Bộ Quốc phòng Nhật Bản (9/4) công bố báo cáo cho biết, Không quân Nhật Bản gần 950 lần điều tiêm kích đánh chặn các máy bay quân sự Nga và Trung Quốc trong năm tài khóa 2019.
Trong năm tài khóa 2019 kéo dài từ ngày 1/4/2019 – 31/3/2020, lực lượng phòng không Nhật Bản (JASDF) đã 675 lần điều động tiêm kích lên đường đánh chặn các máy bay của lực lượng không quân (PLAAF) và không hải quân (PLANAF) của Trung Quốc. Theo đó, với 675 lần JASDF điều động tiêm kích đánh chặn các máy bay quân sự của PLAAF /PLANAF cho thấy so với năm trước, con số này đã tăng 5,8%. Bên cạnh đó, JASDF đã 268 lần điều động chiến đấu cơ chặn đường các máy bay quân sự Nga. Con số này trong năm 2018 là 343 lần và năm 2017 là 390 lần.
Theo số liệu thống kê, vào năm tài khóa 2018, số lần JASDF điều máy bay đánh chặn các máy bay nước ngoài là 999 lần. Kỷ lục nhất của JASDF là vào năm 2016 khi 1.168 lần điều tiêm kích đánh chặn máy bay nước ngoài. Trong tổng số 1.168 lần, JASDF điều tiêm kích đánh chặn máy bay của PLAAF và PLANAF tới 851. Con số này trong năm 2017 và 2018 lần lượt là 500 và 638.
Giới chức Nhật Bản cho biết các máy bay quân sự Nga tiến hành hoạt động chủ yếu dọc vành đai phía đông trên biển Nhật Bản và phía bắc Hokkaido. Các máy bay ném bom tầm xa của Nga bao gồm oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-95MS thường bay vòng qua các đảo chính của Nhật Bản trong sứ mệnh tuần tra tầm xa. Trong khi đó, máy bay do thám Y-9 của Trung Quốc tăng cường hoạt động trinh sát ở khu vực không phận quốc tế nằm giữa các đảo Okinawa và Miyako trên biển Hoa Đông, bởi đây được xem là cửa ngõ để hải quân Trung Quốc tiến vào Thái Bình Dương. Để ngăn chặn máy bay Trung Quốc và Nga, JASDF chủ yếu điều động các chiến đấu cơ hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết Mitsubishi F-15J/Kai, máy bay đa nhiệm F-2 vốn là một phiên bản của dòng F-16 cùng chiến đấu cơ F-4EJ/RF-4 Phantom II tham gia đánh chặn máy bay nước ngoài.
Được biết, Trung Quốc và Nhật Bản tồn tại tranh chấp chủ quyền ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Chính phủ Trung Quốc luôn khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, khu vực này là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ sử dụng biện pháp hòa bình, mà trong đó trực tiếp là đàm phán song phương giữa hai bên để giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận gác lại tranh chấp, để giải quyết khi có điều kiện chín mùi và đưa ra cam kết không có các hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực này. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đã có nhiều hành động đơn phương nhằm củng cố chứng cứ pháp lý, tuyên truyền chủ quyền, áp đặt các biện pháp quản lý… tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku khiến căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước gia tăng và giải quyết tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đi vào bế tắc.
Để đáp trả và bảo vệ chủ quyền, Chính phủ Nhật Bản nhiều lần tái khẳng định Điếu Ngư/Senkakunthuộc chủ quyền của Nhật Bản và trên thực tế, khu vực này đang thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản; quần đảo Điếu Ngư/Senkaku không tồn tại tranh chấp; Nhật Bản sẵn sàng giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trong luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; Hiến chương Liên hợp quốc. Thời gian gần đây, để đối phó với các hành động cứng rắn của Trung Quốc ở Điếu Ngư/Senkaku, Nhật Bản đã có sự điều chỉnh chính sách quốc phòng nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đảm bảo an toàn cho ngư dân khi đánh bắt cá trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Ngoài việc tăng cường sức mạnh quân sự, Nhật Bản sẽ tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của nước này trước các tuyên bố và hành động cứng rắn đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku; tích cực ủng hộ và tăng cường ngoại giao với một số nước ASEAN tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông để tạo ra một thế trận thống nhất, đối phó với Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Không những vậy, Nhật Bản còn đang tiếp tục cung cố chứng cứ và hồ sơ pháp lý, sẵn sàng đưa tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài liên quan. Đồng thời, Lực lượng tuần duyên của Nhật Bản sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản trong khu vực chủ quyền của mình ở Hoa Đông.
Trong khi đó, Nga và Nhật Bản tồn tại tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc. Các hòn đảo tranh chấp bị Hồng quân Liên Xô chiếm vào giai đoạn cuối của Thế chiến thứ 2, hiện dưới quyền kiểm soát của Nga như là Quận Nam Kuril thuộc Sakhalin, tuy nhiên Nhật Bản vẫn tuyên bố chủ quyền và coi đây là một phần của Phó tỉnh Nemuro thuộc tỉnh Hokkaidō. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã ra Sách trắng về chủ quyền đối với các hòn đảo trên ; cho biết Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam không áp dụng cho Lãnh thổ Phương Bắc vì những hòn đảo này chưa bao giờ thuộc về Nga ngay cả trước những năm 1904-1905. Trong Hiệp ước năm 1855 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Nga đã tuyên bố đây là các lãnh thổ không tranh chấp thuộc về Nhật Bản. Vì vậy, các hòn đảo trên không thuộc về Nhật Bản “do bạo lực và lòng tham”. Mặc dù theo Điều (2c) của Hiệp ước San Francisco năm 1951, Nhật Bản phải từ bỏ mọi quyền đối với quần đảo Kuril, nhưng Hiệp ước đã không áp dụng đối với các đảo Kunashiri, Etorofu, Shikotan và Habomai vì chúng không được liệt kê trong Quần đảo Kuril. Ngoài ra, Liên Xô đã không ký vào hiệp ước San Francisco.