Những tiếng nói yếu ớt, lẻ tẻ, phân tán không thể làm TQ chùn tay. Vậy thì một “mặt trận” hình thành từ sự “chụm lại” của ba quốc gia nhỏ VN, PLP, Malaysia tại sao là không thể trong cuộc đấu pháp lý với TQ về vấn đề biển Đông ?
TQ xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên biển Đông
“Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Khỏi phải giải thích, ai cũng biết, câu tục ngữ này nói lên một thực tế là: lượng biến thành chất, số nhiều đoàn kết lại bao giờ cũng mạnh hơn số ít phân tán, đơn lẻ…
Trong những ngày này, khi tình hình biển Đông nóng trở lại, nhất là, lợi dụng các quốc gia tập trung đối phó với dịch Covid-19, Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam; và tiếp nữa, ngày 18/4 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, câu tục ngữ quen thuộc trên bỗng được nhiều người VN nhớ tới.
Nói về câu chuyện biển Đông, TQ là quốc gia phải nhắc đến đầu tiên.
Tại sao vậy ? Một câu hỏi hơi…không cần hỏi.
Ai cũng biết, từ khi “thoát nghèo”, có da có thịt, có lực vài mươi năm nay, khao khát của TQ về việc chiếm đoạt biển Đông – khu vực giàu có nguồn năng lượng, nguồn lợi hải sản, đồng thời là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất…trở nên điên cuồng hơn bao giờ hết.
Bắc Kinh ra sức thực hiện tham vọng đó, bất chấp công pháp quốc tế: phá cáp tàu thăm dò khảo sát địa chất của VN năm 2012; dùng âm mưu chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ PLP năm 2012; hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng thêm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN năm 2014…
Thậm chí, phán quyết của Tòa trọng tài LHQ (PCA) tháng 7/2016 trong vụ kiện của PLP làm TQ bẽ mặt, nhưng, không những không dừng lại, TQ càng hung hăng hơn, thực hiện nhiều hơn các hành động gây hấn với VN, PLP, Malaysia, Indonesia, nổi bật là vụ đâm chìm tàu cá của ngư dân PLP trong khu vực bãi Cỏ Rong thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này, năm 2019; cho tàu Hải Dương 8 thực hiện cái gọi là “khảo sát địa chất” trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN năm 2019; quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Malaysia; cho tàu vào khu vực vùng biển tranh chấp ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia, nằm ở phía tây Biển Đông…
Dù có thế mạnh về pháp lý, nhưng nếu đấu tay đôi với TQ, VN, PLP, Malaysia hẳn gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa nói như thế là “sập bẫy” chiêu bài “đàm phán song phương” mà Bắc Kinh đang giăng ra nhằm dễ bề dùng sức mạnh cơ bắp, sức mạnh tài chính để đe dọa, cưỡng bức hoặc ve vãn các quốc gia theo họ là cứng đầu, khó bảo.
Vậy nên, dù không nói ra, nhưng trong thực tế, các nước ASEAN cũng như nhóm các nước có yêu sách chủ quyền biển Đông trên đều tính toán trong ứng xử với TQ, nhất là trong câu chuyện biển Đông.
Việc Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ AMM 45 không ra được tuyên bố chung chỉ vì một Campuchia; thái độ thận trọng, thậm chí im lặng của ASEAN, của các bên có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông với vụ kiện của PLP đối với TQ; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 không đưa ra bất cứ tuyên bố chung nào về phán quyết của Tòa trọng tài đối với vụ kiện về biển Đông cũng chỉ vì sự “khôn lỏi”, bị TQ chi phối của Campuchia…thể hiện rất rõ điều đó.
Thế nên, cho dù người tiền nhiệm của ông Duterte – tổng thống Philippines , ông Benigno Aquino, từ năm 2014, từng kêu gọi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cùng đối mặt với các mối đe dọa trước tuyên bố chủ quyền ngang ngược của TQ trên biển Đông, thì những năm qua, quốc tế vẫn thất vọng chứng kiến một ASEAN vừa đoàn kết lại vừa lỏng lẻo; chứng kiến các quốc gia liên quan trực tiếp chủ quyền biển Đông, cùng là nạn nhân bị TQ o ép, là VN, PLP, Malaysia, Indonesia – nhóm nước được coi là “cứng đầu” – tỏ ra khá dè dặt trong biểu thị thái độ đối với hành động quấy nhiễu mà TQ gây ra với một nước trong nhóm qua những tuyên bố chung chung, rất ngoại giao, kiểu “lấy làm quan ngại…”, “kêu gọi các bên kiềm chế”, “giải quyết bằng đối thoại, trên cơ sở luật pháp quốc tế…”…
Những tiếng nói yếu ớt, lẻ tẻ, phân tán như vậy sao có thể khiến một gã côn đồ khổng lồ như TQ chùn tay ?
Nhưng, dường như đang le lói hy vọng về sự đoàn kết, gắn bó nhiều hơn của “bộ tam” VN, PLP, Malaysia.
Và thật éo lé, chính sự hung hăng, hành động vô nhân đạo, thủ đoạn hèn mọn: lợi dụng dịch Covid-19 hoành hành để ra tay thực hiện các hành vi gây hấn nhằm đạt mục tiêu tham lam của họ trên biển Đông đã làm các nước này thấy rằng, họ cần phải đoàn kết, cùng lên tiếng để có tiếng nói cộng hưởng mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu pháp lý với TQ.
Tháng 12-2019, Malaysia đã gửi đơn yêu cầu Ủy ban ranh giới thềm lục (viết tắt là CLCS) xem xét về thềm lục địa mở rộng của Malaysia tại Biển Đông.
Tiếp theo đó, PLP đã gửi hai công hàm đến LHQ bác bỏ các yêu sách của TQ. Điều đặc biệt là, lần đầu tiên, PLP sử dụng phán quyết của PCA trong vụ kiện biển Đông làm cơ sở pháp lý trong công hàm của mình.
Cũng PLP, người ta còn chú ý tới nội dung tuyên bố của nước này về việc tàu hải cảnh TQ đâm chìm tàu cá của ngư dân VN ngày 2-4 khi đang đánh cá ở ngư trường truyền thống: phê phán TQ có hành động vô nhân đạo; chỉ ra rằng, TQ như kẻ “chơi bẩn”, lợi dụng cộng đồng quốc tế bận đối phó với Covid-19 thực hiện các hành vi gây hấn…
Trong tư cách quốc gia cũng từng là nạn nhân của TQ trong các hành động tương tự, bản tuyên bố còn cảm ơn VN đã cứu ngư dân PLP trong vụ Cỏ Rong năm ngoái…
Theo giới nghiên cứu, từ chỗ “thân” Bắc Kinh thời ông Duterte làm tổng thống, lần đầu tiên, PLP thể hiện một thái độ rõ ràng, khác lạ “đấu” Trung Nam Hải công khai đến vậy ! Sự khác lạ đó dường như nói lên rằng: cuối cùng cũng đã đến lúc, PLP nhận ra và cảnh giác với một kẻ vừa ác, vừa thâm, vừa độc như TQ.
Còn VN ? Ai cũng biết, trong “bộ tam”, VN quyết liệt nhất với TQ; nhưng VN cũng là quốc gia “tỉnh” nhất trong đấu trí, đấu lực với những giải pháp vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, linh hoạt.
Chẳng thế mà, ngày 23/3, TQ gửi công hàm lên LHQ phản hồi tài liệu của PLP và lý sự cùn rằng họ “có chủ quyền với quần đảo Nam Sa và vùng biển gần kề”, “có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất”; “có quyền lịch sử” ở biển Đông, dựa trên “bằng chứng lịch sử và pháp lý”, thì ngày 30/3, Việt Nam đã gửi công hàm lên LHQ, phản hồi hai công hàm mà Trung Quốc đưa ra ngày 12/12/2019 và ngày 23/3 đối với các tài liệu của Malaysia và PLP, khẳng định yêu sách của Trung Quốc tại các công hàm trên không có cơ sở pháp lý và lịch sử, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN tại biển Đông.
Những diến biến, động thái trên, phải chăng là dấu hiệu của một “mặt trận” được hình thành từ sự “chụm lại” của “bộ tam” VN, PLP, Malaysia trong cuộc chiến pháp lý chống lại yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của TQ ?