Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các nước, nhất là giá dầu thô đang xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 10 năm qua. Nhiều nước đã đưa ra các biện pháp tăng cường dự trữ năng lượng quốc gia.
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết họ sẽ mua tới 30 triệu thùng dầu thô cho kho dự trữ dầu mỏ chiến lược SPR vào cuối tháng 6/2020, đây là bước đầu tiên trong chỉ thị lấp đầy kho dự trữ khẩn cấp của Tổng thống Trump để hỗ trợ các nhà sản xuất dầu mỏ trong nước. Khu dự trữ này trong các hang động trên bờ biển Texas và Louisiana có công suất chứa 77 triệu thùng. Bộ Năng lượng cho biết, ba mươi triệu thùng dầu mua đầu tiên sẽ là cả dầu thô ngọt và chua, và sẽ tập trung vào mua từ các nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ có chưa tới 5.000 nhân viên. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Dan Brouillette cho biết, khoản tiền mua 77 triệu thùng sẽ phải được ủy thác theo luật kích thích mới và đợt mua dầu dự trữ thứ hai có thể diễn ra trong 60 tới 90 ngày.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn cung năng lượng, Tổng thống Mỹ D. Trump đã quyết định tái khởi động việc xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL trong quí năm 2020. Với chiều dài 1900 km và công suất hơn 800 nghìn thùng/ngày, đường ống này sẽ đưa dầu từ tỉnh Alberta, Canada đến các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mexico vào năm 2023.
Đường ống Keystone XL là mắt xích quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng của Mỹ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu từ Trung Đông và Nga. Dầu Canada có thành phần gần giống Venezuela và phù hợp với công nghệ kỹ thuật hiện có tại các nhà máy lọc dầu Vịnh Mexico. Cùng với việc thôn tính Venezuela trong tương lai, đường ống dẫn dầu từ Canada sẽ giúp tăng đáng kể khả năng thao túng thị trường dầu mỏ toàn cầu của Mỹ, không phụ thuộc vào tình hình Trung Đông và Nga. Hơn nữa, khi đã nắm được 2 cơ sở tài nguyên quan trọng, Mỹ có khả năng giảm sự phụ thuộc vào dầu đá phiến.
Trước đó, khi giá dầu thô trên thế giới chạm đáy chưa đến 28 USD/thùng trong ngày 02/4/2020, Trung Quốc cũng bắt đầu ồ ạt mua dầu thô dự trữ. Chính quyền Bắc Kinh yêu cầu các cơ quan chính phủ phối hợp để nhanh chóng bơm đầy các kho dầu dự trữ, đồng thời sử dụng một số công cụ tài chính cần thiết nhằm mua ồ ạt dầu thô với giá rẻ như hiện nay. Ngoài các kho dự trữ nhà nước, Trung Quốc cũng tận dụng các kho thương mại để trữ dầu, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong nước bơm đầy bể chứa. Mục tiêu ban đầu của Bắc Kinh là tăng lượng dầu trong kho dự trữ chiến lược lên tương đương 90 ngày nhập khẩu và sẽ mở rộng ra thành 180 ngày nhập khẩu nếu tính cả dự trữ thương mại. Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc SIA Energy và Wood Mackenzie ước tính Trung Quốc có thể bổ sung 80-100 triệu thùng dầu vào kho dự trữ trong năm nay. Tính đến ngày 31/3, quốc gia này sở hữu khoảng 996 triệu thùng dầu dự trữ tại các kho chiến lược và thương mại.
Được biết, dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ (SPR) là kho dự trữ dầu mỏ khẩn cấp, được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ duy trì. Đây là nguồn cung ứng dầu mỏ khẩn cấp lớn nhất trên thế giới với khả năng tích trữ lên đến 727 triệu thùng dầu (115.600.000 m3). Theo số lượng dự trữ hiện thời được mô tả trên trang mạng SPR, tính đến ngày 12/10/2012, lượng dự trữ là 694,9 triệu thùng (110.480.000 m3). Số lượng dầu này đủ dùng cho 36 ngày theo mức độ tiêu thụ dầu mỗi ngày hiện nay của Mỹ là 19,5 triệu thùng một ngày (3.100.000 m3/ngày). Việc thu mua dầu thô được tiếp tục trở lại vào tháng 1 năm 2009 bằng tiền thu nhập sẵn có từ việc bán dầu khẩn cấp đối phó trận bão Katrina năm 2005. Mỹ bắt đầu dự trữ dầu mỏ vào năm 1975 sau khi nguồn cung cấp dầu mỏ bị cắt trong suốt thời gian xảy ra vụ cấm vận dầu mỏ năm 1973-1974. Mục đích dự trữ dầu mỏ của Hoa Kỳ là để giảm thiểu tình trạng nguồn cung ứng dầu mỏ tạm thời bị gián đoạn. Theo World Factbook, Hoa Kỳ nhập cảng tổng số 12 triệu thùng dầu (1.900.000 m3) một ngày (MMbd), vì vậy kho tích trữ dầu của Hoa Kỳ chứa nguồn cung cấp dầu là 58 ngày. Tuy nhiên, khả năng rút dầu tối đa từ kho dự trữ dầu chỉ là 4,4 triệu thùng (700.000 m3) một ngày, như vậy kho dự trữ có thể cung ứng dầu kéo dài đến trên 160 ngày.