Một cuộc họp của các nhà hoạt động nhân quyền diễn ra mới đây đã đi tới kết luận rằng chính sách quản lý người dân khắc nghiệt tới mức tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến hàng trăm ngàn người dân tộc thiểu số đang phải sống trong các trại cải tạo và không biết bao nhiêu người đã tử vong vì dịch Covid-19 tràn qua.
Hôm thứ Ba (7/4), một nhóm các nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và người Hoa đã cùng nhau tổ chức một cuộc họp trực tuyến thảo luận về các biện pháp giám sát và thắt chặt an ninh mà chính quyền Trung Quốc thực hiện để ngăn chặn người dân chia sẻ thông tin và về cách Bắc Kinh phản ứng với đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Các nhà hoạt động đã thống nhất rằng việc Bắc Kinh quyết định che dấu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở Trung Quốc là nguyên nhân gây ra sự bùng phát của Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
“Chúng ta phải nhìn thấy vấn đề rằng chính quyền Trung Quốc đang gia tăng kiểm soát xã hội và internet. Covid-19 đang được ĐCSTQ coi là cơ hội để củng cố chế độ toàn trị của họ thông qua [việc sử dụng] công nghệ cao. Và sự đàn áp của ĐCSTQ đối với tự do bằng việc giám sát thông tin, thực hiện các biện pháp quản lý sai trái, đã gây ra những trở ngại lớn đối với các phản ứng khẩn cấp và làm thiệt hại sinh mạng không chỉ ở Trung Quốc mà trên phạm vi toàn thế giới”, ông Teng nói.
Các nhà hoạt động trong cuộc họp đánh giá rằng chính quyền Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – một thực thể của Liên Hợp Quốc bị cáo buộc chịu sự thao túng của Bắc Kinh, phải chịu trách nhiệm đối với việc cho lan truyền các thông tin sai lệch về đại dịch viểm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc.
Với việc nghe theo hệ thống tuyên truyền của nhà cầm quyền Trung quốc, “WHO đang thất bại trong nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng của người dân trên thế giới”, ông Dorjee Tseten, Giám đốc điều hành của Mạng lưới sinh viên vì tự do Tây Tạng, bày tỏ quan điểm.
Ông Tseten nói thêm: “Đại dịch Covid-19 toàn cầu, khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, và giờ đã lan rộng khắp thế giới, có thể đã bị chặn đứng nếu chính quyền cộng sản Trung Quốc có hành động đúng đắn và kịp thời. Đại dịch này có thể được ngăn chặn nếu chính phủ Trung Quốc không trừng phạt những người tố giác, luật sư, bác sĩ và những người khác, họ đã bị trừng phạt [chỉ] vì họ nói sự thật và cố gắng cứu người. Thật đáng tiếc khi bây giờ cả thế giới đang phải trả giá cho các quy định khắt khe và chính sách đàn áp được thực hiện năm này qua năm khác của chính quyền Trung Quốc”.
“Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã biết về mức độ nghiêm trọng của nCoV vào đầu tháng 1/2020 hoặc thậm chí vào cuối tháng 12/2019, nhưng họ đã quyết định che giấu thông tin vì mục đích chính trị của riêng”, ông Teng nói thêm.
Chính quyền Trung Quốc “tích chữ vô tội vạ các vật tư dùng cho trường hợp khẩn cấp, tùy tiện giam giữ người trong chiến dịch cách ly hàng loạt, giả mạo con số thống kê và cố ý thao túng WHO để vẽ ra các thuyết âm mưu, xuất khẩu khẩu trang và các bộ xét nghiệm [nCoV] không đủ tiêu chuẩn y tế, lợi dụng việc này làm chỗ dựa cho các chiến dịch tuyên truyền chính trị của ĐCSTQ”, ông Teng đánh giá.
WHO đã cho thấy sự thiên vị khi họ đẩy mạnh các tuyên truyền sai lệch của Bắc Kinh về virus Vũ Hán, tạo ra các ấn tượng rằng chính phủ Hoa Kỳ bất lực trước đại dịch Covid-19. Các nhà hoạt động thống nhất quan điểm rằng tiền có thể là động lực chính khiến WHO cam tâm làm việc cho chính quyền Trung Quốc.
Các nhà hoạt động cũng lưu ý rằng, trong thời gian qua, chính quyền Trung Quốc bất chấp đại dịch, không ngừng gia tăng các hoạt động áp bức đối với người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, cũng như bất kỳ công dân Trung Quốc nào đưa tin về virus Vũ Hán.
“Trung Quốc đang đối phó với việc các tù nhân chính trị bị ảnh hưởng bởi virus Vũ Hán, đặc biệt là với những tù nhân người Duy Ngô Nhĩ đang bị cầm tù trong các trại tập trung”, ông Zumretay Arkin, một thành viên của Hội người Duy Ngô Nhĩ thế giới, cho biết trong hội nghị trực tuyến hôm thứ Ba.
“Chúng tôi đã nghe rất nhiều về những ca nhiễm bệnh ở Đại Lục, nhưng không nhận được thông tin gì về các ca nhiễm ở Tân Cương và Tây Tạng”, ông Arkin nói. “Điều kiện về sinh trong các trại cải tạo dành cho người Duy Ngô Nhĩ là môi trường thuận lợi cho sự lây lan của virus [Vũ Hán]”
“Cho tới nay, có rất ít thông tin về số lượng chính xác những ca nhiễm virus Vũ Hán ở Tây Tạng lọt ra ngoài”, ông Cameron Kyinzom Dhongdue, giám đốc điều hành nhóm nhân quyền người Úc gốc Tây Tạng cho biết. “Chúng tôi không biết những gì thực sự đang diễn ra với người dân Tây Tạng”.
Ví những lý do trên, các nhà hoạt động kết luận, thế giới đang phải trả giá đắt cho các chính sách kiểm soát tư tưởng người dân. Có thể thấy, những nạn nhân không ngừng tăng của virus Vũ Hán là minh chứng sống động nhất cho kết luận này.