Wednesday, January 1, 2025
Trang chủSự thật Trung Hoa“Vừa ăn cắp vừa la làng” ở Biển Đông: Sự trơ trẽn...

“Vừa ăn cắp vừa la làng” ở Biển Đông: Sự trơ trẽn đáng kinh tởm của Trung Quốc

Sau khi thành lập trái phép 02 đơn vị hành chính “quản lý” quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại trơ trẽn đưa ra những tuyên bố ngụy biện, lừa dối cộng đồng quốc tế.

Theo đó, khi được hỏi về việc thành lập đơn vị hành chính “quản lý” ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trơ trẽn cho rằng: “Thông qua sự phê chuẩn của Quốc Vụ viện Trung Quốc, thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã thành lập huyện Tây Sa và huyện Nam Sa. Đây là thiết lập bộ phận hành chính thông thường của Trung Quốc và nằm trong chủ quyền của Trung Quốc. Động thái này có lợi cho việc cải thiện và cải thiện trình độ quản lý hành chính của Thành phố Tam Sa, và có lợi cho việc thúc đẩy sự phát triển phối hợp của xây dựng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái của Thành phố Tam Sa”. Bên cạnh đó, Cảnh Sảng còn ngang ngược cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa và vùng biển lân cận, và được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển, đáy biển và lòng đất có liên quan. Chính phủ Trung Quốc lựa chọn và công bố tên của một số đảo và rạn san hô ở Tây Sa và Nam Sa và các địa danh dưới đáy biển thuộc thẩm quyền của mình theo luật pháp và quy định trong nước”.

Cảnh Sảng cũng không quyên tuyên truyền xuyên tạc và ngụy biện rằng “Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối những lời nói và hành động của Việt Nam làm suy yếu chủ quyền và quyền lợi và quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông, và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và quyền lợi và quyền lợi của Trung Quốc”.

Trên thực tế, Trung Quốc trước đây là kẻ đã sử dụng vũ lực xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Genève 1954, toàn bộ phần lãnh hải phía nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam do quân đội Pháp kiểm soát sẽ được chuyển giao cho Quân đội Quốc gia Việt Nam, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Sau khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa được thành lập dựa trên cơ sở kế thừa Quốc gia Việt Nam thì quần đảo này thuộc sự kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa. Trong thời gian chuyển giao giữa Pháp và Quốc gia Việt Nam, năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1959, một nhóm binh lính Trung Quốc giả dạng ngư dân âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa đã bị lực lượng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đập tan. Trong thời gian 1964-1970, Trung Quốc liên tục điều quân tấn công quân đội Việt Nam cộng hòa trên hải phận Hoàng Sa, nhưng không đưa đến thương vong. Năm 1971, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng hòa tiếp tục chạm súng trên hải phận Hoàng Sa. Những năm cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam, vì nhu cầu chiến trường, tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa được đưa vào đất liền, chỉ còn một trung đội địa phương quân trấn giữ nhóm Nguyệt Thiềm. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 26/1/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố lập trường 3 điểm về việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ngày 14/2/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Trước sự xâm lăng trắng trợn đó, đại diện của Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hợp Quốc cũng đã yêu cầu đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an. Ngoài ra, trong một công hàm ngoại giao gửi đến tất cả các bên ký kết của hiệp định Paris, chính quyền miền Nam đã yêu cầu một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, Trung Quốc, với quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã ngăn chặn tất cả những nỗ lực này của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra, Ngày 02/7/1974, đại diện của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đưa tuyên bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật biển để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Ngày 14/3/1988, Trung Quân bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ đó đến nay, Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố phản đối Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi mà luật pháp quốc tế thừa nhận thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi, dựa trên các yếu tố cấu thành chủ quyền của một quốc gia về lãnh thổ đó là khẳng định chủ quyền về mặt nhà nước và sự đương nhiên thừa nhận trong tập quán quốc tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất có những dữ kiện địa lý, bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế để xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung chính sách về biển của Nhà nước Việt Nam trong quá trình xác lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn phù hợp với hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế về xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ. Đó là một quốc gia khi xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phải thể hiện đầy đủ tính chất về mặt nhà nước, tức là nhà nước đó có ban hành văn bản, chính sách và tổ chức quản lý hành chính vùng lãnh thổ đó hay không khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, đồng thời cách thức xác lập chủ quyền phải được thực hiện bởi tổ chức hành chính trực thuộc nhà nước. Xét về khía cạnh này, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Biển Đông đáp ứng đầy đủ tính chất về xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về mặt nhà nước theo quy định của luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế.

Quá trình hoạch định và triển khai chính sách về biển của Nhà nước Việt Nam qua các triều đại phong kiến đã được thể hiện rõ nét trong suốt mọi giai đoạn lịch sử, nội dung đó đã hình thành và liên tục được kế thừa phát triển qua các thể chế nhà nước. Đặc biệt, trong chính sách về biển đảo có nội dung khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những chứng lịch sử đã chứng minh quá trình xác lập chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển đảo của Nhà nước Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những nội dung cơ bản của quá trình triển khai chính sách về biển đối với các Nhà nước phong kiến Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên các vùng biển đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khu vực Biển Đông luôn được xác định rõ ràng, nội dung này được thể hiện qua những nội dung cơ bản của quá trình hoạch định và thực thi chính sách về biển của quốc gia, điều này hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về xác lập chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ vô chủ đương thời. Tuy nhiên, do vấn đề lịch sử để lại, bởi vậy, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông đã bị một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực bất chấp những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nội dung của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như những quy định của luật biển quốc tế đã xâm chiếm trái phép hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Từ những vấn đề trên cho thấy, Cảnh Sảng hay một bộ phận giới chức Trung Quốc cần nghiên cứu kỹ lịch sử và luật quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trước khi đưa ra những tuyên bố phách lối, trơ trẽn, đổi trắng thay đen. Những tuyên bố ngang ngược trên của giới chức Trung Quốc không giúp nước này có “chủ quyền” ở Biển Đông mà chỉ khiến cộng đồng quốc tế coi thường cách hành xử phi pháp của nước này trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới