỹ và nhiều nghị sỹ Mỹ đưa ra các tuyên bố lên án hành vi phi pháp của Trung Quốc. Trong các tuyên bố đều nhấn mạnh lên án hành động của Trung Quốc trong vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông; miêu tả việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là “hành động mới nhất trong một chuỗi dài các hành động Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”; Hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế; khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; kêu gọi tất cả các bên kiềm chế những hành động gây mất ổn định khu vực, có thể làm chệch hướng nỗ lực toàn cầu tập trung đối phó với đại dịch, hoặc gây ra nguy cơ không cần thiết dẫn đến tổn thất về người và tài sản.
Ngoài ra, từ chứng cứ pháp lý, lịch sử đều cho thấy Việt Nam là nước duy nhất có chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc hoàn toàn không có “chủ quyền” trong vùng biển này. Do đó, Bắc Kinh luôn tìm cách lẩn trốn, né tránh phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016); cố tình không thực hiện các phán quyết. Vì vậy, vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và lực lượng chấp pháp của nước này bắt giữ trái phép ngư dân trên đảo Phú Lâm (nơi đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) là hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.
Thiết nghĩ, là một học giả mang hàm Giáo sư, ông Mark J. Valencia cần học lại luật pháp quốc tế, công pháp quốc tế, nghiên cứu lại lịch sử, quá trình tranh chấp ở Biển Đông và việc Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam để có các bài viết mang tính khách quan, đúng bản chất, đúng sự việc. Đừng vì “bát cơm, manh áo” mà có các bài viết “bợ đít” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.