Friday, November 15, 2024
Trang chủĐàm luậnBiển Đông: TQ tiếp tục ‘mềm nắn, rắn buông’ và tranh giành...

Biển Đông: TQ tiếp tục ‘mềm nắn, rắn buông’ và tranh giành ảnh hưởng

Trung Quốc được cho là tiếp tục có các hành động ‘mềm nắn, rắn buông’ nhằm tranh thủ đại dịch Covid-19 để thu được lợi thế trên Biển Đông và khu vực, theo một số ý kiến.

Hôm 17/4/2020 Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu bang giao quốc tế từ Đại học George Mason và Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia, nhà nghiên cứu Trung Quốc, trước hết bình luận về động thái Trung Quốc mới gửi tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng một nhóm tàu hải cảnh trở lại Biển Đông và vùng biển ở khu vực Đông Nam Á.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Theo chỗ tôi biết thì đến chiều ngày 15/4/2020, tầu thăm dò địa chất Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc còn lởn vởn gần vùng bãi cạn Luconia của Malaysia hơn là bãi Tư Chính, và vào thời điểm đó có 3 tầu của Việt Nam theo dõi.

Nên nhớ gần đây Malaysia đã ủng hộ Việt Nam trong việc tầu Trung Quốc đâm tầu đánh cá viêt Nam hôm 3 tháng Tư, bằng cách trách Trung Quốc hành động nhỏ nhen để “bảo vệ cá và quyền lịch sử tưởng tượng” trong khi “COVID-19 mới là mối đe dọa thật sự đang đòi hỏi sự đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau” để đối phó.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Chiến lược của Trung Quốc từ nhiều năm nay là vẫn quấy nhiễu và đe doạ các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam cũng như dùng các tàu hải cảnh để đâm chìm các tàu cá của Việt Nam và một số nước khác trong khu vực Biển Đông.

Các tàu hải cảnh của Trung Quốc có trang bị các thanh gắn phía trước và hai bên tàu để dùng vào việc đâm vào các tàu của các nước khác trong khu vực.

Thuỷ thủ của các tàu hải cảnh Trung Quốc đã được huấn luyện để làm việc nầy và các chỉ huy của các tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đã được chính phủ Trung Quốc cho phép tự ý đâm vào tàu các nước khác, miễn là vì lý do bảo vệ “chủ quyền” của Trung Quốc, mà không cần hỏi ý kiến Trung Ương.

Nhưng lần này việc Trung Quốc gửi tàu Hải Dương Địa Chất 8, một nhóm tàu hải cảnh và tàu cá là có thêm một số lý do khác tôi sẽ lần lượt trả lời trong các câu hỏi phía dưới.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 11/2017 ở Hà Nội

Cắt nghĩa thế nào?

BBC: Động thái này có thể được hiểu thế nào khi trước đó Trung Quốc cũng tiến hành tập trận ở vùng biển khu vực, kể cả việc hải quân Trung Quốc được cho là có những chuyển động ở vùng biển Hoa Đông và gần eo biển Đài Loan v.v… trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc vẫn nói rằng đó là những hoạt động bình thường trong “vùng biển chủ quyền của họ.” Đó là cách biện minh cho mục tiêu tối hậu của họ là độc chiếm Biển Đông, đẩy dần Mỹ ra khỏi nơi đó, và trở thành một lực lượng chủ yếu ở vùng biển chiến lược này. Đó là điều mà ai cũng biết, kể cả Mỹ và các nước nhỏ trong khu vực.

Chiến thuật của Trung Quốc là mềm nắn, rắn buông và lơi dụng thời cơ. Viêc quốc tế và các nước lân cận đang lúng túng đối phó dịch cúm Covid-19 trong khi mối đe dọa dịch cúm giảm đi ở Trung Quốc, cùng môt lúc với sự kiện tầu sân bay của Mỹ bi tê liệt vì Covid-19 và việc cách chức vụng về, vội vã vị tư lệnh hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt gây bất mãn trong hải quân Mỹ đã tạo ra cơ hội ấy.

Nói về lợi dụng thời cơ thì gần đây phái đoàn thường trưc của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc cũng gửi công hàm cho Tổng Thư Ký Liên Hiêp Quốc tái khẳng định phản đối các yêu sách của Trung Quốc, và yêu cầu ông Tổng Thư ký lưu hành công hàm này đến tất cả các thành viên của Công ước Luật biển, cũng như cho tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc.

GS. Ngô Vĩnh Long: Trung Quốc đã và đang lợi dụng việc các quốc gia trong vùng biển Hoa Đông và vùng Biển Đông, mà Trung Quốc gọi là Nam Hải, đang bận chống đại dịch Covid-19 để tăng cường quấy nhiễu và đe doạ. Trung Quốc cũng nghĩ rằng các nước ngoài khu vực cũng đang bị chi phối bởi việc Covid-19 đang hoành hành nên sẽ không có khả năng hay quyết tâm ủng hộ sự phản kháng của Việt Nam hay một số nước khác trong khu vực, chẳn hạn như Philippines.

Riêng đối với Việt Nam thì mặc dầu năm nay là chủ tịch ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á), đại dịch Covid-19 làm Việt Nam mất cơ hội đưa các việc liên quan đến vấn đề Biển Đông, trong đó có việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam đầu tháng Tư này và việc Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 đến khu vực bãi Tư Chính để khám sát hay khảo sát.

Nhiều cuộc họp của ASEAN đã bị hoãn hay bị bãi bỏ.

Bản quyền hình ảnh Ngư dân cung cấp Image caption Tháng 10/2019, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau hơn ba tháng khảo sát ở đây

BBC:Phản ứng của quốc tế và khu vực, kể cả khối Quad, Asean, cũng như Việt Nam, trước các động thái trên của Trung Quốc và hải quân Trung Quốc có thể thấy thế nào theo ông?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Phản ứng chung chung vẫn có của các nước lớn liên hệ, như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Âu châu và Ấn Độ, và môt số nước trong khu vực là những tuyên bố tổng quát về nhu cầu tư do lưu thông hàng hải, hòa bình khu vực, và giải quyết tranh chấp ôn hòa căn cứ trên luật quốc tế.

Riêng đối với vụ viêc này người ta chưa thấy có những phản đối cụ thể, có thể vì nó chưa gây đụng chạm rõ rệt.

Nhưng Việt Nam là nước bị ảnh hưởng trưc tiếp, nên họ phải theo dõi và đề phòng, như họ đang làm. Nêu có đụng chạm như viêc tầu Trung Quốc đâm tầu cá của Việt Nam hồi đầu tháng này thì Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc “khẳng định các yêu sách bất hợp pháp của họ” ở Biển Đông.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

GS. Ngô Vĩnh Long: Việc Việt Nam và một số quốc gia khác trong khối ASEAN cùng tuyên bố chủ quyền biển đảo và việc các nước nầy cùng với các nước ngoài khu vực phản đối các động thái vừa kể trên của Trung Quốc và hải quân Trung Quốc là hai việc khác nhau, tuy có liên quan.

Vấn đề tuyên bố chủ quyền- nhiều hơn hay ít hơn- là các việc riêng giữa các nước ven Biển Đông.

Các nước này sẽ thảo luận và đàm phán những việc nầy giữa họ với nhau và sẽ cần nhiều thời gian để giải quyết.

Nhưng việc họ phản đối hành động của Trung Quốc, đặc biệt là sự lên tiếng của Philippines ủng hộ sự phản đối chính thức của Việt Nam, là một sự kiện rất khích lệ. Tôi nghĩ Việt Nam cần cố gắng vận động các nước trong khu vực và ngoài khu vực hơn nữa, trên lãnh vực ngoại giao chính thống và ngoại giao nhân dân như qua các phương tiện truyền thông đại chúng của trong nước và ngoài nước.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh tháng Tư 2019

Tín hiệu mới ‘đồng thuận’

BBC:Việc cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ nối nhau ra tuyên bố quan ngại sâu sắc hay lên án đích danh hành vi Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam ở vùng biển khu vực phát đi tín hiệu gì và ý nghĩa ra sao?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Đó là tín hiệu mới phản ảnh một sư đồng thuận ở Mỹ về một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc từ áp lực của quân đội, các chiến lược gia và Quốc hội Mỹ, cùng với mâu thuẫn kinh tế – thương mại giữa hai nước được đẩy mạnh lên nhân cơ hội dich cúm Covid-19 trùng hợp với nhu cầu đổ tội cho người khác của Tông thống Donald Trump.

GS. Ngô Vĩnh Long: Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Mỹ vẫn có những tuyên bố “quan ngại sâu sắc,” như Việt Nam cũng đã từng tuyên bố như thế.

Nhưng hành động thiết thực như thế nào là chuyện khác.

Dưới chính quyền Trump thì khó mong Bộ Ngoại Giao Mỹ hay Nhà Trắng làm gì hơn là những tuyên bố như thế.

Tuy nhiên phải công nhận là Việt Nam đã làm tốt trong việc tăng cường quan hệ với Bộ Quốc Phòng Mỹ vì, dầu sao đi nữa, thì an ninh của Mỹ cũng như ý nguyện cố gắng giữ vài trò siêu cường của Mỹ (nếu không nói là Make America Great Again của Tổng Thống Trump) cần Mỹ duy trì sức mạnh của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Trong đó Việt Nam là nước có vị trí địa chính trị quan trọng nhất trong khu vực Biển Đông, đặc biệt trong việc hổ trợ khối Quad.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Việt Nam đang mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ

Xấu đi hay tốt lên?

BBC:Có thể dự đoán gì về tình hình Biển Đông từ nay tới cuối năm, cũng như trong trung hạn? Liệu tình hình sẽ xấu đi, căng thẳng leo thang hay sẽ có thể diễn tiến theo kịch bản nào? Đặc biệt Mỹ và các cường quốc khác có thể sẽ có động thái đối phó đáng kể gì trước Trung Quốc?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Xấu đi hay tốt hơn tùy thuôc hai yếu tố chính: thời cơ và tương quan lưc lượng trong khu vực.

Mục tiêu tối hậu của Trung Quốc không thay đổi, nhưng việc thực hiên mục tiêu đó tùy thuộc vào sự tính toán về thời cơ của Trung Quốc. Thời cơ này tùy thuộc những biến chuyển nhất thời, như đại dịch Covid-19, và sự thay đổi trong cán cân lực lượng.

Các nước nhỏ trong khu vực phải nương theo chiều gió để bảo vệ quyền lợi và chủ quyền của mình.

Họ muốn có một thế quân bình lực lượng giữa Trung Quốc một bên, với Mỹ và đồng minh của Mỹ, bên kia. Họ không muốn khả năng và cam kết của Mỹ trong khu vực bi suy yếu vì các chính trị gia Mỹ phải lo chống đối với đại dịch, vực dậy kinh tế trong nước, và nhu cầu tranh cử năm 2020.

Nếu vì những lý do này, thế của Mỹ xuống thì thế của Trung Quốc sẽ lên, và áp lưc của Trung Quốc đối với các nước nhỏ trong khu vực sẽ gia tăng. Đó là mối lo của các nước này.

GS. Ngô Vĩnh Long: Trung Quốc thì cứ tiếp tục xiết, như một con trăn.

Nhưng tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ leo thang đến nỗi có xung đột trên Biển Đông nếu một số nước có thái độ cứng rắn hơn như những phản ứng vừa qua của Philippines, Indonesia, và Malaysia.

Trung Quốc càng tăng cường đe doạ thì Việt Nam, đặc biệt là đang có vai trò quan trọng hơn trong ASEAN vài tại Liên Hiệp Quốc, nên cố gắng hơn trong các hoạt động đưa Trung Quốc ra trước toà án công luận quốc tế.

Mỹ và các cường quốc khác sẽ bắt buộc có những động thái đáng kể hơn hiện nay khi có áp lực quốc tế và khi dân chúng họ hiểu là an ninh của nước họ cần có sự ủng hộ của nhân dân thế giới.

BBC: Sau đại dịch Covid-19, nhận thức của quốc tế và khu vực, phương Tây trước Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trên Biển Đông, có thể có thay đổi đáng kể, căn bản nào không về mặt an ninh, quân sự? Tác động, hệ lụy của các điều chỉnh chiến lược đó, nếu có, là gì?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Nói chung và trong trường kỳ, dài hạn, thế giới phải đối phó với “thách thức Trung Quốc” và sự thay đổi đang xảy ra trong trật tư thế giới (world order), ai lên ai xuống, bắt nguồn từ sư cạnh tranh chiến lươc giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong đoản kỳ hay ngắn hạn, trước mắt đại dịch Covid-19 làm nước nào cũng phải đối phó cùng một lúc hai vấn đề: an toàn sức khỏe của dân chúng và phục hồi kinh tế quốc gia. Nước nào làm tốt hai vấn đề này sẽ có thế thượng phong.

Trong khi việc giải quyết hai vấn đề ấy, cần sự cộng tác và phối hợp của nhiều nước, thì mối lo trước mắt phải đối phó với Covid-19 khiến nhiều nước chú tâm đến việc giải quyết vấn đề trong nước mà không có khả năng lưu tâm đến những biến chuyển xảy ra ngoài nước. Điều này có lợi cho những nước có tham vọng bành trướng ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đại nạn cúm cũng làm suy yếu vị thế của Mỹ, không những về kinh tế mà còn về khả năng lãnh đạo hướng đến việc tạo ra một trật tự thế giới phản ánh giá trị nhân bản Tây phương. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ đứng ra lãnh đạo và đoàn kết khối được gọi là “Thế giới Tự do” xây dựng lại nền kinh tế và xã hội đổ nát ở Âu Châu, chống bành trướng cộng sản. Mỹ có lợi nhưng cũng phải hy sinh nhiều.

Với chính sách “Mỹ trên hết” (America First), Mỹ đã gây nghi kỵ, làm mất cảm tình, và làm suy yếu trầm trọng các liên minh hậu chiên, và hạ thấp “quyền lực mềm” (soft power) của Mỹ. Cộng với sức mạnh kinh tế, liên minh quân sư và quyền lực mềm của Mỹ vốn dĩ là căn bản tạo nên môt trật tự thế giới hậu chiến khiến cho không những chỉ riêng các quốc gia Tây phương, mà còn nhiều nước khác đươc sống thoải mái.

Cán cân lực luợng và trật tự thế giới đang thay đổi và đang cần sư lãnh đạo và phối hợp của Mỹ để giải quyết các mối quan tâm chung, như biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế và các thách thức của Trung Quốc. Thiếu sự lãnh đạo và phối hợp này, thế giới sẽ chia ra nhiều khối để đoàn kết, tự bảo vệ, và thích ứng thách thức của Trung Quốc.

Đó là mối lo của những nuớc không muốn sống dưới môt trật tự thế giới mới do Trung Quốc lãnh đạo mà tiếng Anh gọi là Chinese World Order.

GS. Ngô Vĩnh Long: Như đã đề cập ở trên, đại dịch Covid-19, đang thay đổi nhận thức quốc tế và khu vực về vai trò của Trung Quốc cũng như của Việt Nam.

Chưa biết có thay đổi gì lớn trong việc điều chỉnh chiến lược về mặt an ninh, quân sự tại khu vực Ấn-Thái Bình Dương hay không.

Nhưng rõ ràng là Việt Nam đang có cơ hội củng cố địa vị của mình trong khu vực cũng như đối với các nước ven Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới