Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCác công ty Mỹ đang dần rời bỏ TQ

Các công ty Mỹ đang dần rời bỏ TQ

Các công ty Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc do cuộc chiến tranh thương mại. Làn sóng này sẽ còn tiếp tục tăng do đại dịch Viêm phổi Vũ Hán.

Hôm 14/4, công ty tư vấn sản xuất toàn cầu Kearney đã công bố Chỉ số chuyển hoạt động sản xuất trở về chính quốc hàng năm lần thứ bảy, cho thấy một “sự đảo ngược đầy kịch tính” trong vòng 5 năm qua khi sản xuất trong nước tại Mỹ trong năm 2019 chiếm phần lớn hơn đáng kể so với 14 nhà xuất khẩu châu Á được nghiên cứu này theo dõi. Sản xuất hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Năm ngoái, nhiều công ty Mỹ đã cân nhắc về việc chuyển đổi chuỗi cung ứng của họ, bao gồm việc thuyết phục các đối tác Trung Quốc chuyển tới Đông Nam Á để né các sắc thuế, hoặc chấm dứt hoàn toàn nguồn cung từ Trung Quốc.

Ông Patrick Van den Bossche, đối tác của Keaney và đồng tác giả của báo cáo nói trên, cho biết ba thập kỷ trước đây, các nhà sản xuất Mỹ bắt đầu sản xuất và tìm nguồn cung ứng tại Trung Quốc với lý do chính là chi phí. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại với nguy cơ bị áp thuế và gián đoạn nguồn hàng nhập khẩu đã khiến nhiều công ty cân nhắc lại. 

Dịch COVID-19 đang diễn ra còn khiến cho ý định này trở nên ngày càng thực tế hơn, khi các công ty phải học cách thích ứng với những đột biến hệ thống không lường trước được.

 

Năm 2020, chiến tranh thương mại lắng xuống do đại dịch toàn cầu bắt nguồn từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Virus corona chủng mới đã “đóng kín” các nền kinh tế của phương Tây. Không chỉ có vậy, các công ty còn không thể nhận được nguồn cung vào tháng Hai và đầu tháng Ba vì các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, khiến công việc kinh doanh bị đình trệ.

Khi Trung Quốc bắt đầu hồi phục và dần hoạt động trở lại, nước Mỹ vẫn đang chống chọi với sự lây lan nhanh chóng của COVID-19. Chưa có báo cáo đầy đủ về các tổn thương xã hội và kinh tế mà đại dịch mang tới, nhưng dù hậu quả thế nào, việc trở lại nguyên trạng trước đại dịch trong quan hệ thương mại với Trung Quốc là không thể, các tác giả của báo cáo Kearney viết. 

Kearney tiên đoán các công ty “sẽ buộc phải tiến xa hơn trong việc suy tính lại chiến lược tìm nguồn cung ứng, (và) toàn bộ các chuỗi cung ứng của họ.”

Đặc biệt, các tác giả của báo cáo Kearney dự đoán nhiều công ty sẽ tăng cường xu hướng phân tán rủi ro thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc. 

Trung Quốc là nguồn cung cấp thuốc giảm đau, bộ quần áo khử nhiễm, găng tay cao su, khẩu trang phẫu thuật, máy thở, và cả giấy vệ sinh. Các Thượng Nghị sĩ gồm Josh Hawley và Tom Cotton đang đặt ra câu hỏi tại sao những điều trên không phải là một vấn đề an ninh quốc gia.

Điều đó không có nghĩa là hoàn toàn từ bỏ Trung Quốc, nhưng việc nước này là công xưởng sản xuất cho thế giới phương Tây dường như sẽ không còn tiếp tục, báo cáo của Kearney nhận định.

Nhật Bản dành 2,2 tỷ USD hỗ trợ các công ty rời Trung Quốc

Việt Nam thắng thế ở châu Á, Mexico đang thu phục được người Mỹ

Có thể điểm qua những bên sẽ được hưởng lợi từ việc dịch chuyển này: đó là các quốc gia Đông Nam Á, dẫn đầu là Việt Nam. Ngoài ra, với việc thông qua Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA), Mexico cũng đã trở thành điểm đến ưa chuộng đối với việc tìm nguồn cung ứng thay thế.

Theo Chỉ số đa dạng hóa Trung Quốc của Kearney – chỉ số theo dõi sự di chuyển của việc sản xuất hàng nhập khẩu Mỹ từ Trung Quốc rời sang các nước châu Á khác trong danh sách, Trung Quốc vẫn là nước dẫn đầu, nhưng ngày càng mất đi thị phần trong những năm dưới chính quyền của ông Trump.

Năm 2013, Trung Quốc chiếm 67% tất cả hàng hoá sản xuất có nguồn gốc từ châu Á vào Mỹ. Vào quý II năm 2019, thị phần của họ hạ xuống 56%.

Trong 31 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ chuyển khỏi Trung Quốc, Việt Nam chiếm khoảng 46% (trong này có tính cả cùng nhà cung cấp Trung Quốc đã rời Đại lục). Việt Nam đã xuất khẩu thêm khoảng 14 tỷ USD hàng hoá tới Mỹ năm 2019 so với năm 2018 do kết quả của sự dịch chuyển này.

Trong khi đó, Mexico cũng đang dần trở thành “Trung Quốc của người Mỹ”.

Kearney đã đưa ra Tỷ lệ thương mại gần-tới-xa (Near-to-Far Trade Ratio – NTFR) năm nay. Chỉ số này theo dõi chuyển động của hàng nhập khẩu Mỹ hướng tới sản xuất tại Mexico. NTFR được tính theo tỷ lệ tổng giá trị bằng USD hàng năm của hàng hoá công nghiệp của Mexico tới Mỹ chia cho giá trị bằng USD của nhập khẩu hàng công nghiệp từ 14 nước châu Á, gồm cả Trung Quốc.

Từ 2013, NTFR giao động ổn định trong khoảng 36% và 38% – có nghĩa là tương ứng với mỗi USD hàng công nghiệp từ châu Á vào Mỹ, có khoảng 37 xu nhập khẩu hàng công nghiệp đến từ Mexico.

Điều đó đã thay đổi cùng Hiệp định USMCA khi tỷ lệ này ở Mexico tăng từ 38% đến 42%. Trên cơ sở giá trị đồng đô la, tổng nhập khẩu hàng công nghiệp từ Mexico vào Mỹ tăng 10% trong 2017 và 2018, từ 278 tỷ lên 307 tỷ USD, và thêm 4% nữa trong năm 2018 và 2019, với tổng giá trị nhập khẩu là 320 tỷ USD, theo báo cáo Kearney.

Ông Yuri Castano, quản lý của Kearney và đồng tác giả báo cáo, nhận xét rằng cơ hội cho những quốc gia này rõ ràng đã được mở ra do các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. “Chiến tranh thương mại đã khiến các công ty Mỹ xem xét lại và định hình lại hệ thống cung ứng của họ.”

RELATED ARTICLES

Tin mới