Một năm sau khi lên cầm quyền ở Mỹ, tháng 11/2017, Tổng thống Donald Trump có chuyến công du đầu tiên tới 5 nước châu Á và trên trang Twitter của mình, ông bày tỏ sự vinh hạnh được hiện diện tại trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Sau đó, tháng 12/2017, Mỹ công bố Chiến lược an ninh quốc gia (NSS), tháng 01/2018, công bố tiếp Chiến lược quốc phòng (NDS). Cùng năm 2018, Mỹ đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời chỉ rõ Ấn Độ là một đối tác quốc phòng quan trọng của Washington. Những động thái trên đã phát đi tín hiệu về sự hình thành chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ, trong đó Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương, bao gồm cả các nước ven đại dương này, được xem như là đương nhiên có sự phụ thuộc lẫn nhau về địa lý và chính trị với phần còn lại của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều quan trọng hơn nữa là, Mỹ giờ đây chính thức coi Ấn Độ là bên tham gia chủ chốt trong một khu vực địa chiến lược mở rộng của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Liệu rằng việc Mỹ nghiêng về cách tiếp cận toàn diện hơn đối với khu vực, trong đó có sự xem trọng vai trò tham gia của Ấn Độ và việc tổ chức lại Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington sẽ có thể giúp họ liên kết chính sách với Ấn Độ đến mức độ nào để đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng có nhiều hành vi bị coi là gây bất ổn tại khu vực.
Đầu tiên phải thấy rằng, quan hệ Mỹ – Ấn đang ngày càng phát triển, nhất là trên lĩnh vực quốc phòng. Tháng 7/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã tuyên bố với các thành viên Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ rằng, mục tiêu tổng thể của Mỹ là củng cố mối quan hệ “đối tác chiến lược” lâu dài dựa trên nền tảng là sự hợp tác quốc phòng mạnh mẽ với một Quân đội Ấn Độ có khả năng phối hợp hiệu quả với Mỹ nhằm giải quyết những mối quan tâm chung trong khu vực. Điều ông Mark Esper nói không phải không có cơ sở vì chỉ trong vài năm qua, kim ngạch thương mại quân sự song phương giữa Mỹ và Ấn Độ đã gia tăng đáng kể, trong đó chủng loại và số lượng trang thiết bị phòng thủ quân sự Ấn Độ đặt mua của Mỹ đã tăng gấp bội. Mỹ trở thành nước cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ấn Độ. Cùng với đó, giao lưu quân sự cũng được đẩy lên, các cơ quan tham mưu Quân đội Mỹ, Ấn thường xuyên gặp nhau. Hai bên cùng triển khai tiến hành đàm phán các thỏa thuận hợp tác quốc phòng và hai trong số các thỏa thuận đó đã được ký kết. Những phát triển tích cực của mối quan hệ hợp tác quân sự Mỹ – Ấn khiến nhiều người đã vội dự báo sớm rằng, quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ trong tương lai có thể phát triển thành liên minh chính thức, bất chấp việc Ấn Độ đã từng tham gia và là thành viên phong trào không liên kết; bất chấp việc trong quá khứ Mỹ từng hỗ trợ cho Pakistan và Ấn Độ từng trông cậy vào Moskva để có được các vũ khí tiên tiến. Không rõ những dự báo đó có chính xác không, nhưng có thể khẳng định, chừng nào Ấn Độ vẫn tiếp tục nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, trở thành đối tác quốc phòng đáng tin cậy thông qua sự kết hợp giữa hoạt động mua bán vũ khí với các cuộc tập trận chung với hai quốc gia này, thì chừng đó, mối quan hệ Mỹ – Ấn sẽ tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực.
Theo một diễn biến khác, người ta cũng nhận thấy Ấn Độ ngày càng tỏ ra thiện chí và sẵn sàng hợp tác với Tổ chức hợp tác và phát triển (OECD) thúc đẩy các hợp đồng lao động và các dự án đầu tư kinh tế, mở đường cho việc hình thành thêm nhiều mối liên kết chặt chẽ hơn về kinh tế giữa Ấn Độ với Mỹ. Cuối cùng, không thể phủ nhận mối liên hệ ngày càng mật thiết được hình thành trong lĩnh vực công nghệ giữa Mỹ và Ấn Độ. Theo tính toán của giới chuyên gia kinh tế Mỹ, có tới 47% số lao động mới trong ngành công nghệ đến Mỹ làm việc là người Ấn Độ. Những mối liên hệ này đã chứng tỏ quy mô rộng lớn của mối quan hệ nhiều mặt giữa Mỹ và Ấn Độ.
Việc Ấn Độ cùng Mỹ tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với nhau trong một thế giới mà xu thế toàn cầu hóa đóng vai trò chủ đạo không có gì đáng ngạc nhiên. Song, còn có một lý do rất cơ bản khác thúc đẩy quốc gia Nam Á khổng lồ này tăng cường quan hệ với Mỹ, đó là yếu tố Trung Quốc, đặc biệt là từ khi Bắc Kinh triển khai sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) ra toàn thế giới. Tham vọng và những bước đi đầy quyết đoán của Trung Quốc khi tìm cách chế ngự những “Chuỗi ngọc trai” ven biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương đã khiến Ấn Độ ngày càng cảm thấy “bất an” trước chính sách của Bắc Kinh vì lo sợ rằng, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Đông Phi, Pakistan và Sri Lanka sẽ dẫn đến sự bao vây chiến lược trên biển đối với Ấn Độ. Giới hoạch định chính sách của Ấn Độ không thể không lo lắng về khả năng nước này phải đương đầu với chiến tranh xảy ra trên hai mặt trận với sự tham gia của Pakistan và Trung Quốc, vì giữa hai nước này lâu nay có sự gắn kết chặt chẽ về quân sự, kinh tế và chính trị. Trong quá khứ, Trung Quốc đã từng hậu thuẫn Pakistan đương đầu với Ấn Độ. Ngày nay, Bắc Kinh đang tăng cường hợp tác hàng hải với Pakistan và tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung với nước này. Trung Quốc cũng đang là nhà cung cấp chủ lực trang bị vũ khí cho quân đội Pakistan, trong đó có cả tàu chiến và các hệ thống điều hướng tinh vi. New Delhi cho rằng, liên minh chiến lược giữa Pakistan và Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang “làm ngơ” để Islamabad tài trợ cho các cuộc tấn công khủng bố và hỗ trợ vũ trang cho cả quân đội Pakistan lẫn các tổ chức “thánh chiến” ở khu vực thung lũng Kashmir. Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), một trụ cột then chốt trong BRI của Trung Quốc với giá trị hơn 50 tỷ USD, từ lâu đã khiến Ấn Độ quan ngại về nguy cơ bị bao vây kinh tế và quân sự. Thêm vào đó, việc gần đây Công ty cổ phần cảng nước ngoài Trung Quốc xây dựng cảng Gwadar, nhiều khả năng là một cảng thương mại – quân sự kết hợp theo hợp đồng cho thuê với thời hạn 40 năm được ký kết với Chính phủ Pakistan, đã làm gia tăng những quan ngại của Hải quânẤn Độ. Bởi sự hiện diện “nhỡn tiền” của một căn cứ Hải quân Trung Quốc ngay tại “sân sau” của New Delhi sẽ dẫn tới khả năng Bắc Kinh có thể can thiệp vào hoạt động nhập khẩu năng lượng của Ấn Độ từ vịnh Persia. Tương tự, quyết định gần đây của Sri Lanka về việc bàn giao cảng Hambantota rộng hơn 4.000m2 cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sử dụng, do các quan chức quản lý cảng biển này của Sri Lanka không thể trả vốn vay cho các bên cho vay của Trung Quốc đã càng làm chồng chất thêm mối quan ngại rằng, nguy cơ Ấn Độ bị bao vây không chỉ giới hạn phạm vi từ hướng Pakistan.
Trong các cuộc tham vấn lẫn nhau về an ninh khu vực, các quan chức an ninh của cả Mỹ lẫn Ấn Độ đều nhất trí rằng, mô hình đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc ở Nam Á và nhiều khu vực khác như Bắc Cực, Nam Thái Bình Dương, châu Phi và Nam Mỹ là đáng lo ngại. Tại Đối thoại Shangri-La 2018, khi thảo luận về chủ đề Biển Đông, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và mang tính bao trùm, cũng như một trật tự chung dựa trên các quy tắc. Đây chắc chắn là lời ám chỉ tương đối rõ ràng về những động thái của Trung Quốc nhằm mở rộng quyền tài phán của nước này ở Biển Đông, xây dựng các đảo nhân tạo và làm suy yếu các tổ chức trong khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) cũng như những nỗ lực của nước này khuếch trương thanh thế ở vùng biển Andaman.Trong khi trên lĩnh vực kinh tế, bất chấp quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa Mỹ và Ấn Độ còn non trẻ, nhưng họ có thể tìm kiếm điểm đồng để tương hỗ lẫn nhau trong việc đối đầu với những mô hình đầu tư hiện nay của Trung Quốc trong khuôn khổ BRI. Cả Washington và New Delhi đều coi BRI là một chương trình có ý đồ xấu và đi ngược lại thiện chí trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Vấn đề đặt ra là, từ mối quan hệ Mỹ – Ấn đang phát triển như đã nêu trên, liệu hai nước này nên làm gì để có thể phá vỡ thế bế tắc về pháp lý hiện nay ở Biển Đông.
Xuất phát từ việc Ấn Độ là một bên trung lập có lợi ích trong việc thúc đẩy một trật tự dựa trên quy tắc ở Biển Đông, cũng như trong việc duy trì uy tín của một nước lớn vì họ từng áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) để giải quyết những bất đồng giữa họ và Bangladesh ở vịnh Bengal. Do đó, như một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn của mình, Mỹ có thể đề nghị Ấn Độ đóng vai trò trung gian dẫn dắt các nỗ lực hình thành các hiệp ước giúp thiết lập một trật tự dựa trên quy tắc ở Biển Đông. Có thể tính tới các kiểu hiệp ước sau đây:
Kiểu hiệp ước thứ nhất sẽ là một kế hoạch nhằm gạt sang một bên các tuyên bố chủ quyền và tạo điều kiện cho sự phát triển chung. Hiệp ước này sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực Biển Đông mà các bên tham gia sẽ là Trung Quốc và các nước có tuyên bố chủ quyền chính ở Biển Đông, bắt đầu từ quần đảo Trường Sa. Việc làm trung gian cho một kế hoạch như vậy sẽ giúp Ấn Độ nhận được sự tán dương của cộng đồng quốc tế và làm gia tăng uy tín của họ trên khắp khu vực. Hiện nay, kim ngạch thương mại song phương Trung – Ấn đang gia tăng và đạt mức cao lịch sử là 84,4 tỷ USD trong năm 2017. Xét tới tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại này, Mỹ có thể cần phải khuyến khích Ấn Độ có cách tiếp cận tế nhị với Trung Quốc nhằm thuyết phục nước này rằng, một kế hoạch phát triển chung sẽ cải thiện đáng kể vị thế của Trung Quốc trong khu vực và mở ra nhiều cơ hội kinh tế hơn cho Trung Quốc trong dài hạn.
Kiểu hiệp ước thứ hai mà Washington và New Delhi có thể đề xuất với Bắc Kinh là biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) trong khuôn khổ đa phương nhằm giảm bớt căng thẳng và mở đường cho việc thiết lập trật tự dựa trên quy tắc ở Biển Đông. CBM này có thể bao gồm việc thông báo trước về các cuộc tập trận quy mô lớn, giảm bớt việc “thổi phồng” những khẳng định về quyền tự do hàng hải để đổi lấy việc phi quân sự hóa và loại bỏ vũ khí tấn công được bố trí trên các cấu trúc địa hình ở Biển Đông. Việc thúc đẩy xây dựng lòng tin ở cấp độ chiến lược giữa Trung Quốc và các nước trong nhóm “Bộ tứ” bao gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc dường như là một sự phát triển hợp lý vì cả 5 nước này đều hoạt động quân sự ở Biển Đông và có lợi ích chung trong việc giảm căng thẳng trong khu vực. Một CBM như vậy có thể tạo điều kiện thuận lợi cho thỏa thuận phát triển chung được đề cập ở trên và có thể tăng cường sự hiểu biết chung về các quyền và lợi ích khác nhau trong UNCLOS. Một CBM lấy “Bộ tứ” làm cơ sở cũng sẽ phát đi tín hiệu rằng, các bên tham gia chủ chốt trên biển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cùng hướng tới mục tiêu yêu cầu Trung Quốc phải có cách hành xử phù hợp với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, vốn được nhiều nước chấp nhận. Đồng nghĩa rằng, việc các nước lớn cùng tham gia thực hiện CBM sẽ góp phần trấn an Bắc Kinh về sự hoạt động gần bờ biển Trung Quốc của các cường quốc hàng hải sẽ chuyên nghiệp, có thể dự đoán và vô hại, không khiến nước này cảm thấy bị đe dọa.Đương nhiên, việc đề xuất xây dựng CBM cần được quan tâm sâu sát để đảm bảo rằng, biện pháp này không làm suy yếu các quyền hàng hải và hàng không truyền thống trong UNCLOS. Ngay cả việc áp dụng dạng thức “Bộ tứ” gắn với CBM cũng phải đảm bảo tất cả các bên tham gia chủ chốt đều nghiêm túc cam kết với một trật tự dựa trên quy tắc trên biển, giúp thúc đẩy sự ổn định và an ninh khu vực.
Triển vọng cho việc tiến tới hình thành một trong những kiểu hiệp ước kể trên sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng trong đó phải kể đến: 1/ Khả năng Washington giành được sự ủng hộ của New Delhi. Nếu hai nước thảo luận nhất trí với nhau về các mục tiêu và chính sách chung, thì sau đó là việc lựa chọn các cách tiếp cận với Trung Quốc của Mỹ để gửi tới Bắc Kinh một tín hiệu rõ ràng rằng, nước này cần điều chỉnh chính sách của mình ở Biển Đông để bảo vệ và duy trì các mối quan hệ thương mại song phương. 2/ Việc sử dụng “Bộ tứ” cùng chung tay để khôi phục trật tự ở Biển Đông. Nếu cả Ấn Độ lẫn Mỹ đều tích cực thuyết phục các nước còn lại, sẽ mở đường cho một thỏa thuận phát triển chung toàn diện hoặc một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu quả.
Mỹ luôn khẳng định là quốc gia châu Á – Thái Bình Dương và có lợi ích thiết thân, đặc biệt là lợi ích thương mại và quân sự trong việc duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không ở các đại dương trên thế giới, trong đó có Biển Đông. Còn Ấn Độ thì mong muốn Ấn Độ Dương không vì những bất trắc xảy ra ở Biển Đông mà “cháy thành vạ lây” và sâu xa hơn là ảnh hưởng đến chính sách “Hành động hướng đông”. Vì vậy, cả Mỹ và Ấn Độ cần thiết hợp tác với nhau, cân nhắc những đề xuất nêu trên để có thể phá vỡ thế bế tắc về pháp lý ở Biển Đông hiện nay.