Từ khi Mỹ và đối tác, đồng minh thúc đẩy thực hiện “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” đã có tác động trực tiếp đến tình hình an ninh khu vực. Tuy nhiên, việc triển khai Chiến lược trên cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Mỹ, Nhật Bản và các đối tác, đồng minh thúc đẩy xây dựng “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” là do xuất phát từ một số vấn đề:
Thứ nhất, quá trình chuyển dịch quyền lực đang diễn ra rất mạnh mẽ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; sự phân bổ lại quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng đang làm thay đổi căn bản tương quan so sánh lực lượng, gây lo ngại đối với hầu hết các nước lớn.
Thứ hai, sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nội bộ Mỹ, nhất là chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của người tiền nhiệm và Đảng Dân chủ; cho rằng các chính quyền Mỹ trước đây đã không làm đủ mạnh để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Do vậy, chính quyền mới của Mỹ hiện nay đã điều chỉnh cách tiếp cận, từ “kiên nhẫn chiến lược” và “tích cực can dự nhằm thay đổi hành vi của Trung Quốc” sang “cạnh tranh trực diện về mọi mặt”. Trong NSS và NDS, Mỹ xác định cả Trung Quốc lẫn Nga đều là các “cường quốc xét lại”, thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và các lợi ích của Mỹ trên nhiều phương diện, như tuyên truyền, công nghệ, kinh tế và quốc phòng.
Thứ ba, trong bối cảnh trào lưu dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ, các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây lo ngại sâu sắc trong số các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực, như Nhật Bản và Australia. Ông Donald Trump đã không ít lần đề cập tới khả năng rút quân Mỹ ở Hàn Quốc về nước hoặc gây sức ép buộc các nước này phải gánh thêm chi phí quốc phòng. Do vậy, các nước này đã chủ động điều chỉnh chính sách để tìm cách kéo Mỹ ở lại khu vực, gia tăng vai trò và hình thành các liên kết, tập hợp lực lượng mới có lợi cho mình.
Thứ tư, do Ấn Độ có vai trò rất quan trọng ở khu vực (cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương), quan hệ Nhật Bản – Ấn Độ, Mỹ – Ấn Độ đang ngày càng “nồng ấm”… Hai bên cũng chia sẻ nhiều quan điểm, lập trường chung, nhiều lợi ích chung to lớn nên Mỹ và Nhật Bản đều muốn lôi kéo Ấn Độ để gia tăng đối trọng với Trung Quốc ở trên toàn tuyến. Trong khi đó, do bố trí lực lượng của Mỹ và đồng minh từ khu vực Nam Đài Loan tới châu Đại dương còn khá mỏng, nên Mỹ và Nhật Bản có xu hướng muốn lôi kéo cả Australia và các nước có quan điểm, lập trường tương tự để tạo thế cân bằng chiến lược mới ở Nam bán cầu.
Tuy nhiên, để chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đạt được kết quả và dấu ấn, sẽ còn nhiều ẩn số phải giải đáp.
Trước hết, cần lưu ý rằng ý tưởng Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương dựa trên bốn trụ cột là Mỹ, Nhật, Ấn, Australia và trùm lên đó là tấm màn tầm nhìn về một khu vực tự do, rộng mở. Bốn nước dường như ở những vai tương đối ngang nhau. Còn tấm màn tầm nhìn đó lại không phải là một cơ chế ràng buộc thiết thực gì trong thời điểm hiện tại, và nó đặc biệt mơ hồ chưa rõ rằng mục đích chính đằng sau là đem lại lợi ích cho khu vực, cho bốn nước nói riêng hay để kiềm tỏa Trung Quốc. Trong thời kỳ hiện đại, nhìn chung các tập hợp lực lượng của phương Tây đều có một cường quốc dẫn dắt, đó là Mỹ. Bối cảnh nội bộ nước này hiện nay liệu có cho phép chính quyền Tổng thống Trump thực hiện những toan tính đối ngoại của mình hay không là một câu hỏi sẽ còn bỏ ngỏ trong thời gian tới.
Bốn nước trụ cột của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đều là cường quốc, phân bổ ở 4 vị trí địa lý khá xa nhau. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi nước có một đặc điểm tình hình, lợi ích và tầm nhìn khu vực riêng. Việc điều phối, phân vai của nhóm sẽ không đơn giản. Sự khác biệt của nhóm “Bộ tứ” này với NATO, SEATO hay đơn thuần là liên minh Mỹ – Nhật – Hàn đó là khoảng cách địa lý. Muốn phối hợp tốt, ít nhất về mặt quân sự hay đảm bảo an ninh biển sẽ đòi hỏi phải có kinh phí, năng lực quản trị và sự hiểu biết lẫn nhau tương đối sâu sắc. Đây là điều còn thiếu. Quan trọng hơn nữa, sự hình dung ra một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương còn mơ hồ và chưa nhận định được vai trò của các nước khác trong khu vực, trong đó bao gồm các nước ASEAN, Hàn Quốc, và cả Pakistan cũng như các nước Châu Phi. Không thể không tính đến vai trò của các nước “ngoài Bộ tứ” này. Họ có thể không tham gia, nhưng nếu một vài nước này không ủng hộ thì sẽ rất khó để tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thành hiện thực, bởi lẽ: biển không phải của riêng ai.
Thứ hai, tính khả thi. Tầm nhìn ý tưởng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được phác họa đẹp đẽ, nhưng chưa nêu rõ rằng liệu các nước sẽ phải phân bổ nguồn lực kinh tế, chính trị, quân sự như thế nào. Dường như hiện nay mới chỉ nêu nhiều về giá trị, và một vài hướng giải pháp về quân sự, nhưng nội hàm về kinh tế chưa có gì. Việc Mỹ rút khỏi TPP đồng nghĩa với việc quốc gia này rút một chân kinh tế và đẩy mạnh một chân quân sự tại khu vực. Với tình hình thế giới nhìn chung vẫn ưa chuộng hòa bình và hợp tác như hiện nay, thiếu vắng một trụ cột về kinh tế sẽ khiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở nên kém hấp dẫn, nhất là khi BRI đang được đẩy mạnh.
Ẩn số cuối cùng cần phải nói đến đó là phản ứng và đối sách của Trung Quốc. Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, được Mỹ và các đồng minh cổ vũ, bao gồm vùng biển phía Bắc Ấn Độ Dương và toàn bộ vùng biển giữa Thái Bình Dương, kéo dài đến bờ Tây Mỹ, trong đó Biển Đông nằm ở vị trí trung tâm. Đối với chính quyền Tổng thống Donanld Trump, khu vực “dân cư đông đúc nhất và năng động nhất hành tinh về mặt kinh tế” này là nơi cạnh tranh của hai quan điểm đối kháng, một bên cổ vũ cho “tự do”, “dựa trên luật pháp quốc tế”, bên kia chủ trương dùng “vũ lực”. Washington chỉ đích danh Trung Quốc như là bên chủ trương dùng vũ lực để thao túng con đường hàng hải chiến lược, với việc “thúc đẩy quân sự hóa tại Biển Đông”, thách thức chủ quyền của nhiều quốc gia ven bờ. Trong khi đó, hiện nay Trung Quốc vẫn giữ thái độ tương đối kín tiếng về ý tưởng này, trong khi họ tập trung vào củng cố nội bộ và phát triển các ý tưởng và con đường đi ra ngoài của riêng mình. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ làm gì là một điều còn bỏ ngỏ.