Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, giới cầm quyền Trung Quốc cho rằng Mỹ và cả thế giới phải tập trung đối phó với dịch bênh viêm đường hô hấp virus corona (dịch Covid-19) nên đã tranh thủ gia tăng áp lực đối với Đài Loan nhằm buộc chính quyền của bà Thái Anh Văn phải khuất phục.
Tuy nhiên, có thể những người lãnh đạo Bắc Kinh đã tính toán nhầm bởi trên thực tế, hải quân và không quân Mỹ tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở eo biển Đài Loan để hỗ trợ chính quyền của bà Thái Anh Văn chống lại sức ép từ Bắc Kinh.
Ngày 10/4/2020, đúng vào ngày dàn chiến đấu cơ của Trung Quốc tiến hành tập trận trên eo biển Đài Loan để hù dọa Đài Loan, hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường di chuyển qua eo biển Đài Loan. Một thông cáo hôm 11/4 của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết “con tàu đi qua eo biển Đài Loan là tàu USS Barry lớp Arleigh Burke, được triển khai tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 để hỗ trợ an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Không chỉ điều tàu chiến đến khu vực eo biển Đài Loan, Mỹ còn điều máy bay đến khu vực này để đáp trả các hoạt động diễn tập của không quân Trung Quốc trên vùng biển phía Tây Đài Loan. Ngay sau khi dàn máy bay quân sự Trung Quốc (bao gồm oanh tạc cơ H-6, máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và chiến đấu cơ J-11) xuất hiện gần đảo Đài Loan hôm 10/4/2020, máy bay trinh sát Boeing RC-135U của không quân Mỹ đã bay qua eo biển Ba Sĩ. Các nhà quan sát cho rằng việc Mỹ điều động máy bay trinh sát Boeing RC-135U được xem là lời cảnh báo gửi tới Trung Quốc.
Sau khi bà Thái Anh Văn và Dân Tiến đảng tiếp tục giành thắng lợi vang dội trước Quốc Dân đảng (được Trung Quốc hậu thuẫn) trong cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan đầu năm 2020, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động gia tăng sức ép quân sự lên chính quyền của bà Thái Anh Văn bất chấp dịch Covid-19.
Trước tình hình đó, hải quân Mỹ đã cho tăng cường hoạt động tuần tra qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan trong việc tăng cường an ninh. Dù không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Mỹ lại là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Đài Loan trên trường quốc tế, cũng như trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.
Hồi tháng 01/2020, chưa đầy một tuần sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tái đắc cử, Mỹ đã cho tàu chiến tiến hành tuần tra ở eo biển Đài Loan nhằm thể hiện sự ủng hộ kết quả bầu cử ở Đài Loan. Ngày 17/01/2020, một tàu khu trục tên lửa hành trình USS Shiloh (CG-67) đã đi qua eo biển Đài Loan.
Ngày 15/02/2020, tuần dương hạm USS Chancellorsville (CG-62) mang tên lửa dẫn đường băng qua eo biển Đài Loan để tiến vào Biển Đông. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 Mỹ điều tàu chiến đến eo biển Đài Loan. Sự việc diễn ra tiếp theo sau việc Mỹ triển khai 2 máy bay ném bom B-52 đến bờ Đông của Đài Loan và một chiến đấu cơ đa nhiệm vụ MJ-130J Commando II qua eo biển Đài Loan hôm 12/02 và triển khai một máy bay quân sự chống ngầm và do thám của Mỹ P-3 Orion ở mũi phía Nam của Đài Loan hôm 13/2.
Hoạt động của máy bay và tàu chiến Mỹ ở khu vực eo biển Đài Loan trong tháng 2 diễn ra sau khi các máy bay quân sự của Trung Quốc, gồm tiêm kích J-11, máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay ném bom H-6, bay qua eo biển Bashi ở miền Nam Đài Loan để tiến vào Tây Thái Bình Dương, trước khi trở về căn cứ thông qua eo biển Miyako.
Ngày 25/3/2020, tàu khu trục USS McCampbell có trang bị tên lửa dẫn đường (DDG-86) đi qua eo biển Đài Loan thực hiện tuần tra tự do hàng hải. Chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan vào thời điểm Bắc Kinh và Washington đang đổ lỗi cho nhau về đại dịch Covid-19. Các quan chức cao cấp Trung Quốc truyền bá thuyết âm mưu, đổ lỗi cho quân đội Mỹ đã bí mật đem virus corona đến Vũ Hán và làm dịch bệnh bùng phát; còn các quan chức Mỹ, kể cả Tổng thống Donald Trump luôn sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” để mô tả về đại dịch đang tấn công nước Mỹ và khắp thế giới.
Ông Anthony Junco, người phát ngôn của Hạm đội 7 của Mỹ cho biết: “Việc chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Việc tàu chiến của hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hôm 10/4 vừa qua là lần thứ tư trong năm nay. Như vậy, liên tục trong 4 tháng liền tàu chiến Mỹ đều đi qua eo biển Đài Loan. Các nhà quan sát nhận định hoạt động của tàu chiến Mỹ ở khu vực eo biển Đài Loan đã tăng dần lên. Nếu như trong năm 2018, Mỹ 3 lần điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan thì năm 2019 đã tăng lên 9 lần và nếu tiếp tục với tần suất như từ đầu năm đến nay thì số lần chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong năm nay sẽ cao hơn các năm trước.
Giới quan sát cho rằng, mặc dù đang phải tập trung mọi nỗ lực chống dịch Covid-19, kể cả trên tàu sân bay Mỹ, nhưng Mỹ tiếp tục tăng cường sự hiện diện cả hải quân lẫn không quân ở eo biển Đài Loan vì mấy lý do sau:
Một là, gửi thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh rằng bất cứ trong trường hợp nào Mỹ vẫn theo dõi sát sao những động thái gây hấn của Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có Đài Loan; cảnh báo giới lãnh đạo Bắc Kinh chớ có lợi dụng tình hình dịch bệnh để hù dọa, gây hấn với các nước láng giềng, vượt mặt Mỹ ở khu vực.
Hai là, khẳng định Mỹ kiên trì triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và Đài Loan là một mắt xích quan trọng trong chiến lược này; eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế, Mỹ và các nước đều có quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế ở khu vực này.
Ba là, trong lúc các đồng minh của Mỹ phải tập trung đối phó với dịch Covid-19, không có điều kiện quan tâm nhiều tới khu vực, Mỹ cần thể hiện vai trò của siêu cường, tăng cường sự hiện diện ở đây để thay thế các đồng minh nhằm không tạo “khoảng trống quyền lực” tránh để Trung Quốc có thể lợi dụng để trục lợi.
Bốn là, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính quyền của bà Thái Anh Văn ở Đài Loan; Washington sẽ kiên trì thực hiện trách nhiệm bảo vệ Đài Loan theo Luật quan hệ với Đài Loan và Bắc Kinh đừng có gây ra quá nhiều áp lực” đối với Đài Loan.
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump luôn hết sức coi trọng Đài Loan trong chính sách khu vực của Mỹ. Ông Donald Trump đã điện đàm với bà Thái Anh Văn ngay sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ khiến Bắc Kinh hết sức tức giận. Trong hơn 3 năm qua, kể từ khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan được nâng lên một mức mới cả trong việc tiếp xúc giữa quan chức hai bên lẫn trong quan hệ quốc phòng, an ninh.
Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, chính quyền của Tổng thống Donald Trump bán cho Đài Loan lượng lớn vũ khí, trang thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ đô la giúp Đài Loan nâng cao khả năng tự vệ trước sự đe dọa của Bắc Kinh. Mỹ cũng đã đón nhiều quan chức cấp cao của Đài Loan, mới đây nhất Mỹ đã đón ông Lại Thanh Đức, nhân vật số 2 trong chính quyền Đài Bắc và cũng là người có quan điểm công khai ủng hộ “Đài Loan độc lập”. Ông Lại Thanh Đức đã từng là Thủ tướng Đài Loan khi bà Thái Anh Văn là Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên và trong cuộc bầu cử đầu năm ông đã được bầu làm Phó Tổng thống Đài Loan nhiệm ký tới.
Sau khi bà Thái Anh Văn cùng ông Lại Thanh Đức và Dân tiến đảng giành thắng lợi vang dội trước Quốc dân đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan hồi đầu tháng 01/2020, Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động quân sự xung quanh đảo Đài Loan, bất chấp đại dịch Covid-19 đang càn quét. Hành động đe dọa bắt nạt Đài Loan và các nước láng giềng của Trung Quốc đã khiến Mỹ phải tăng cường hiện diện ở khu vực để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.
Tháng 3 vừa rồi, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn ký ban hành Đạo luật Sáng kiến Bảo vệ và Tăng cường đồng minh quốc tế Đài Loan (TAIPEI) nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan trong việc tăng cường mối quan hệ với các nước trên thế giới. Theo Đạo luật, Mỹ sẽ xem xét giảm cam kết kinh tế, an ninh và ngoại giao với các quốc gia có hành động quan trọng nhằm làm suy yếu Đài Loan.
Đạo luật này yêu cầu chính phủ gia tăng ủng hộ Đài Loan và sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới các quốc gia rằng sẽ có hậu quả cho việc ủng hộ những hành động của Trung Quốc gây tổn hại cho Đài Loan. Các chuyên gia cho rằng do vị trí quan trọng của Đài Loan trong triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và chính sách kiềm chế Trung Quốc, Mỹ cần sử dụng mọi công cụ để hỗ trợ Đài Loan trong việc chống lại sức ép từ Bắc Kinh. Sự tăng cường hiện diện của hải quân và không quân Mỹ ở eo biển Đài Loan, kể cả khi đang phải bận chống dịch Covid-19 là nằm trong mục tiêu này của Washington.
Comments are closed.