Người dân bày tỏ sự bất bình và kịch liệt phản đối hành động phi lý của Trung Quốc khi ngang nhiên thành lập khu Tây Sa và Nam Sa.
Nghe tin Chính phủ Trung Quốc thông qua quyết định thành lập huyện đảo Tây Sa và Nam Sa trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hải ở phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La hết sức bất bình và cho rằng, hành động này của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, mà còn xâm hại đến tự do hàng hải và an ninh, an toàn hàng hải của khu vực và thế giới.
Cùng phản đối về hành động ngang ngược của Trung Quốc, anh Hoàng Anh Tiến ở phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La cho biết, khi nghe tin Trung Quốc lập hai huyện thuộc chủ quyền biển đảo của Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam anh cảm thấy rất bức xúc.
Theo anh Tiến, trong khi Việt Nam và thế giới đang gồng mình để chống lại dịch Covid-19 thì Trung Quốc đã làm điều phi lý và không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Anh cũng mong Đảng và Nhà nước Việt Nam có những biện pháp xử lý, giải quyết với tinh thần hòa bình không dẫn đến xung đột.
Trước việc Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, ông Nguyễn Sĩ Trinh, ở đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận Bình Thạnh, TPHCM, nguyên cán bộ Cục kỹ thuật Bộ Tư Lệnh Hải quân cho rằng: Việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, được chứng minh bằng căn cứ pháp lý và tồn tại lâu đời trong lịch sử, địa lý của Việt Nam.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp – Ảnh: AFP |
“Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà họ ngang nhiên vi phạm. Tôi đề nghị Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế phản đối, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm pháp luật này của Trung Quốc. Tôi đề nghị Trung Quốc rút khỏi quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, vì họ đã vi phạm nhiều lần” – ông Trinh nói.
Còn Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Giám đốc Hãng luật Lâm Trí Việt ở TP.HCM cho rằng, theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, ứng với bản đồ trên thực tế thì rõ ràng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Trên cơ sở pháp lý này, việc Trung Quốc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa là phi pháp, không có giá trị về mặt pháp lý. Phía Việt Nam cũng như các nước trên thế giới không công nhận việc đặt chính quyền địa lý của Trung Quốc.
“Với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi cực kỳ bức xúc với hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam do Trung Quốc khơi mào, liên tục thực hiện các hành vi khiêu khích, xâm chiếm trên thực tế. Chúng ta quyết tâm bảo vệ, củng cố chủ quyền biển đảo của Việt Nam”- Luật sư Lâm nói.
Từ đất mũi Cà Mau, chị Nguyễn Thị Huỳnh Như, người dân phường 8, TP Cà Mau cho biết: việc làm của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982:
“Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Qua các cuộc trưng bày bằng chứng về Hoàng Sa, Trường Sa, tôi thấy chúng ta có nhiều căn cứ pháp lý chứng minh điều đó. Thời quan qua, thấy báo chí thông tin nhiều vấn đề Trung Quốc cho bồi đắp, xây dựng trái phép trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thậm chí, tàu cá nước ta đánh bắt trên vùng biển này còn bị gây hấn, thiệt hại. Tôi cho rằng, mọi hành động nước khác xâm phạm đến các quần đảo này đều là phi pháp, đáng lên án”- chị Huỳnh Như bức xúc