Bộ Ngoại giao cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc đang đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngày 14/4, tàu khảo sát Hải Dương 8 xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 158km. Tàu này được hộ tống bởi ít nhất 1 tàu hải cảnh Trung Quốc, theo thông tin trên Marine Traffic, một trang web chuyên theo dõi các tàu trên biển.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin một nhóm tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở biển Đông.
“Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông”, bà Hằng nói.
Năm 2019, tàu Hải Dương 8 đã hiện diện hơn 3 tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đẩy căng thẳng trên biển Đông lên cao.
Tàu Hải Dương 8 xuất hiện trở lại sau khi xảy ra vụ tàu công vụ Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa hôm 2/4 vừa qua, vấp phải sự phản ứng không chỉ của Việt Nam mà cả Mỹ và Philippines.
“Việc triển khai con tàu là bước đi của Bắc Kinh nhằm một lần nữa khẳng định chủ quyền vô căn cứ trên biển Đông”, Straistimes dẫn đánh giá của TS Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu tại Viện Iseas-Yusof ở Singapore.
Trong thời gian dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, Trung Quốc cũng thông báo đưa vào hoạt động các trạm nghiên cứu mới trên những cơ sở quân sự mà nước này xây dựng trái phép ở các cấu trúc của biển Đông, trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc vẫn đang đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông.