Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDấu ấn cá nhân của ông Duterte trong điều chỉnh chính sách...

Dấu ấn cá nhân của ông Duterte trong điều chỉnh chính sách đối ngoại của Philippinesvà những hệ lụy

Kể từ khi lên nắm giữ chiếc ghế Tổng thống đầy quyền lực ở Philippines và trở thành người đứng đầu quốc gia, ông Rodrigo Duterte, với những tính cách cá nhân “không giống ai” và quan điểm chính trị khá “dị biệt” so với quan điểm chung của giới tinh hoa chính trị Philippines, đã “xoay chuyển” nhanh đến “chóng mặt” chính sách đối ngoại của Manila.

Theo ông Duterte, một chính sách đối ngoại “độc lập” có nghĩa là có thể duy trì các mối quan hệ tốt với mọi quốc gia lớn và không đứng hẳn về phía một cường quốc bất kỳ để chống lại một cường quốc khác. Vì thế, ông đã “lèo lái” bộ máy dưới quyền mình phá bỏ vai trò lâu nay của quốc đảo Tây Thái Bình Dương trong việc phản đối mạnh mẽ các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời giảm thiểu hợp tác an ninh với đồng minh lâu nay của mình là Hoa Kỳ. Có thể thấy, chính sách đối ngoại của Philippines trong 4 năm qua mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Duteter và chính sách đó có thể tiềm ẩn đầy “bất trắc”.

Ngay từ khi chưa trở thành Tổng thống của Philippines, tức là còn đang trong quá trình tranh cử Tổng thống, ông Duteter đã “bóng gió” với Trung Quốc rằng: “Nếu các ông xây dựng cho tôi một tuyến đường sắt bao quanh Mindanao, hay một tuyến đường sắt từ Manila đến Bicol… một tuyến đến Batangas, thì trong 6 năm làm Tổng thống, tôi sẽ giữ im lặng về các tranh chấp trên Biển Đông”. Đến khi kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV-9 (sau được đổi tên thành CGTN – mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc) phỏng vấn hai ứng cử viên Tổng thống Philippines đang dẫn đầu cuộc tranh cử khi đó là Thượng nghị sĩ Grace Poe-Llamanzares và Thị trưởng thành phố Davao Duterte, ông Duteter đã một lần nữa “đánh tiếng” nhắc lại yêu cầu của mình rằng, điều tôi cần từ Trung Quốc là giúp phát triển đất nước, đổi lại, tôi sẽ giảm bớt hợp tác an ninh với Mỹ.

Nói là làm, sau khi trở thành Tổng thống Philippines, ông Duterte đã cho dừng tất cả những chính sách của người tiền nhiệm là ông Benigno Aquino III, đặt sang một bên phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) về vụ kiện Trung Quốc của Philippines liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông mà phần thắng thuộc về Philippines để theo đuổi mối quan hệ “nồng ấm” hơn với Bắc Kinh, hy vọng giành được từ gã “khổng lồ” phương Bắc những đồng Đô-la càng nhiều càng tốt để phát triển đất nước. Không những thế, ông Duterte còn “tung hô” Trung Quốc hết lời, công khai thể hiện tình cảm quý mến của mình đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mô tả Bắc Kinh như là người bảo vệ của Philippines, thậm chí còn “mạnh mồm” kêu gọi những nước nhỏ hơn hãy “ngoan ngoãn” và “khiêm nhường” để đổi lấy lòng “nhân từ” của Trung Quốc.

Ông Duterte đã “bật đèn xanh” cho các cấp dưới quyền ở Manila mở lại các kênh truyền thông với Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào các đồng minh truyền thống. Trên thực tế, Philippines đã bắt đầu áp dụng một chính sách đối ngoại “cân bằng” trong quan hệ với các nước lớn, không quá khác biệt so với cách tiếp cận phòng bị nước đôi của các quốc gia cũng đang có tranh chấp ở Biển Đông, như Malaysia chẳng hạn, nhưng thực dụng hơn nhiều.

Với sự “tôn trọng” giành cho Trung Quốc kể trên của ông Duterte, giới chức chính quyền Manila “được lệnh” phải bảo đảm với Bắc Kinh rằng, những tranh chấp ở Biển Đông không trở thành yếu tố quyết định trong tổng thể các mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Giữa lúc ông Duterte nhìn nhận Trung Quốc là một đối tác quan trọng cho sự phát triển của quốc gia và hy vọng có thể phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại tại những vùng ngoại vi của Philippines, đặc biệt là tại quê hương của ông là hòn đảo Mindanao, thì Trung Quốc cũng rất “nhanh nhạy” nhận thấy sự xa cách ngày càng tăng giữa ông Duterte và chính quyền của ông với những đối tác truyền thống ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Philippines ngay lập tức được xem là “người bạn thân” mới của Trung Quốc và Bắc Kinh đã khôn khéo thể hiện mình là người “bảo trợ chiến lược đáng tin cậy” cho Philippines, có thể hỗ trợ đầy đủ về mặt ngoại giao trên nhiều diễn đàn cho “cuộc chiến” chống ma túy đầy tranh cãi mà ông Duteter đang tiến hành, đặc biệt là ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Đồng thời, Trung Quốc đề nghị xây dựng những trung tâm cai nghiện ma túy lớn tại Philippines cũng như cam kết sẽ đầu tư nhiều tỷ USD vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở quốc đảo này.

Cuộc “tấn công” và những cam kết đầu tư “hấp dẫn” của Trung Quốc đã được “đền đáp” xứng đáng khi vào năm 2017, ông Duterte đã tận dụng vị trí Chủ tịch nhiệm kỳ của ASEAN để bảo vệ Bắc Kinh trước những lời lẽ lên án, chỉ trích họ về các hoạt động “cưỡng ép” ở Biển Đông. Thậm chí, ông Duterte còn làm cho Bắc Kinh rất hài lòng khi đích thân nói với các cường quốc ngoài khu vực rằng, “những tranh chấp ở Biển Đông, tốt hơn hết là không nên động đến”, đồng thời từ chối nêu phán quyết của PCA về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trên bất kỳ diễn đàn đa phương nào. Sự “ve vãn” chiến lược mà ông Duterte giành cho Trung Quốc lên tới đỉnh điểm khi ông còn “lấp lửng” nói rằng, Philippines sẽ sớm trở thành “một tỉnh của Trung Quốc”.

Đáng quan tâm hơn, Tổng thống Philippines dường như cũng đã toan tính đến việc “cho phép” Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận quân sự tại các căn cứ không quân và cảng ở Davao, bất chấp giữa hai nước không hề có bất kỳ thỏa thuận quốc phòng chính thức nào.

Chính quyền Duterte cũng triển khai nhiều bước đi thúc đẩy Thỏa thuận “Phát triển chung” với Trung Quốc ở Biển Đông, ngay cả khi điều này có thể dẫn tới việc “hợp pháp hóa” các tuyên bố về “đường chín khúc” của Bắc Kinh và loại bỏ vĩnh viễn phán quyết của PCA tuyên bố bác bỏ đường này năm 2016. Trên thực tế, ông Duterte không chỉ đang mạo hiểm vi phạm Hiến pháp Philippines, văn bản đã ngăn cấm các thỏa thuận phát triển chung trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia, mà còn coi thường cả phán quyết của PCA.

Tuy nhiên, ông Duterte không phải là đại diện tiếng nói chung của toàn bộ người dân Philippines và đằng sau những lời nói hoa mỹ, khoa trương của ông về tương lai của đất nước, nhiều trung tâm quyền lực khác, nhiều giai tầng xã hội và nhất là giới lãnh đạo quốc phòng, các chính khách nổi tiếng, giới truyền thông, các nhóm xã hội dân sự và người dân ở Philippines đã và đang tranh luận, bất bình và phản ứng dữ dội trên diện rộng đối với chính sách hòa hoãn “thân” Trung Quốc của ông. Trong số đó, góp phần quan trọng không kém và thể hiện vai trò đi đầu là Phó Tổng thống Leni Robredo và quyền Thẩm phán Tòa án tối cao Antonio Carpio trong việc tập hợp dân chúng “chống” lại chính sách Biển Đông của ông Duterte trong quan hệ với Bắc Kinh. Cựu Tổng thống Benigno Aquino III cũng đã chính thức tham gia vào hàng ngũ những người phản đối khi liên tục chỉ trích người kế nhiệm của mình đã thực hiện chính sách bị coi là “từ bỏ những tuyên bố chủ quyền thiêng liêng của quốc gia, dân tộc ở Biển Đông”. Đặc biệt, giới tướng lĩnh quân sự, quốc phòng Philippines đã cố gắng “xoay xở” để bảo vệ những nền tảng hợp tác quân sự toàn diện với Washington, trong khi vẫn tiếp tục giám sát và phản đối sự hiện diện đang gia tăng của Trung Quốc trên khắp vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Các phương tiện truyền thông chính thống, cũng như các nhà hoạch định chính sách nổi tiếng của Philippines đã nhấn mạnh những mối đe dọa của Trung Quốc đối với lợi ích của Philippines trong khu vực, đồng thời cảnh báo những lo ngại về rủi ro “bẫy nợ” trước các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc cho nước này. Trong khi đó, trên thực tế thì “hầu bao” của Bắc Kinh hầu như chưa mở. Những hứa hẹn của ông Duterte về một đất nước Philippines “cất cánh” và cuộc sống sung túc cho người dân vẫn “mờ mịt” và có nguy cơ trở thành “hươu, vượn”. Ông Duterte đã khá thất vọng khi Trung Quốc vẫn chưa thực hiện được một hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng cụ thể đáng chú ý nào ở Philippines để những “viễn cảnh” mà ông vẽ ra được chứng thực. Ngược lại, những hành vi quấy rối của Trung Quốc đối với ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough, ở xung quanh đảo Thị Tứ… cũng như các hành vi khác là nguồn cơn thường trực gây nên bất bình và thù địch trong cộng đồng dân chúng Philippines vẫn diễn ra. Các cuộc khảo sát hàng đầu gần đây cho thấy, hơn 73% người dân Philippines muốn Tổng thống Duteter khẳng định quyền chủ quyền của quốc gia trước Trung Quốc dựa trên phán quyết của PCA năm 2016, trong khi gần như 9/10 người được hỏi đều muốn ông Duterte nắm lại quyền kiểm soát các đảo, bãi của đất nước bị Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông như bãi cạn Scarborough và Đá Vành Khăn.

Trong sự phản kháng đó, điều quan trọng nhất và cũng “nguy hiểm” nhất đối với ông Duterte là sự “bất tuân” của Lực lượng vũ trang Philippines, lực lượng đóng vai trò “nòng cốt” quyết định cho sự ổn định của bất cứ một chính thể nào ở Philippines. Những người đứng đầu và có trách nhiệm của lực lượng này đã công khai nhấn mạnh “các nghĩa vụ theo hiến pháp” của mình để bảo vệ quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia ở Biển Đông, công khai kêu gọi chính quyền có lập trường kiên quyết và “cứng rắn” hơn trong các tranh chấp. Và trong một số trường hợp, lực lượng này cũng cung cấp thông tin về việc Trung Quốc đe dọa chủ quyền của Philippines tới truyền thông và các thành viên của phe đối lập ở Philippines để các lực lượng này cùng hợp lực chống lại chính sách “thân” Trung Quốc của ông Duteter. Mặt khác, giới chức quân đội nước này cũng từng bước tái thiết hợp tác quốc phòng với Washington, gia tăng số lượng quân nhân tham gia cuộc diễn tập Balikatan thường niên giữa hai nước từ 5.000 người lên tới 8.000 người, cũng như khôi phục các cuộc tập trận với Hoa Kỳ ở Biển Đông trong năm 2019 cho dù ông Duteter đang có xu hướng “xa” Mỹ.

Hệ lụy của chính sách đối ngoại mang đầy tính tranh cãi này là chính quyền của ông Duterte buộc phải có sự “hiệu chỉnh” lại quan hệ với Trung Quốc để “xoa dịu” và ngăn ngừa phản ứng dữ dội ở trong nước. Cụ thể, trong chuyến thăm lần thứ 5 tới Trung Quốc hồi tháng 9/2019, ông Duteter đã chủ động nhắc lại phán quyết của PCA năm 2016. Tất nhiên là Bắc Kinh không thừa nhận và nó cũng không phải là chủ đề chính trong chuyến thăm này. Trong bối cảnh đó, “tông giọng” của ông Duterte gần đây đối với Trung Quốc cũng có thay đổi chút ít khi không chỉ cho rằng, cường quốc châu Á này “tạo ra những hòn đảo rồi tuyên bố chủ quyền với vùng biển xung quanh các thực thể này”, mà còn “khiển trách” Bắc Kinh vì “những lời nói khó chịu” và sự quấy rối của tàu thuyền nước này đối với các hoạt động tuần tra bình thường của lực lượng chức năng Philippines ở Biển Đông.

Mặc dù vẫn còn khá nổi tiếng và chưa bị Tòa án Hiến pháp Philippines “sờ đến”, nhưng ông Duterte không đủ quyền lực để một mình đơn phương quyết định chính sách Biển Đông của quốc gia. Trong tháng 02/2020 vừa qua, ông Duterte đã tuyên bố hủy bỏ Thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) với Mỹ, động thái cho thấy ông ta dấn thêm một bước “xa Mỹ, gần Trung Quốc” hơn. Tuy nhiên, vốn là con người của chủ nghĩa dân túy, thực dụng, nên sự thay đổi của ông Duteter trong chính sách đối với Trung Quốc cũng rất có thể sẽ xảy ra nếu như chính sách này không mang lại hiệu quả và khi Trung Quốc có những hành động vượt quá “giới hạn đỏ”. Mặt khác, việc đẩy mạnh “hợp tác” với Trung Quốc, nhất là ở Biển Đông, trước mắt có thể đem đến cho chính quyền Duteter ít nhiều lợi ích, nhưng đằng sau đó đang ẩn chứa nhiều “hiểm họa” khó lường đối với Manila, nhất là đối với chủ quyền, an ninh quốc gia… nên ông Duterte không thể không suy nghĩ và tính toán lại chính sách “thân” Trung Quốc của mình, một chính sách đang gây ra nhiều tranh cãi ở nước này, đó là chưa kể đến sự phản ứng ngày càng tăng của nhiều lực lượng khác trong nội bộ Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới