Friday, October 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam sẽ kiện TQ ra các cơ quan tài phán quốc...

Việt Nam sẽ kiện TQ ra các cơ quan tài phán quốc tế để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông

Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế để gia tăng các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam không loại trừ khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao được tổ chức bằng hình thức trực tuyến chiều 9/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời các câu hỏi liên quan về Việt Nam có lần đề cập đến đến việc không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế như đã được thể hiện trong Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982. Việc lưu hành công hàm tại LHQ là việc làm bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Lập trường nhất quán của Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ tại công hàm này. Theo đó, Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với các vùng biển được xác định theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

Trước đó, đã có nhiều ý kiến của giới chức Việt Nam về khả năng kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Phát biểu tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung (6/11/2019) cho rằng hợp tác trên biển, trong đó có Biển Đông “cần có lòng tin vào môi trường luật pháp quốc tế, vào các cơ chế và thể chế chung”. Việc đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, làm giảm lòng tin vào luật pháp quốc tế, làm xói mòn thượng tôn pháp luật. Việc này có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, ổn định hoà bình, an ninh ở khu vực và quốc tế. Ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông có nhiều biện pháp bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện. Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc 1982 (UNCLOS 1982) có đủ các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này. Tuy nhiên, trong nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam không loại trừ khả năng tiến hành các hành động pháp lý.

Tại phiên họp Quốc hội (30/10/2019), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng các phương pháp Việt Nam sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên quyết, kiên trì xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, nói đến việc khai thác cạn kiệt tài nguyên môi trường, tàn phá môi trường không thể không nhắc Trung Quốc. Khi họ khai thác cạn kiệt tài nguyên từ biển của họ, họ sẽ vươn sang các vùng biển lân cận và thậm chí xa hơn trên Biển Đông; đồng thời cho rằng Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn xây dựng bồi đắp (các đảo ngoài Biển Đông) sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác, sử dụng. Do đó, Việt Nam cần công khai cập nhật chi tiết các hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ để dư luận tiến bộ Việt Nam và trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc được biết. Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng Việt Nam cần có thêm những biện pháp mới theo nguyên tắc mà Chủ tịch nước đã khẳng định bất di bất dịch là không bao giờ nhân nhượng với những gì thuộc về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; cho hay rất nhiều ý kiến cử tri đã đề nghị đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ kiện Trung Quốc về việc xâm phạm bãi Tư Chính mà chúng ta sẽ đưa toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam, xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá Biển Đông trong suốt thời gian qua. Khi có chính nghĩa dư luận quốc tế và ngay bản thân nhân dân Trung Quốc sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc. Không chính phủ nào có thể phớt lờ lẽ phải hiển nhiên được cộng đồng quốc tế công nhận.

Đáng chú ý, giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế đều đánh giá cao chủ trương, chính sách của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, đồng thời nhận định Việt Nam sẽ giành chiến thắng nếu kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, đặc phái viên của tổng thống Mỹ tại hội nghị cấp cao ASEAN (4/11), kêu gọi các nước đối phó với sự đe dọa từ Trung Quốc qua con đường tài phán. Theo ông Robert O’Brien, Bắc Kinh ngăn chặn các quốc gia trong khu vực tiếp cận dự trữ dầu mỏ và khí đốt trị giá đến 2.500 tỷ USD tại Biển Đông. Mỹ cũng lên án các hành động quấy rối của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò dầu khí hợp pháp của Việt Nam; nhấn mạnh Mỹ không tán thành hành động “đe dọa” của lực lượng dân quân biển, hải quân và hải cảnh của Trung Quốc nhắm vào những nước khác trong khu vực; đồng thời cho rằng “các quốc gia cần hòa hợp với nhau. Họ cần sử dụng con đường tài phán nếu có vấn đề nảy sinh” và kêu gọi Việt Nam, đặc biệt là các chuyên gia hàng hải, tham khảo hành động của Philippines khi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài. 

Cùng quan điểm với Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, nhiều chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế đều ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ giành thắng lợi nếu kiện Trung Quốc. Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, nếu Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế, Việt Nam gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng như cách Philippines từng làm trước đây. Theo ông Gregory Poling: “Chúng ta cần nhận thức rõ về hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông khi họ phớt lờ mọi cơ chế hợp tác và quy tắc ứng xử. Tại Biển Đông, ngày càng nhiều tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động hàng ngày, quấy nhiễu các tàu khác, vi phạm luật quốc tế, gây nguy hiểm cho tàu dân sự. Đó không phải là những hành động của một nước đang tìm cách thỏa hiệp. Đó là hành động bắt nạt, tìm cách cưỡng ép các quốc gia khác trong khu vực phải chấp nhận hành động của Trung Quốc”. Ngoài ra, ông Gregory Poling cho biết, “Trung Quốc quyết tâm ngăn Việt Nam, Philippines và Malaysia tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí mới ở bất kỳ khu vực nào nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” do Bắc Kinh vạch ra. Trung Quốc thực hiện điều này bằng cách sử dụng lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển để quấy nhiễu các tàu của ngư dân và gây nguy hiểm cho các tàu thương mại theo đuổi quyền hợp pháp của họ tại Biển Đông”. Theo chuyên gia Mỹ, “cách duy nhất để thay đổi thực trạng hiện nay là sử dụng sức ép đáng kể về mặt ngoại giao và kinh tế để thuyết phục Trung Quốc rằng, nước này đang mất đi vị thế của một nước đi đầu toàn cầu nếu tiếp tục thực hiện các hành vi bành trướng. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên cân nhắc tới việc đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài. Mỹ và các nước lớn bên ngoài tranh chấp Biển Đông có thể hỗ trợ cho nỗ lực này bằng cách tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy vậy, các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, vẫn phải đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực này. Nếu Việt Nam đệ đơn kiện Trung Quốc, gần như chắc chắn Việt Nam sẽ thắng. Vụ kiện của Philippines đã tạo tiền lệ để Việt Nam giành chiến thắng. Tuy nhiên, thắng kiện mới chỉ là bước khởi đầu. Việt Nam sau đó phải nêu chiến thắng này tại Liên Hợp Quốc cũng như các diễn đàn khác, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thuyết phục Bắc Kinh tuân thủ phán quyết. Đây là điều mà Philippines chưa bao giờ làm”.

Tiến sỹ Kraska khẳng định “nếu Việt Nam kiện Trung Quốc, Việt Nam chắc chắn sẽ thắng và sau khi thắng, Việt Nam có thể làm điều Philippines không làm: thật sự hưởng lợi từ phán quyết. Một khi giành được công lý, quá trình tranh đấu chỉ mới là khởi đầu. Các bạn có thể sử dụng ngoại giao để gây sức ép lớn nhằm ép họ tuân thủ. Trong lịch sử, điều này có tác dụng nhiều lần”. Trong khi đó, Tiến sỹ Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội, nhấn mạnh sai phạm rõ ràng của Trung Quốc, nhưng lưu ý về nội dung kiện tụng cụ thể. Việt Nam theo đó sẽ chắc chắn thắng kiện nếu khởi kiện vụ việc Trung Quốc vi phạm EEZ và thềm lục địa vừa qua.

Nhìn chung,  việc đưa tranh chấp ra một cơ quan tài phán để giải quyết trong thực tiễn quan hệ giữa các quốc gia là một xu hướng văn minh thể hiện thiện chí của các bên trong việc giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ tuân thủ luật pháp quốc tế, giữ gìn hòa bình, an ninh trong khu vực. Vì vậy, để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài về các yêu sách và hành vi trái pháp luật quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới