Thursday, September 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐại dịch COVID-19: Trò bẩn của TQ bị cộng đồng quốc tế...

Đại dịch COVID-19: Trò bẩn của TQ bị cộng đồng quốc tế vạch trần

Trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa an toàn tính mạng của cả cộng đồng quốc tế, các nước cần chung tay đối phó dịch bệnh, bảo vệ người dân. Tuy nhiên, Trung Quốc lại lợi dụng dịch bệnh để tiến hành các âm mưu, ý đồ chiến lược riêng. Hành vi của giới cầm quyền Bắc Kinh đã bị cộng đồng quốc tế phát giác và có những biện pháp đề phòng, đáp trả.

Chiêu bài viện trợ y tế

Sau khi kiểm soát được dịch bệnh trong nước, Trung Quốc triển khai chiến lược viện trợ vật tư y tế, khẩu trang, máy thở, thậm chí điều các bác sỹ tới quốc gia khác trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ y tế quy mô lớn. Bắc Kinh tập trung viện trợ cho các nước ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á.

Tuy nhiên, đồ viện trợ hoặc đồ thiết bị y tế Trung Quốc bán cho các nước đa phần là không sử dụng được. Tây Ban Nha đã đặt mua tại Trung Quốc một số thiết bị, vật tư y tế trị giá tổng cộng 467 triệu đô la, bao gồm 5.500.000 bộ xét nghiệm, 950 máy trợ thở, 11 triệu đôi găng tay và 500 triệu khẩu trang. Sau đó, giới y tế nước này đã báo động là gần 70% bộ xét nghiệm mua từ Trung Quốc đã cho kết quả không chính xác. Chính phủ Trung Quốc đổ lỗi cho một công ty không được chính quyền Trung Quốc cấp phép. Hà Lan mua 1.300.000 khẩu trang từ Trung Quốc và nay phải thu hồi 600.000 chiếc đã được phân phát đến các bệnh viện vì phát hiện lô hàng này không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Philippines cũng phải bỏ các bộ kit xét nghiệm từ Trung Quốc do mức chính xác quá thấp, không đạt yêu cầu. Cộng hòa Séc cũng nhập những bộ kit xét nghiệm từ Trung Quốc và một quan chức y tế địa phương của nước này đã tố cáo kết quả xét nghiệm từ các bộ kit nhanh của Trung Quốc cho kết quả sai đến 80%. Thứ trưởng Y tế Philippines thông báo kit thử COVID-19 của Trung Quốc có độ nhạy chỉ 40%.

Mới đây nhất, Ấn Độ phát hiện khoảng 50.000 trong số 170.000 bộ đồ bảo hộ y tế cá nhân xuất xứ từ Trung Quốc được tặng cho chính phủ Ấn Độ không đáp ứng tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng. Những bộ đồ bảo hộ y tế cá nhân (PPE) không đạt chất lượng nói trên được chuyển từ Trung Quốc đến Ấn Độ vào ngày 5/4. Số PPE nói trên được kiểm tra tại phòng thí nghiệm của Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ. Trong đó có vài kiện hàng PPE được tặng không đạt tiêu chuẩn và không thể dùng được.

Ý đồ của Trung Quốc

Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn thực thi chính sách “không có bữa ăn miễn phí”, khi viện trợ các nước phòng chống dịch luôn kèm theo các yêu cầu về vấn đề chính trị, kinh tế.

Đầu tiên, Trung Quốc luôn tìm cách đạt được các lợi ích kinh tế, chính trị. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định sẵn sàng hợp tác với Italy để đóng góp vào các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm kiểm soát đại dịch. Ông hy vọng sẽ thành lập một con đường tơ lụa y tế, là một phần của Sáng kiến Vành đai-Con đường, đồng thời cho biết thêm 2 nước nên tăng cường trao đổi và hợp tác sau khi dịch bệnh qua đi.

Thứ hai, biến các nước nhận được viện trợ thành công cụ tuyên truyền, quảng bá cho Trung Quốc. Bộ ngoại giao Đức cho biết, Trung Quốc đã vận động nhiều quan chức và nhân viên cấp cao trong chính phủ Đức để “ca ngợi cách thức ứng phó dịch bệnh của Bắc Kinh”, nên đã ra ra thông cáo yêu cầu tất cả các bộ ngành từ chối nỗ lực tiếp cận này của Chính quyền Bắc Kinh.  

Thứ ba, phá vỡ đoàn kết trong các khối liên minh như EU, để tăng cường ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang cố gắng biến cuộc khủng hoảng y tế thành một cơ hội địa chính trị nhằm mục đích lấp đẩy khoảng trống do Mỹ để lại. Ông Noah Barkin, chuyên gia tại Quỹ Marshall của Đức nhận định, bằng cách cung cấp sự hỗ trợ cho các quốc gia khác như Italy hay Tây Ban Nha, Bắc Kinh đang khoét sâu sự rạn nứt trong EU, cũng như tạo ra bức tranh tương phản với Mỹ. Nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu Josep Borrell thì cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đang tìm cách tận dụng chiến lược “chính trị hào phóng” để làm suy yếu tinh thần đoàn kết của châu Âu. Cùng quan điểm trên, Marcin Przychodniak, một nhà phân tích tại Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan, cho biết các nước tiếp nhận nguồn cung, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu, sẽ đánh giá cao sự hỗ trợ của Bắc Kinh, nhưng cũng không tránh khỏi những lo ngại về động cơ chính trị và kinh tế tiềm ẩn đằng sau đó. Để đảm bảo nhận được các nguồn hỗ trợ này, chính phủ các nước phải hợp tác trực tiếp với chính phủ Trung Quốc để có thể đặt mua hàng hóa y tế.

Thứ tư, định hướng tuyên truyền dư luận trong nước. Chiến dịch viện trợ nhân đạo của Trung Quốc, không chỉ nhằm mục đích trấn an người dân trong nước mà còn hướng đến cộng đồng quốc tế. “Nó gửi thông điệp đến người dân rằng Trung Quốc đã vượt qua cơn khủng hoảng và hiện tại có thể giúp đỡ những quốc gia khác. Điều này có thể sửa chữa hình ảnh từng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do những thất bại ban đầu trong ứng phó dịch bệnh. Tại phương Tây, nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách chuyển sự chú ý ra khỏi cáo buộc nước này đã thiếu minh bạch thông tin về dịch bệnh, gây ra sự trì hoãn trong phản ứng quốc tế và khiến dịch bệnh lan rộng một cách không kiểm soát.

Thứ năm, lợi dụng các nước đang bận đối phó với dịch bệnh, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động phi pháp trên Biển Đông, Hoa Đông, Hoàng Hải nhằm tìm cách củng cố hiện diện trên thực địa. Nổi bật nhất là vụ Trung Quốc cho tàu Hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 ra hoạt động trong khu vực phía Nam Biển Đông.

Trung Quốc khó đạt ý đồ

Đã có nhiều ý kiến phân tích, bình luận cho rằng âm mưu, ý đồ của Trung Quốc khi lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính sẽ không đạt được như mong muốn. Hiện lãnh đạo một số nước, bao gồm Campuchia, Iran, Pakistan hay Serbia, thời gian qua có nhiều tán thưởng về hành động của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh triển khai “ngoại giao y tế” – hỗ trợ, viện trợ, xuất khẩu nhiều thiết bị, vật tư y tế và đội ngũ y bác sĩ ra nước ngoài chống dịch. Tuy nhiên, rất ít chính phủ các nước tán thành với những thông điệp gần đây của Trung Quốc.

Thứ nhất, chính phủ các nước thường chịu áp lực từ dân chúng khi chấp nhận sự hỗ trợ của Trung Quốc. Dư luận các nước dường như không đặt nhiều niềm tin vào sự giúp đỡ của Bắc Kinh, nhất là khi nước này thường dùng “ngoại giao vật chất” đổi lấy sự ảnh hưởng ngoài kỳ vọng của các nước, ví dụ đòi hỏi quyền lợi quá tầm ở nước sở tại.

Thứ hai, chất lượng các gói hỗ trợ của Trung Quốc không cao. Nhiều quốc gia nhận viện trợ từ TQ trong đợt dịch này khẳng định các bộ xét nghiệm, thiết bị bảo hộ y tế Trung Quốc không đảm bảo chất lượng. Gần nhất, thủ tướng Phần Lan đã sa thải người đứng đầu cơ quan cung ứng thiết bị khẩn cấp vì đã chi hàng triệu euro để mua khẩu trang Trung Quốc kém chất lượng. Một số lãnh đạo khác đã bác bỏ các thông điệp của TQ, tìm cách thuật lại chính xác câu chuyện về phản ứng (thiếu minh bạch, hiệu quả) của TQ trước đại dịch. Ông Josep Borrell, đại diện ngoại giao và an ninh cấp cao kiêm phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, mới đây đã công khai chỉ trích các nỗ lực (chống dịch) của Trung Quốc chỉ để gia tăng ảnh hưởng. Lãnh đạo Brazil và Ấn Độ, vốn cũng đang chịu thách thức từ đại dịch, cũng chỉ trích và từ chối nhận viện trợ của Trung Quốc. Ở châu Phi, các câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc lan rộng ở miền Nam Trung Quốc đối với người nước châu Phi khiến dư luận tại “lục địa đen” rất quan tâm. Cùng lúc đó, niềm tin của các quốc gia châu Á đối với Trung Quốc từ trước khi dịch bùng phát đã suy giảm. Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew tại sáu nước châu Á được công bố vào cuối tháng 2 cho thấy công luận nghiêng về phía Mỹ hơn là Trung Quốc.

 Thứ ba, nền kinh tế của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến nước này không “đủ lực” để chi phối, tác động đến các nước khác. Mặc dù Trung Quốc cho mở cửa lại các nhà máy, giúp nguồn cung sản phẩm gia tăng nhưng việc kích cầu còn gặp nhiều khó khăn thật sự. Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ và châu Âu. 12 quốc gia đang chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch bệnh hiện nay chiếm khoảng 40% thị trường xuất khẩu của Trung Quốc. Đa số các quốc gia này cũng là nhà cung cấp hàng hóa trung gian quan trọng nhất của Trung Quốc ra thị trường thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng ở mức 5%-6% mỗi năm như trước đây cho đến khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu phục hồi. Vì vậy, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ phải kìm hãm việc kích cung (tức hỗ trợ sản xuất) cho đến khi nhu cầu thị trường thế giới trở lại bình thường. Trong khi đó, việc tung ra các gói kích cầu hay các gói tín dụng hỗ trợ trong nước cũng khó khăn với Trung Quốc khi mức nợ công tăng mạnh. Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), tổng nợ của Trung Quốc hiện tiệm cận mức 310% GPD, mức cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, GDP quý I/2020 của Trung Quốc giảm 6,8%, đánh dấu quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 1992. Mặc dù giới chức Trung Quốc đã nỗ lực vực dậy một số lĩnh vực của nền kinh tế vào tháng 2 sau khi tốc độ lây lan của dịch Covid-19 tại nước này bắt đầu chậm lại, song các chuyên gia phân tích cho rằng giới hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn phải đối mặt với thách thức cực lớn trong bối cảnh đại dịch khiến nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm.

Thứ tư, các nước châu Âu đang cảnh giác với kế hoạch thâu tóm tập đoàn công nghệ quan trọng của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại đáng chú ý trong ngành công nghệ châu Âu. Năm 2016, đại gia công nghệ Trung Quốc Tencent đã mua phần lớn cổ phần của công ty phát triển trò chơi di động Phần Lan Supercell. Một hãng sản xuất thiết bị điện Trung Quốc là Midea đã mua lại công ty robot Kuka của Đức. Năm ngoái, Ant Financial, nhánh công nghệ tài chính của Alibaba, cũng đã tiếp quản công ty giao dịch tiền tệ WorldFirst có trụ sở tại Anh. Tham vọng tiếp quản của Trung Quốc đang khiến nỗi lo lắng ở châu Âu tăng cao. Margrethe Vestager, Phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu đã đề xuất các nước nên xem xét đầu tư, hỗ trợ cho các công ty công nghệ trong khu vực để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mạnh mẽ thực hiện một chiến dịch ngăn chặn hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei vì nghi ngờ thiết bị của hãng này có thể được Bắc Kinh sử dụng cho mục đích gián điệp, đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới