Sunday, January 19, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia quốc tế hiến kế chặn hành động ngang ngược của...

Chuyên gia quốc tế hiến kế chặn hành động ngang ngược của TQ ở Biển Đông

Trung Quốc cố gắng biến các yêu sách bất hợp pháp vốn bị bác bỏ theo Luật Biển và trong các phán quyết tư pháp trở thành chủ quyền trên thực tế không dựa trên luật.

Chưa đầy 1 năm sau lần xâm phạm vùng biển của Việt Nam hứng hàng loạt chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc hôm 14/4 trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Hôm 18/4, quốc gia này leo thang các hành động ngang ngược trên Biển Đông khi phê chuẩn thành lập 2 huyện quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

2 huyện này trực thuộc cái được gọi là “thành phố Tam Sa” được Trung Quốc dựng lên từ tháng 7/2012 nhằm thực hiện kế hoạch kiểm soát Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines.

Chia sẻ quan điểm, Tiến sĩ James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW) cho rằng các động thái mới đây thêm một lần nữa chứng minh Trung Quốc không hề giấu diếm mục tiêu của mình ở Biển Đông. Họ sử dụng nhiều công cụ để đạt được các mục tiêu đó.

“Mục đích của họ như chúng ta đều biết là tìm kiếm “chủ quyền không thể chối cãi” đối với vùng biển, vùng trời và một số thực thể trên đất liền nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra bao quanh phần lớn Biển Đông. Họ tìm kiếm chủ quyền với cái đích cuối cùng là quyền lực, quyền sở hữu.

Bắc Kinh đang cố gắng áp đặt chủ quyền của mình trong đường 9 đoạn mà họ tạo ra, trong đó vạch ra yêu sách về quyền sở hữu. Bắc Kinh muốn thực thi nó theo ý chí của mình và muốn các quốc gia khác tuân theo”, ông nhận xét. 

Chuyên gia quốc tế hiến kế chặn hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông - 2

Trung Quốc đang cố gắng biến các yêu sách bất hợp pháp vốn bị bác bỏ theo Luật Biển và trong các phán quyết tư pháp trở thành chủ quyền trên thực tế không dựa trên luật định

James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW)

Theo ông James, với nhiều khu vực ở Biển Đông, Trung Quốc tự coi mình có chủ quyền ở đó, vin vào cái cớ chủ quyền để thực hiện các hành động mà các nước có chủ quyền được phép làm. Họ cho phép đánh bắt cá, thu hoạch tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển khác.

“Trong trường hợp lần này của Việt Nam, Trung Quốc gửi tàu Hải Dương 8 tới để thăm dò dưới đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, ông James nhận định.

Trong các trường hợp khác, Trung Quốc thách thức lực lượng tuần duyên và hải quân của các nước Đông Nam Á xua đuổi tàu của họ. Trung Quốc tin rằng các nước nếu không thể xua đuổi tàu của mình sẽ bắt đầu nản lòng và ngừng cố gắng.

Khi họ dừng lại, Trung Quốc sẽ cố biến khu vực mà họ xâm nhập trở thành chủ quyền không thể chối cãi của mình.

Theo vị chuyên gia kỳ cựu người Mỹ, chúng ta thường nghĩ về luật pháp quốc tế như các hiệp ước bằng văn bản. Nhưng các “tập quán quốc tế” cũng là một phần quan trọng.

“Nếu Trung Quốc liên tục khẳng định chủ quyền trong đường 9 đoạn một thời gian dài và không nước nào phản đối một cách hiệu quả, các yêu sách của họ sẽ bắt đầu trở thành tập quán quốc tế và thậm chí cuối cùng có nguy cơ trở thành luật quốc tế. Đây là cuộc chơi dài hơi của Bắc Kinh. 

Trung Quốc đang cố gắng biến các yêu sách bất hợp pháp của mình vốn bị bác bỏ theo Luật Biển và trong các phán quyết tư pháp trở thành chủ quyền trên thực tế không dựa trên luật định”, ông phân tích. 

XEM THÊM:

>> Chuyên gia: Trung Quốc mưu đồ củng cố lợi ích ở Biển Đông trước khi COC ban hành

>> Việt Nam gửi công hàm lên LHQ, bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

>> Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng hành vi bắt nạt trên Biển Đông

Để ngăn chặn các hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng tới chủ quyền của Việt Nam, ông James đưa ra 3 đề xuất. 

Thứ nhất, theo đuổi một vụ kiện tương tự như vụ kiện thành công của Philippines lên Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 phản đối yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Việt Nam cần nỗ lực để đạt được kết quả tương tự. Nếu thành công, nó sẽ thêm vào các tuyên bố nhấn mạnh sự vô pháp của Bắc Kinh và cản trở nỗ lực khiến luật pháp quốc tế trở nên vô dụng của họ.

Thứ hai, bắt tay với các quốc gia Đông Nam Á. Trên thực tế, Philippines đang bất mãn với các động thái ở Biển Đông của Trung Quốc, Malaysia cũng có tranh chấp và Indonesia cũng bắt đầu có các động thái thách thức Trung Quốc ở vùng biển này sau vụ tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ. 

Thứ ba, hợp tác với các quốc gia ngoài khu vực như Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. 

“Càng nhiều đối tác hàng hải bắt tay trong việc bảo vệ các quyền của các quốc gia ven biển, nỗ lực này càng hợp pháp trong mắt cộng đồng quốc tế. Và Trung Quốc sẽ gặp khó hơn trong việc phủ nhận luật pháp quốc tế”, ông James kết luận. 

Chuyên gia quốc tế hiến kế chặn hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông - 3

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong khi đó, Tiến sĩ Bonnie S. Glaser tới từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington cho rằng động thái mới đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang muốn leo thang các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của mình cũng như củng cố khả năng kiểm soát các hoạt động trong đường 9 đoạn.

Theo bà Glaser, ở Biển Đông, Trung Quốc không công nhận vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại những khu vực trùng với đường 9 đoạn bất hợp pháp mà nước này tự vẽ ra.

Chuyên gia này tin rằng việc điều tàu xâm phạm của vùng biển Việt Nam lần này cũng như các động thái phi pháp trước đây cho thấy Trung Quốc không hề coi mình vi phạm luật pháp quốc tế, họ có những cách hiểu không giống ai về luật quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới