Saturday, January 4, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQuanh câu chuyện 'điều tra WHO' và 'kiện Trung Quốc'

Quanh câu chuyện ‘điều tra WHO’ và ‘kiện Trung Quốc’

Không chỉ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần bị rọi đèn mà Trung Quốc cũng phải có chịu trách nhiệm về các thất bại của họ liên quan đến dịch virus corona, một cựu quan chức tình báo, ngoại giao Anh vừa lên tiếng.

Sir John Sawers, cựu đại sứ Anh ở Liên hiệp quốc, cựu giám đốc cơ quan tình báo MI6 lên tiếng ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump ra lệnh cắt ngân khoản cho WHO.

Trả lời đài BBC hôm 15/04/2020, ông Sawers, 64 tuổi, thừa nhận tại Mỹ đang có “cơn giận dữ sâu nặng về điều người Mỹ cho là Trung Quốc gây hại cho tất cả chúng ta” qua dịch virus corona.

“Trung Quốc đã né tránh rất nhiều trách nhiệm của họ về nguồn gốc virus, thất bại trong việc xử lý dịch giai đoạn đầu,” Sir John Sawers nói với chương trình Today của kênh BBC Radio 4 hôm thứ Tư, giờ Anh.

Tối hôm trước, tại Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút ngân khoản của Mỹ cung cấp cho WHO, cáo buộc tổ chức này “che đậy sự lây lan của virus corona khi nó bùng ra ở Trung Quốc”.

WHO bị ông Trump đổ tội là đã “thiên vị Trung Quốc”

Dù có nhiều ý kiến không đồng ý với cách làm của ông Trump đối với WHO vào lúc này, những lời chỉ trích tổ chức y tế thế giới đã nổi lên từ một thời gian qua.

Điều người ta nói đến là có phải WHO “thân Trung Quốc” hay không.

Phó thủ tướng Nhật Bản, Taro Aso đã lên tiếng nói rằng “có những người nay gọi WHO là Chinese Health Organization – Tổ chức Y tế Trung Quốc” vì “quan hệ gần gũi với Bắc Kinh”.

Còn Sir John Sawers, người lãnh đạo tình báo Anh từ 2009 đến 2014, đ̣ồng ý là “có sai lầm trong cách ứng phó thụ động của WHO trước chiến dịch gây rối thông tin (disinformation campaign) của Trung Quốc”.

Tuy thế, theo ông Sawers, ‘trách nhiệm phải thuộc về chính quyền Tập Cận Bình”.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Người dân ở Bắc Kinh ngày 7/4

Phê phán, và vận động kiện Trung Quốc

Dù Sir John Sawers nói Phương Tây “cần hợp tác với Trung Quốc để ngăn dịch Covid-19”, phát biểu của ông thể hiện một thái độ bất bình với Bắc Kinh đang ngày càng phổ biến trong chính giới Anh và Mỹ.

Theo trang The Times of London hôm 15/04, trước Sir John Sawers đã có cựu chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh, ông Tom Tugendhat (dân biểu đảng Bảo thủ) không hài lòng về cách Trung Quốc loại Đài Loan ra khỏi cuộc chiến chống virus corona.

WHO cũng bị chỉ trích là lấy số liệu Bắc Kinh cung cấp để đánh giá tình hình chống Covid-19 của Đài Loan, mà không nhận số liệu trực tiếp từ chính quyền Đài Bắc, thực thể chính trị bị Bắc Kinh phủ nhận.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Gia đình thăm Vạn Lý Trường Thanh ngày 27/3

Ông Tugendhat nói với đài SkyNews ở Anh ông hiểu “lo ngại của tổng thống Trump” về WHO, và hỏi vì sao tổ chức nào “không thừa nhận thành công của Đài Loan” trong công tác chống Covid-19.

Hôm đầu tháng 4, một tổ chức nghiên cứu thuộc phái hữu ở Anh, The Henry Jackson Society, tung ra sáng kiến kiện Trung Quốc “vi phạm các nguyên tắc y tế quốc tế” trong cách xử lý dịch Covid-19.

Chiến dịch của tổ chức này được một số báo Anh và báo thiên hữu trên thế giới giới thiệu, nói về chuyện kiện Trung Quốc để đòi bồi thường 4 nghìn tỷ USD (3,2 nghìn tỷ bảng Anh).

Chỉ trong số tiền này thì Anh Quốc “phải được bồi thường thiệt hại” 449 tỷ USD, theo trang henryjacksonsociety.org.

Tuy thế, một số ý kiến trong giới luật gia Phương Tây cho rằng việc kiện chính phủ Trung Quốc là bất khả thi vì các chính quyền hợp pháp được quyền miễn tố theo luật quốc tế.

Trước khi ở Anh có ‘chiến dịch vận động kiện Trung Quốc” nói trên, đã có không ít tiếng nói khác nhau ở Phương Tây đòi kiện hoặc trừng phạt Trung Quốc bằng cách nào đó.

Stephen Carter viết trong mục Ý kiến trên trang Bloomberg ở Hoa Kỳ hôm 24/03/2020 rằng không thể nào kiện đích danh chính phủ Trung Quốc được, nhưng nếu các công ty Trung Quốc bị chứng minh là “không phải bộ phận của chính phủ, để hưởng chủ quyền miễn tố – sovereignty immunity” thì họ có thể là đối tượng của các vụ kiện tập thể (class actions) theo luật Hoa Kỳ.

Image caption Hình ngày 15/4: Bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn, Vũ Hán, đóng cửa sau khi Trung Quốc nói đã kiểm soát dịch bệnh ở đây

Trong bài “Can China be sued over the coronavirus?” tác giả này viết:

“Chính quyền Trung Quốc trên thực tế đang đặt cược rằng họ sẽ không chịu nhận trừng phạt gì hết, vì chính trị sẽ là lá chắn bảo vệ họ. Nhưng người ta có thể đặt câu hỏi điều đó sẽ còn đúng hay không. Cả thế giới đang thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la vì chế độ Trung Quốc liều ẩu. Va chạm kinh tế với Trung Quốc sẽ còn kéo dài, rất dài. Có thể các lãnh đạo quốc tế sẽ phải có hành động nào đó.”

Mới đây nhất, có vẻ chính giới Hoa Kỳ đang tìm cách ra luật để kiện được Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Đảng Cộng hòa, bang Missouri) công bố dự luật ông soạn, mang tên “Luật Công lý cho nạn nhân Covid-19 – “Justice for Victims of COVID-19 Act” nhằm trao cho Bộ Ngoại giao thẩm quyền điều tra các Trung Quốc xử lý dịch và tìm cách đòi bồi thường từ chính phủ Trung Quốc cho các bệnh nhân hoặc thân nhân của người đã tử vong vì virus corona.

Điều đáng chú ý là luật này, nếu được thông qua, sẽ cho phép công dân Mỹ “kiện đích danh Đảng Cộng sản Trung Quốc”, một tổ chức chính trị, vì dịch virus corona.

Được biết bên ngoài Anh và Mỹ cũng có một vài sáng kiến, chiến dịch kiện Trung Quốc nhưng hiện mới chỉ là tin tức trên báo chí.

Image caption Nhóm chuyên viên y tế Bắc Kinh ra về tại sân bay ở thành phố Vũ Hán ngày 15/4

Đầu tháng 4, các báo ở Trung Đông đưa tin luật sư Mohamed Talaat ở Cairo nói ông kiện chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, đòi bồi thường 10 tỷ USD cho Ai Cập vì Trung Quốc “chế tạo và phát tán virus corona”.

Tuần này, một nhà vận động nhân quyền và tự do tôn giáo ở Ý, ông Massimo Introvigne, có bài “Đảng Cộng sản Trung Quốc hãy dè chừng, các luật sư sắp gọi” (Coronavirus: CCP Beware, the Lawyers Are Coming).

Ông Introvigne, cựu chủ tịch Observatory of Religious Liberty, cơ quan giám sát tự do tôn giáo thế giới do Bộ Ngoại giao Ý bảo trợ, nói cần phải kiện Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc vì “vi phạm nhân quyền” và vi phạm “quy định dịch tễ quốc tế” qua dịch virus corona.

Trong một bài viết cuối tháng 3, ông Massimo Introvigne đưa tin đã có luật sư Mỹ kiện chính phủ trung ương TQ và chính quyền tỉnh Hồ Bắc ra tòa án ở Nam Florida, Hoa Kỳ.

Tuy thế, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh, William Hague, hiện là thành viên Thượng viện, cho rằng Phương Tây “chẳng có cây gậy nào” để mà trừng phạt Trung Quốc về hành vi của Bắc Kinh.

Ông hỏi, “chúng ta thử tưởng tượng chuyện Trung Quốc để cho ai đó mở cuộc điều tra về chính họ” xem sao, theo Times of London.

Cùng lúc ông Hague kêu gọi Trung Quốc hợp tác để giúp tìm ra nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Ông Hague nói thế giới đang “khao khát tìm sự thật”.

RELATED ARTICLES

Tin mới