Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCovid-19: Vị thế quốc tế của TQ đang bị đe dọa

Covid-19: Vị thế quốc tế của TQ đang bị đe dọa

Tuần qua, nhiều quan chức của Pháp, Anh và gần 20 quốc gia châu Phi đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình của họ trước những hành động hoặc tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về việc xử lý đại dịch Covid-19.

Buộc có đi có lại

Ông Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Bắc Kinh, cho biết về cơ bản, Trung Quốc đưa ra hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 với các nước để đổi lấy sự công nhận của các nước đối với mô hình phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc.

Theo ông, điều này cũng có thể hiểu là các nước này sẽ không lên án Trung Quốc hoặc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự bùng phát của dịch bệnh.

Báo New York Times còn cho biết một quan chức của lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago đề nghị một nghị sĩ ở Wisconsin soạn thảo một nghị quyết hỗ trợ cho những nỗ lực của Trung Quốc trong việc phòng chống Covid-19.

Cũng trong thời gian qua, tài khoản Twitter của đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka đã tạm thời bị đình chỉ hoạt động, sau khi đăng tải một bài viết phản ứng kịch liệt những lời phê bình tại Sri Lanka về hành vi của Trung Quốc.

 Tại Kazakhstan, đại sứ Trung Quốc đã được Bộ Ngoại giao nước này “mời” đến làm việc vì đã viết trên mạng Sohu về yêu sách dân tộc chủ nghĩa liên quan đến những khu vực rộng lớn của lãnh thổ Kazakhstan.

Mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ cũng đang trở nên khó khăn, mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận tạm ngưng chiến tranh thương mại.

Và bây giờ đã xuất hiện những bằng chứng cho thấy đại dịch Covid-19 đang buộc nhiều nước – chứ không riêng gì Mỹ – phải suy nghĩ lại về mối quan hệ với Trung Quốc.

Covid-19: Vị thế quốc tế của Trung Quốc đang bị đe dọa - ảnh 1

Thiết bị bảo hộ y tế của Trung Quốc chuẩn bị viện trợ cho Ý, nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng vì Covid-19

Reuters

Mâu thuẫn trong thông điệp

Theo báo Figaro (Pháp), Bắc Kinh dường như đã từ bỏ những chiến dịch nhằm “quyến rũ” thế giới thông qua nỗ lực khuếch trương “quyền lực mềm” qua văn hóa Trung Quốc, như điện ảnh, thư pháp, khí công…

Và theo New York Times, Trung Quốc lên tiếng đả kích những biểu hiện của việc phân biệt chủng tộc, chống Trung Quốc trên khắp thế giới trong khi lại nhắm mắt làm ngơ hành vi phân biệt chủng tộc ở trong nước, bao gồm việc cấm người nước ngoài vào nhà hàng và những nơi công cộng khác, cũng như trục xuất người châu Phi khỏi nhà của họ ở Quảng Châu gần đây.

Chuyện đuổi người đó đã gây ra một loạt chỉ trích công khai của các nước như Ghana, Kenya và Nigeria, và dẫn đến một bức thư phản đối của các đại sứ châu Phi ở Bắc Kinh.

Theo New York Times, những hạn chế đó đã khiến nhiều người Trung Quốc có ấn tượng rằng mối đe dọa của Covid-19 bây giờ là từ người nước ngoài nhập cảnh nước này, mặc dù nhiều người nhập cảnh là công dân Trung Quốc chính gốc.

Điều đó cho phép họ làm chệch hướng sự chú ý khỏi nguồn gốc thực sự của dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào cuối năm ngoái ở Vũ Hán, qua đó tạo cớ để cho rằng những hành động của chính phủ Trung Quốc là biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Cách đây không lâu, đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp còn đăng một tuyên bố trên trang web của mình cáo buộc các chính phủ phương Tây không bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong nước, khiến nhiều người sống trong viện dưỡng lão bị bỏ rơi.

Châu Âu đang thức tỉnh trước Trung Quốc, dẫn đầu là Pháp, theo Figaro. Sau khi đại sứ Trung Quốc tại Pháp được mời đến Bộ Ngoại giao Pháp hôm 14.4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích việc xử lý đại dịch Covid-19 của Bắc Kinh. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Anh Financial Times, ông Macron kêu gọi các nước đừng “ngây thơ” (với Trung Quốc). 

New York Times cho biết ông Josep Borrell, quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng Trung Quốc đang tung ra một cuộc tấn công bằng chữ nghĩa trong nỗ lực nhằm làm mất uy tín của EU, và trong một số trường hợp, gây suy nghĩ kỳ thị rằng tất cả người châu Âu đều mang virus Covid-19.

Ngay cả một số nơi từng thân thiện với Trung Quốc gần đây cũng đã lên tiếng đả kích Bắc Kinh.

Nhà chính trị theo chủ nghĩa dân tộc của Ý, ông Matteo Salvini, nói rằng nếu quả thực Trung Quốc cố tình che đậy dịch Covid-19 trong thời gian đầu thì đó gần như một tội ác chống lại loài người. “Không thể xem người đã lây virus cho cả thế giới là vị cứu tinh được”, ông Salvini viết trên tài khoản Twitter.

RELATED ARTICLES

Tin mới