Saturday, October 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đẩy mạnh “ngoại giao láng giềng” thông qua các hỗ trợ...

TQ đẩy mạnh “ngoại giao láng giềng” thông qua các hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 cho các nước

Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc hỗ trợ chuyên gia và thiết bị y tế cho các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan trong đối phó với đại dịch toàn cầu Covid-19.

Đối với Lào

Ngày 29/3 giờ địa phương, Trung Quốc đã cử một nhóm chuyên gia y tế chống dịch của Trung Quốc tới Thủ đô Viêng Chăn, Lào, nhằm giúp Lào chống dịch Covid-19. Máy bay của Hãng Hàng không Phương Đông Trung Quốc xuất phát từ tỉnh Vân Nam cũng vận chuyển hàng hóa thiết bị y tế hỗ trợ cho Lào. Theo truyền thông Trung Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, người phụ trách của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Lào Somdi Duangdi, Đại sứ Trung Quốc tại Lào Khương Tái Đông đã đến sân bay đón nhóm chuyên gia y tế Trung Quốc. Đài Quốc tế Trung Quốc ca ngợi đây là kết quả của sự điều phối chặt chẽ giữa Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Đối với Thái Lan

Sáng ngày 24/3, Trung Quốc loan báo đã viện trợ lô vật tư phòng chống dịch bệnh cho Thái Lan tại Bộ Y tế Thái Lan với sự có mặt của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế Thái Lan A-nu-tin, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan Dương Hân. Tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ Trung Quốc, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan Dương Hân đã chính thức chuyển giao lô vật tư viện trợ phòng chống dịch bệnh cho Thái Lan, đồng thời điều phối các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu thụ thuốc men điều trị dịch Covid-19 cho Thái Lan. Báo Trung Quốc dẫn lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế Thái Lan A-nu-tin cho biết, “trong quá trình phòng chống dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc luôn dành cho Thái Lan sự ủng hộ và hỗ trợ, Chính phủ Thái Lan hết sức cảm động, đồng thời tha thiết học hỏi và tham khảo kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc”.

Đối với Campuchia

Nhóm chuyên gia của Trung Quốc đã đến thành phố Sihanoukville, nơi có nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc cũng như lao động nước này, giữa lúc số ca nhiễm gia tăng ở Campuchia. Nhóm chuyên gia gồm 7 người của Trung Quốc đã có mặt tại Phnom Penh, thủ đô Campuchia, từ ngày 23/3, để hỗ trợ nỗ lực chống dịch tại quốc gia Đông Nam Á, theo hãng tin Tân Hoa Xã. Từ ngày 27 đến 28/3, họ đã làm việc tại tỉnh Preah Sihanouk, nơi có tỉnh lỵ là Sihanoukville, để “giúp cơ quan y tế địa phương, các doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc và kiều bào Trung Quốc tại đây ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19”. Theo báo Khmer Times, nhóm chuyên gia này đến từ khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc và dự kiến ở lại Campuchia trong 2 tuần. Họ đã được chào đón bằng một buổi lễ trang trọng tại sân bay quốc tế Phnom Penh hôm 23/3, với sự có mặt của Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên.

Hàng chục người đứng dưới chân máy bay vẫy cờ hai nước khi họ bước xuống. Lễ đón đã được tường thuật trực tiếp trên các kênh truyền hình địa phương, bao gồm đài truyền hình quốc gia Campuchia KTV, cũng như trên trang Facebook của Thủ tướng Hun Sen và các trang báo mạng hàng đầu như Fresh News, theo Tân Hoa Xã. Tại sân bay, nhóm chuyên gia đã chụp ảnh cùng Bộ trưởng Bunghen và Đại sứ Vương, với tấm băng rôn đề viết “Lan Thương và Mekong chung một nguồn, Trung Quốc và Campuchia chung một trái tim”. Trung Quốc trong nhiều năm qua đã trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Campuchia, với hầu hết dự án tập trung ở Sihanoukville. Dù vậy, tác động của các dự án này với kinh tế và đời sống người dân địa phương luôn là vấn đề gây tranh cãi.

Những lo ngại của các nước về sự hỗ trợ của TQ

Trung Quốc đẩy mạnh viện trợ vật tư y tế tới các nước trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành khiến các nước phương Tây cảnh giác về cạnh tranh ảnh hưởng. Khi giới chức y tế toàn cầu vật lộn trong cuộc chiến với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, với thiếu hụt trầm trọng cả về nhân lực lẫn trang thiết bị, các cường quốc đã nhanh chóng tham gia vào cuộc chạy đua cứu trợ, từ quốc gia tuyên bố đã chiến thắng đại dịch là Trung Quốc, hay những nước mà dịch bệnh đang trên đà lan rộng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Các bước đi của Bắc Kinh, mà truyền thông nước này miêu tả là “giải pháp của Trung Quốc để chống lại đại dịch”, đã nhận được những phản ứng trái ngược. Giới chuyên gia nhận định chiến lược “ngoại giao khẩu trang” mà Bắc Kinh đang tiến hành sẽ khó có thể gây được thiện cảm với những người chỉ trích tại các nước phương Tây.

Sau khi tuyên bố ngăn chặn thành công đại dịch với hơn 80.000 người nhiễm bệnh và 3.200 ca tử vong, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch cung cấp hỗ trợ cho các nước châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, nhưng Bắc Kinh miêu tả đây là chiến dịch hỗ trợ lớn nhất kể từ 1949.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui hôm 26/3 tuyên bố Bắc Kinh đã cung cấp cứu trợ khẩn cấp, trong đó có khẩu trang và các bộ xét nghiệm, tới 83 quốc gia xuất phát từ “sự cảm thông và thiện chí cung cấp những gì các quốc gia cần” của Trung Quốc. Ông Luo cũng cho biết Trung Quốc muốn chia sẻ kinh nghiệm chiến thắng đại dịch Covid-19 với toàn thế giới. Tuy nhiên, những bước đi của Trung Quốc đã tạo ra sự lo ngại tại phương Tây. Các ý kiến chỉ trích cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách kéo sự tập trung ra khỏi nội địa nước này, cho rằng Trung Quốc che giấu thông tin khi dịch bệnh mới bùng phát. Một số chuyên gia nhận định việc Trung Quốc không minh bạch cung cấp sớm thông tin đã gây hại tới các nỗ lực toàn cầu đối phó với dịch bệnh.

Marcin Przychodniak, nhà phân tích từ Viện Quan hệ quốc tế Ba Lan, cho biết các quốc gia nhận được hàng hóa viện trợ, cụ thể tại Trung và Đông Âu, sẽ trân trọng thiện chí của Bắc Kinh, tuy nhiên vẫn tồn tại động cơ kinh tế và chính trị phía sau những hỗ trợ này. Ông Przychodniak cho biết các chính phủ phải “cộng tác trực tiếp với nhà chức trách Trung Quốc để có thể đặt hàng thiết bị y tế. Có thể tồn tại những ràng buộc kèm theo, ví dụ buộc các đối tác châu Âu thừa nhận thông điệp “người lãnh đạo sáng suốt” và “hệ thống chính trị thành công” đã giúp Trung Quốc vượt qua khủng hoảng”. Hôm 23/3, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell đã lên tiếng cảnh báo chiến dịch áp đặt quyền lực mềm của Bắc Kinh thông qua các gói cứu trợ. Ông Borrell cho biết châu Âu “phải nhận thức được yếu tố địa chính trị bao gồm áp đặt ảnh hưởng” phía sau bước đi của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới