Thursday, November 14, 2024
Trang chủĐàm luậnMỹ cảnh báo thói bắt nạt của TQ, điều hai tàu chiến...

Mỹ cảnh báo thói bắt nạt của TQ, điều hai tàu chiến ra biển Đông

Hải quân Mỹ ngày 21-4 xác nhận đã điều hai tàu chiến ra Biển Đông, trong khi nguồn tin của Reuters nói các tàu này hoạt động gần khu vực được cho là diễn ra sự “đối đầu” giữa Trung Quốc và Malaysia.

Theo giới quan sát, đây được xem là thông điệp cảnh báo gửi đến Bắc Kinh.

Bà Nicole Schwegman, người phát ngôn Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, ngày 21-4 cho biết tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được triển khai ở Biển Đông.

“Thông qua sự hiện diện liên tục ở Biển Đông, chúng tôi đang nỗ lực… thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và nguyên tắc quốc tế vốn làm nền tảng an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

Mỹ ủng hộ các nỗ lực của đồng minh và đối tác trong việc quyết định lợi ích kinh tế của riêng mình”, bà Schwegman viết trong một tuyên bố bằng email gửi Reuters.

Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 21-4 trả lời báo chí về thông tin gần đây liên quan đến tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN.

Chạm “lằn ranh đỏ” của Mỹ?

Trong khi đó, chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tác chiến viễn chinh USS America, nói với Reuters rằng lực lượng của ông đã liên lạc với hải quân Trung Quốc ở Biển Đông trong tuần này. 

Ông Kacher nói: “Mọi tương tác của chúng tôi tiếp tục được thực hiện an toàn và chuyên nghiệp với Trung Quốc”.

Ông Kacher không nói chính xác vị trí các tàu Mỹ đang hoạt động, nhưng các nguồn tin an ninh cho rằng tàu Mỹ đang gần khu vực tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc và tàu khoan West Capella của Petronas, do Công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành.

Hồi tuần trước, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 đã bị phát hiện tiến hành khảo sát gần khu vực tàu thăm dò của Petronas đang hoạt động. Đây là đợt khảo sát giống với những gì Trung Quốc đã làm ở vùng biển Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi năm 2019.

Dù các bên đến nay chưa xác nhận vụ “đối đầu” nêu trên, đã xuất hiện những phản ứng từ Mỹ. Trước tuyên bố xác nhận điều 2 tàu chiến ra Biển Đông của bà Nicole Schwegman, ngày 18-4 Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về thông tin xung quanh “hành động khiêu khích” của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông.

“Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt, đồng thời tránh dấn vào các loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này”, Bộ Ngoại giao Mỹ viết trong email trả lời câu hỏi của Reuters về việc tàu Hải Dương địa chất 8 hiện diện gần tàu khoan Malaysia.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Satoru Nagao, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ), cho rằng tính đến nay Trung Quốc vẫn kiềm chế khiêu khích ở mức độ thấp trong khu vực và khi đó nó không đủ mức độ đe dọa để dẫn tới sự can thiệp của Mỹ. 

Nhưng việc tàu Trung Quốc quấy phá hoạt động khai thác dầu khí của các nước khác coi như chạm vào “lằn ranh đỏ” đối với cam kết Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. 

 Chính vì vậy, thông tin về sự “đối đầu” giữa Trung Quốc và Malaysia vừa qua có thể là xuất phát điểm cho các hoạt động của Hải quân Mỹ ở Biển Đông.

COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề… không thời điểm nào tốt hơn lúc này để Bắc Kinh bắn tín hiệu coi thường phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài và tạo ra một tình huống không thể đảo ngược nếu họ không bị thách thức.

TS Sascha-Dominik Dov Bachmann, giáo sư tại Trường luật Canberra, ĐH Canberra (Úc), nhận định với Tuổi Trẻ.

Thử phản ứng quốc tế

Như đã nói, cho đến nay Trung Quốc lẫn Malaysia đều không xác nhận cuộc “đối đầu” tại khu vực có tàu khoan West Capella. Trả lời Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết rằng “cái gọi là “đối đầu” trên biển mà các anh đề cập không hề diễn ra”. 

Trong khi đó người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Malaysia Zubil Mat Som khẳng định sự hiện diện của Hải Dương địa chất 8, nhưng theo trích dẫn của nhật báo tiếng Malay Harian Metro, vị này nói: “Chúng tôi không biết mục đích của nó là gì, nhưng lúc này nó không thực hiện bất kỳ hành động nào trái luật pháp”.

Theo TS Zachary Abuza – giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ, Trung Quốc đã luôn giận dữ khi Việt Nam và Malaysia trình một yêu sách chung về thềm lục địa lên Liên Hiệp Quốc từ năm 2009. Sau đó, Malaysia cũng lặng lẽ trình một yêu sách thềm lục địa khác vào năm ngoái.

“Malaysia sẽ không bao giờ khiêu khích hay ra quan điểm công khai trước Trung Quốc. Hành động của họ luôn là đệ trình hồ sơ pháp lý thầm lặng để thách thức những yêu sách quá mức của Trung Quốc. Con tàu Hải Dương địa chất 8 cũng có thể đi qua khu vực Brunei tuyên bố chủ quyền, nhưng Trung Quốc biết cả Brunei và Malaysia sẽ không công khai về điều đó” – TS Abuza nói với Tuổi Trẻ.

Trong khi đó, nhận xét về động cơ Trung Quốc có hàng loạt hành động gây bất ổn ở Biển Đông giữa mùa dịch COVID-19, TS Sascha-Dominik Dov Bachmann, giáo sư tại Trường luật Canberra, ĐH Canberra (Úc), phân tích rằng Bắc Kinh đang muốn kiểm tra cách Việt Nam và ASEAN phản ứng.

Là một chuyên gia về luật và từng phục vụ quân đội, TS Bachmann đã nghiên cứu về tham vọng lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc, trong đó lấy chiến thuật “vùng xám” và “chiến tranh luật pháp” làm bàn đạp, mà những gì Bắc Kinh làm ở Biển Đông là minh chứng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về động cơ của Trung Quốc trong việc đặt tên các “khu” quản lý hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa mới đây, ông Bachmann nói: “Sau khi thua trong vụ kiện của Philippines, một trong những khía cạnh liên quan tới mưu đồ biến đảo nhân tạo thành đảo của Trung Quốc, việc công bố chính quyền quản lý Trường Sa và Hoàng Sa là cách để họ kiểm tra lại luật quốc tế, sự công nhận của các nước và quyết tâm của các nước láng giềng liên quan ở Biển Đông cũng như sự ủng hộ quốc tế dành cho các nước láng giềng này”.

ASEAN cần đồng lòng

Trong một bài viết cho Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), chuyên gia Biển Đông người Philippines Richard Heydarian từng cho rằng vấn đề hiện tại không phải là thiếu sự phản đối, mà là thiếu những phản ứng mạch lạc và có tính phối hợp từ các nước ASEAN đối với mưu đồ của Trung Quốc. Theo ông Heydarian, thực tế nếu tất cả đồng lòng phản đối, Trung Quốc vẫn phải điều chỉnh.

Ông viết: “Lịch sử cho thấy Bắc Kinh phản ứng với sức ép, lui lại trước một phản ứng nhất trí của những nước láng giềng then chốt và các cường quốc toàn cầu. Những ví dụ gần đây bao gồm điều chỉnh trong sáng kiến Vành đai – con đường giữa những chỉ trích về ngoại giao bẫy nợ, việc Bắc Kinh quyết định từ bỏ quyền phủ quyết trong Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB)…”.

Trung Quốc tiếp tục hung hăng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 21-4 hung hăng khẳng định bất kỳ nỗ lực nào nhằm bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc cũng sẽ “chắc chắn thất bại”. Đây là phát ngôn liên quan tới việc Trung Quốc gửi công hàm phản đối công hàm trước đó của Việt Nam về chủ quyền Biển Đông ở Liên Hiệp Quốc.

woody 2(read-only)

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Bắc Kinh mới đây tiến thêm một bước khi lập chính quyền quản lý ở Hoàng Sa và Trường Sa – Ảnh: CSIS/AMTI

Nó cũng phản ánh thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong những động thái gần đây, bao gồm việc đặt tên phi pháp hai chính quyền quản lý Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, cũng như điều tàu Hải Dương địa chất 8 đi loanh quanh ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới