Kể từ khi sử dụng vũ lực đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc liên tục rêu rao về việc nước này có “chủ quyền”ở Biển Đông. Tuy nhiên, xét từ khía cạnh luật quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để khẳng định vấn đê trên.
Luận điểm tuyên truyền xuyên tạc của Trung Quốc
Thứ nhất, luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ thừa nhận hình thức thụ đắc sơ khởi đầu tiên thông qua việc phát hiện và chiếm hữu tượng trưng. Vì thế, Trung Quốc đã đưa những tư liệu lịch sử của mình vào việc chứng minh chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, với rất nhiều tên gọi không thống nhất và không hề giống với tên gọi được sử dụng hiện nay cho hai quần đảo này, với các lập luận rất khó kiểm chứng, tính chân thực trong các tài liệu lịch sử này của Trung Quốc rất khó thuyết phục được cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, trong luật quốc tế, mọi hành động mang danh nghĩa cá nhân đều không tạo ra cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và cũng không làm thay đổi bản chất của chủ quyền, ngay cả khi các cá nhân đó hợp thành một tập thể hoặc công ty, trừ trường hợp cá nhân, tập thể hoặc công ty đó được Nhà nước ủy quyền xác lập chủ quyền lãnh thổ thay mặt cho Nhà nước. Vì vậy, việc Trung Quốc viện dẫn ngư dân phát hiện sớm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như một cơ sở pháp lý về chủ quyền là không phù hợp với luật quốc tế.
Thứ hai, việc Trung Quốc viện dẫn Hiệp ước Pháp – Thanh (26/6/1887) về phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc kỳ để tuyên bố chủ quyền là không có giá trị áp dụng cho phân chia đảo tại khu vực Biển Đông, vì: Hiệp ước Pháp – Thanh chỉ được ký kết để phân định biên giới trên bộ. Nội dung điều khoản về phân chia đảo chỉ được áp dụng cho khu vực gần biên giới, và cùng lắm thì cho Bắc kỳ. Trong khi đó, Hoàng Sa và Trường Sa được Pháp sáp nhập vào Nam kỳ. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Trung Quốc lại viện dẫn Điều 2(f) của Hiệp định Sanfransisco để khẳng định việc từ bỏ chủ quyền của Nhật tại Hoàng Sa và Trường Sa là nhằm trao lại chủ quyền cho Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, Điều 2(f) chỉ đề cập đến việc Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, chủ quyền và yêu sách đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không nói rõ ràng chủ quyền này thuộc về nước nào. Đặc biệt, với tư cách là một nước thuộc phe phát xít, đã sử dụng vũ lực một cách bất hợp pháp để chiếm đóng các vùng lãnh thổ, thì sự chiếm đóng của Nhật Bản không thể xác lập được bất kỳ chủ quyền hợp pháp nào và càng không thể chuyển giao cho nước nào thứ chủ quyền mà Nhật Bản không có.
Thứ ba, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực trái phép để chiếm đóng tại Hoàng Sa vào năm 1974 và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1988. Lập luận cho các cuộc tấn công chiếm đóng này, Trung Quốc cho rằng mình đã dựa trên cơ sở của luật quốc tế, bởi Việt Nam đã sử dụng vũ lực trước, Trung Quốc chỉ tự vệ và do Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc mà Việt Nam đã xâm chiếm, nên Trung Quốc cần thu hồi lại. Thực chất vào thời điểm năm 1974 và 1988, luật quốc tế đã cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việc sử dụng vũ lực chỉ được cho phép trong trường hợp ngoại lệ khi có sự cho phép của Liên hiệp quốc theo Điều 42 hoặc tự vệ khi bị xâm lược theo Điều 51 của Hiến chương. Trên thực tế, do thiếu vắng sự cho phép của Liên hiệp quốc và cơ sở pháp lý hợp pháp cho hành vi tự vệ, hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc vào năm 1974 và 1988 là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy phạm bắt buộc jus cogen của luật quốc tế.
Thứ tư, về yêu sách vùng biển theo “đường 9 đoạn”, Trung Quốc cho rằng vùng biển có thể là vùng nước lịch sử hoặc vùng nước mà Trung Quốc có quyền lịch sử. Cho dù hiểu theo cách giải thích nào thì “đường 9 đoạn” đã ra đời từ trước khi các luật lệ quốc tế về biển ra đời, nên Trung Quốc cho rằng yêu sách “đường 9 đoạn” không bị ràng buộc hoặc điều chỉnh bởi các điều khoản của những luật lệ đó. Giá trị pháp lý của “đường 9 đoạn” phải được xem xét dưới góc độ của luật pháp quốc tế đương đại (tức là luật pháp quốc tế vào thời điểm mà đường này được vẽ ra), chứ không thể áp dụng Công ước Luật biển 1982. Nhưng trên thực tế, vào thời điểm công bố bản đồ, Trung Quốc chưa từng đưa ra sự giải thích chính thức nào về ý nghĩa pháp lý hay yêu sách của đường này, các bản đồ này chỉ có nguồn gốc từ công trình của một cá nhân, do một cá nhân vẽ ra, không có sự ủy quyền từ Nhà nước, không có sự giải thích chính thức từ Nhà nước, thì quá trình sử dụng đó chẳng thể tạo ra một danh nghĩa lịch sử hay pháp lý nào cho yêu sách sau này của Trung Quốc. Bên cạnh đó, phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) đã bác bỏ toàn bộ yêu sách “chủ quyền lịch sử” và chủ quyền theo cái gọi là “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thứ năm, về Công hàm của cố Thủ tướng phạm Văn Đồng (14/9/1958) liên quan việc Trung Quốc tuyên bố nới rộng vùng lãnh hải ra 12 hải lý (04/9/1958). Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không đúng, vì: Trước hết, cần đặt tuyên bố trên của đại diện chính phủ Việt Nam trong bối cảnh thực tế tình hình những năm 1950-1960 để hiểu đúng ý nghĩa và giá trị của chúng. Cụ thể là vào thời điểm những năm đó, Việt Nam đang phải chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ xâm lược. Trung Quốc đang đoàn kết và ủng hộ tích cực nhân dân Việt Nam tiến hành kháng chiến chống lại đế quốc Mỹ. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc lúc đó là quan hệ đồng minh giữa hai nước xã hội chủ nghĩa. Trước sự biểu dương lực lượng của Hạm đội 7 Mỹ trên eo biển Đài Loan lúc đó, Công hàm của Thủ tướng phạm Văn Đồng là một cử chỉ của Chính phủ Việt Nam ủng hộ Trung Quốc về mặt chính trị chống lại sự khiêu khích của Mỹ, bởi vì việc nới rộng lãnh hải từ 3 hải lý ra 12 hải lý sẽ đẩy tàu chiến Mỹ ra xa ngoài biên giới Trung Quốc hơn và làm giảm bớt khả năng đe dọa của chúng đối với lãnh thồ Trung Quốc. Không những vậy, vì tập trung tất cả cho cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, nên Việt Nam chưa quan tâm thích đáng đến vấn đề biền, đảo và biên giới lãnh thổ, đã quá tin cậy những người đồng chí anh em Trung Quốc và có phần thiếu cảnh giác trước mưu đồ lâu dài của họ. Cuối cùng, xét về mặt pháp lý, thì những tuyên bố nói trên của Việt Nam không phải là các cam kết quốc tế có tính ràng buộc. Theo Hiệp Định Giơ-ne-vơ 1954, Việt Nam bị chia làm hai miền với ranh giới là vĩ tuyến 17. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở Nam vĩ tuyến đó nên thuộc sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và các hành vi xác lập và thực thi chủ quyền ở hai quần đảo này thuộc thẩm quyền của chính quyển Sài Gòn. Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa lúc đó không có thẩm quyền và không hề thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Tuyên bố của Thủ tướng phạm Văn Đồng năm 1958 chỉ là ủng hộ việc Trung Quốc tuyên bố có vùng lãnh hải 12 hải lý và không thể bị giải thích là sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quân đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông của Việt Nam
Việt Nam có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết không nhân nhượng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nước ta đã được công ước quốc tế thừa nhận; mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng và thực hiện luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật biển năm 1982, Tuyên bố 6 điểm của các nước ASEAN và tôn trọng Tuyên bố của các bên liên quan tại Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); chuẩn bị sẵn sàng đối phó chủ động trong mọi tình huống bất ngờ về xung dột vũ trang có thể xảy ra. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các nước phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở trên khu vực Biển Đông, cũng như đảm bảo môi trường cho người dân được đánh cá trong vùng biển của các nước, đảm bảo an toàn trong phạm vi vùng biển của từng nước, và khi có tình huống xảy ra thì cứu hộ, cứu nạn và phối hợp với nhau thật tốt.
Thời gian tới, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo cho đồng bào ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài hiểu được chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Thông qua các kênh thông tin bằng tiếng nước ngoài và bằng con đường ngoại giao, chúng ta cần chuyển đến chính phủ và nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, kể cả Liên hiệp quốc những thông tin sớm nhất và chính xác nhất để bạn bề quốc tế và nhân dân các nước hiểu đúng tình hình Biển Đông mà chia sẻ và ủng hộ Việt Nam. Tiếp tục đầu tư, nghiên cứu toàn diện về Biển Đông, đầu tư phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khoa học đảm bảo đủ sức nghiên cứu tham mưu về chính sách, phổ biến kiến thức về biển và Luật biển, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.
Thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030 cần tiếp tục được hoạch định mang tính tổng thể, hệ thống; cần tăng cường sức mạnh quân sự theo hướng tự vệ, đủ sức “ răn đe”, can thiệp khi đụng độ và hỗ trợ cho mặt trận chính trị, ngoại giao; đủ mạnh để làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh bao vệ chủ quyền và lợi ích củ đất nước. Đồng thời, cần ưu tiên đầu tư tăng cường nhân lực, hiện đại hóa các phương tiện, binh khí kỹ thuật, nâng cao năng lực cho lực lượng thực hiện chấp pháp (cảnh sát biển, quân ngư, kiểm ngư …) của Việt Nam. Lực lượng này phải có đủ khả năng phát hiện, ngăn chặn từ xa những tàu, thuyền xâm phạm chủ quyền, có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế; can thiệp kịp thời bắt giữ những tàu, thuyền, cố tình gây hấn – lập hồ sơ khởi tố; tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có đủ điều kiện ra khơi bám biển dài ngày, có ngư cụ hành nghề hiệu quả, có phương tiện tác nghiệp tại chỗ, ghi lại đầy đủ những hình ảnh tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, uy hiếp xua đuổi ngư dân đánh cá; ngăn cản, phá hoại tàu Việt Nam đang thăm dò khai thác dầu trong thềm lục địa của mình; đe dọa các nhà đầu tư vào Việt Nam. Lấy hình ảnh làm bằng chứng lập hồ sơ tố cáo hành động gây hấn của Trung Quốc với công luận quốc tế…
Một số biện pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông
Tranh chấp Biển Đông hết sức phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây căng thẳng, xung đột, làm nguy hại đến hòa bình, an ninh, sự ổn định của khu vực và thế giới. Để giải quyết được tranh chấp chủ quyền giữa các nước ở Biển Đông, các bên liên quan cần:
Thứ nhất, thống nhất được cách giải thích và vận dụng các tiêu chuẩn để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ven biển ở xung quanh Biển Đông, như: việc xác định hệ thống đường cơ sở ven bờ lục địa, ven bờ các hải đảo xa bờ, hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo, thống nhất các tiêu chuẩn để tính hiệu lực của các đảo trong việc hoạch định ranh giới biển, thềm lục địa…
Thứ hai, thống nhất được phạm vi biển, thềm lục địa chồng lấn được hình thành từ các yêu sách của các quốc gia ven biển theo đúng các tiêu chuẩn của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982.
Thứ ba, thống nhất các tiêu chuẩn xác định phạm vi biển và thềm lục địa của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với tư cách là những quần đảo xa bờ, không phải quốc gia quần đảo; các đảo ở đây có diện tích rất nhỏ, không thích hợp với đời sống con người, không có đời sống kinh tế riêng…
Thứ tư, thống nhất nguyên tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế áp dụng cho việc xác định quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với hai quần đảo này.
Thứ năm, nếu yêu sách nào đã đưa ra không phù hợp với những tiêu chuẩn đã được thống nhất thì phải bị coi là vô giá trị, quốc gia nào đã đưa ra yêu sách đó phải từ bỏ với một tinh thần thực sự cầu thị, tôn trọng luật pháp và thực tiễn quốc tế, vì lợi ích, hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, ta cần áp dụng phương châm dễ giải quyết trước, khó giải quyết sau. Vì vậy, trước mắt chúng ta hãy tạm thời giữ nguyên hiện trạng của các bên tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; mỗi đảo có người cho phép có phạm vi biển rộng 12 hải lý bao quanh, các bãi cạnh nửa nổi, nửa chìm nên có công trình nhân tạo trên đó thì chỉ có vùng an toàn 500m bao quanh để thực hiện quản lý, bảo vệ theo quy chế của nội thủy, lãnh hải của bên đang chiếm đóng.
Ngoài phạm vi biển của các đảo, bãi cạn đó, các bên sẽ thống nhất ranh giới biển và thềm lục địa theo đúng tiêu chuẩn của Công ước Luật biển 1982 để xác định các khu vực chồng lấn nhằm tiến tới xác định ranh giới biển, thềm lục địa. Trong khi các bên chưa thống nhất được ranh giới cuối cùng, có thể tính đến một giai pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” (joint development) trong các vùng chồng lấn được hình thành từ những yêu sách mà các bên liên quan đã vận dụng nghiêm túc các quy định của Công ước.