Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTrung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam: Nên...

Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam: Nên kiện TQ ra Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS

Sau khi tuyên bố thành lập cái gọi là “huyện Tây Sa”, “huyện Nam Sa”, Trung Quốc lại tự ý đặt tên cho gần 80 đảo, bãi đá và thực thể địa lý trên Biển Đông. Trong số này có những điểm nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bộ Dân chính Trung Quốc (19/4) công bố cái gọi là “tên chuẩn” và tọa độ của 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông; phần lớn nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong số 25 đảo, bãi đá ngầm nói trên có một thực thể nằm ở phía bắc đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Các tọa độ do Bộ Dân chính công bố cho thấy phần lớn các đảo, bãi đá ngầm đó nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngoài ra, Bộ Dân chính Trung Quốc còn công bố tên và tọa độ của 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông. Các tọa độ cũng cho thấy phần lớn những thực thể dưới đáy biển này nằm trong và xung quanh quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đáng chú ý, trong những thực thể này, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Động thái ngang ngược mới của Trung Quốc diễn ra chỉ một ngày sau khi chính phủ nước này tuyên bố thành lập cái gọi là “huyện Tây Sa” và “huyện Nam Sa” để “quản lý” quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Thời báo Hoàn Cầu – cơ quan ngôn luận mang tính “diều hâu” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn ngang nhiên dẫn lời một chuyên gia thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cho rằng việc đặt tên phản ánh cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc đối với những thực thể trên. Trong khi đó, giới quan sát quốc tế nhận định hành động của chính phủ Trung Quốc một lần nữa cho thấy Bắc Kinh sẽ không từ bỏ các âm mưu củng cố chủ quyền vô lý tự vẽ ra trên Biển Đông. Bất chấp các phản ứng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục phổ biến các yêu sách chủ quyền vô căn cứ và lập luận như thể mình là nạn nhân của tình trạng không tuân thủ luật quốc tế.

Trước những động thái phi pháp của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (19/4) phát biểu: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó, và không có những việc làm tương tự trong tương lai.

Việc Trung Quốc liên tục có các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông đang đi tới giới hạn chịu đựng của Việt Nam. Ngoài đưa ra các tuyên bố phản đối về ngoại giao, có thể phương án khả thi cần tính toán hiện nay là kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế. Có như vậy mới khiến cộng đồng quốc tế hiểu rõ bộ mặt gian xảo của Trung Quốc, cũng như những hành vi phi pháp, trái luật quốc tế của nước này ở Biển Đông. Theo đó, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Toà án Công lý quốc tế, Toà án quốc tế về Luật biển, Tòa trọng tài thường trực La Haye, Tòa trọng tài và Toà trọng tài đặc biệt được thành lập theo UNCLOS, Tòa án Hình sự Quốc tế. Tuy nhiên để bảo vệ quyền lợi của quốc gia, đặc biệt với chính sách “hai không” của Trung Quốc, đòi hỏi Việt Nam phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng tính khả thi và hiệu quả của thiết chế tài phán quốc tế mà mình sử dụng.

Bên cạnh đó, với Tuyên bố năm 2006 bảo lưu Điều 298 UNCLOS, Trung Quốc đã loại trừ hầu  hết các loại tranh chấp trên Biển Đông (trong đó có tranh chấp liên quan đến  chủ quyền các đảo) ra khỏi quyền tài phán của một cơ quan tài phán quốc tế. Do vậy, vào thời điểm hiện tại, Việt Nam hay các bên có liên quan sẽ rất khó khăn trong việc đưa yêu sách của Trung Quốc ra ITLOS bởi Trung Quốc đương nhiên từ chối đưa vụ việc ra trước ITLOS, không muốn bất kỳ một bên thứ ba nào can thiệp giải quyết “những vấn đề của Trung Quốc” và các nước liên quan trong tranh chấp Biển Đông cũng chưa có tuyên bố bằng văn bản lựa chọn ITLOS để giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS. Hơn nữa, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc yêu sách ôm gần trọn diện tích Biển  Đông, bao trùm lên các đảo, nhóm đảo mà nhiều quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền nên ITLOS sẽ không có thẩm quyền trong trường hợp này (các tranh chấp có liên quan đến chủ quyền đối với các đảo).

Tuy nhiên, Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII UNCLOS (sau đây gọi tắt là Toà trọng tài) sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước (trừ những vụ kiện thuộc thẩm quyền của Toà trọng tài đặc biệt). UNCLOS quy định khi ký hay phê chuẩn hoặc tham gia Công ước, hay ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, dưới hình thức tuyên bố bằng văn bản, một quốc gia được quyền tự do lựa chọn một hay nhiều biện pháp sau để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước: Tòa án quốc tế về Luật biển được thành lập theo đúng Phụ lục VI; Toà án quốc tế; Tòa trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII; Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo đúng Phụ lục VIII. Cụ thể, trong trường hợp các bên tranh chấp đã chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, thì vụ tranh chấp chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục đó, trừ khi các bên có thỏa thuận khác; trường hợp một quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp không lựa chọn một biện pháp nào (không được một tuyên bố còn hiệu lực bảo vệ) thì được xem là đã chấp nhận thủ tục trọng tài trù định ở Phụ lục VII; trường hợp các bên tranh chấp không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục trọng tài đã được trù định ở Phụ lục VII, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Như vậy, Tòa trọng tài là cơ chế duy nhất mà một bên có thể đơn phương khởi kiện, không cần sự chấp thuận của bên còn lại. Tòa trọng tài được thành lập và tự quy định thủ tục của mình bằng cách cho mỗi bên có khả năng bảo vệ các quyền và trình bày căn cứ của mình. Hơn nữa, khi một trong số các bên trong vụ tranh chấp không ra Toà hoặc không trình bày các lý lẽ của mình, bên kia có thể yêu cầu Toà tiếp tục trình tự tố tụng và ra phán quyết. Việc một bên vắng mặt hay việc một bên không trình bày các lý lẽ của mình không cản trở đến trình tự tố tụng. Bản án của Toà mang tính tối hậu, không được kháng cáo (trừ khi các bên trong vụ tranh chấp đã có thỏa thuận trước về một thủ tục kháng cáo) và có giá trị ràng buộc về  mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp. Những tranh cãi có thể xảy ra giữa các bên liên quan đến việc giải thích hay cách thi hành bản án, đều có thể được một trong các bên đưa ra để Toà trọng tài đã tuyên án quyết định; hoặc có thể được đệ trình lên một Toà khác theo đúng Điều 287 nếu tất cả các bên trong vụ tranh chấp thoả thuận.

Với những căn cứ trên, Toà trọng tài được xem là thiết chế tài phán quốc tế mang tính khả thi nhất hiện nay mà Việt Nam có thể lựa chọn cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến những yêu sách vô lý và những hành vi trái pháp luật quốc tế của Trung Quốc, phù hợp với tích chất phức tạp của các tranh chấp và phù hợp với lập trường “không giống ai” của Trung Quốc tại khu vực biển này. Trước những yêu sách phi lý và những hành vi ngang ngược của Trung  Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển của Việt Nam trong thời gian vừa qua, Việt Nam cần có sự thể hiện thích hợp quan điểm pháp lý của mình và nên nghiên cứu tìm kiếm một phán quyết ràng buộc về mặt pháp lý trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài với nội dung kiện tương tự như của Philippines. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể bổ sung thêm một số vấn đề khác như yêu cầu Tòa Trọng tài xem xét việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam có vi phạm UNCLOS hay không; tàu cá Trung Quốc sử dụng phương thức đánh bắt tận diệt hải sản, phá hủy môi trường sinh thái vi phạm quy định nào của UNCLOS; các vụ tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam vi phạm các quy định nào; việc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có vi phạm luật pháp quốc tế không? Trung Quốc tự ý thành lập các đơn vị hành chính quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có đúng với quy định của luật pháp quốc tế không? Bắc Kinh tự ý đặt tên các thực thể trên Biển Đông có phù hợp quy định của UNCLOS không…. 

Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ xác định nội dung khởi kiện Trung Quốc để yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết liên quan đến các vấn đề sau: (1) Tuyên bố Trung Quốc chỉ có thể yêu sách quyền với các vùng biển tính từ lãnh thổ đất liền (bao gồm các đảo), yêu sách từ đường chín đoạn không phù hợp với UNCLOS; (2) Giải thích Điều 121.3 và khả năng áp dụng ở biển Đông. Cụ thể, yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết về việc tất cả các “đảo” do phía Trung Quốc chiếm đóng là “đá” chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý vì chúng không thể “duy trì đời sống con người hay đời sống kinh tế” theo như quy định tại điều 121.3 UNCLOS. Khẳng định Trung Quốc đã đưa ra yêu sách bất hợp pháp đối với các vùng biển ngoài 12 hải lý từ các thực thể đó; (3) Xác định hành vi của tàu Trung  Quốc trong thời gian gần đây (tàu hải giám, hải cảnh, tuần ngư… thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc) phá hỏng, đánh chìm tàu Việt Nam, gây thương tích cho người Việt Nam là hành vi sử dụng vũ lực. Trên sơ sở đó tuyên bố Trung Quốc sử dụng vũ lực vi phạm Điều 2.4 Hiến chương Liên hợp quốc và Điều 279 UNCLOS. Nội dung kiện này hoàn toàn không nằm trong vùng loại trừ của Trung Quốc; (4) Tuyên bố việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981, nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng tàu hộ tống vào khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và việc Trung Quốc dùng các tàu của mình ngăn cản các tàu chấp pháp của Việt Nam thực hiện quyền kiểm tra, khám xét giàn khoan HD 981, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Điều 56 và Điều 77 của UNCLOS; (5) Tuyên bố các hành vi của Trung Quốc liên  quan đến sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (thiết lập vùng an toàn 3 hải lý, cấm các loại tàu bè đi vào vùng biển có bán kính 3 hải lý xung quanh giàn khoan HD 981, và va đâm các tàu chấp pháp Việt Nam, dùng vòi rồng tấn công…) là vi phạm quyền tự do hàng hải, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực của Việt Nam và các nước trên thế giới, trái với Điều 58, Điều 60 của UNCLOS; (6) Tuyên bố việc Trung Quốc thiết lập vùng nước quần đảo hoặc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không phù hợp với các Điều 47, 48, 49 và 121 của UNCLOS; (7) Tuyên bố hành vi bồi đắp, xây dựng với quy mô rất lớn của Trung Quốc (trên các bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Gaven, Tư Nghĩa, Xu Bi, Vành Khăn mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng) trên Biển Đông là trái với quy định về xây dựng đảo và công trình, thiết bị nhân tạo của UNCLOS; (8) Liên quan vụ nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng tàu hộ tống vào thăm dò, khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Việt Nam có thể lập luận các lô 05, 06, 07, 130, 131, 132, 133, 154, 155, 156, 157 và một phần của bãi Tư Chính nằm trong EEZ tính từ lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam; Phần còn lại của bãi Tư Chính nằm trong thềm lục địa tính từ lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam; Các khu vực này nằm dưới mặt nước, do đó không nước nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với chúng. Bất cứ nước nào, tối đa cũng chỉ có các loại quyền chủ quyền và quyền tài phán (khác với chủ quyền) dựa trên nguyên tắc đất thống trị biển và UNCLOS; Các khu vực này không thể nằm trong EEZ hay thềm lục địa của bất cứ đảo nào đang bị tranh chấp (tức là các đảo thuộc quần đảo Trường Sa). (Lý do là theo Điều 121(3) UNCLOS không đảo nào được hưởng quy chế vùng EEZ hay thềm lục địa, như HĐTT 2016 đã khẳng định). Trung Quốc không thể có quyền lịch sử đối với vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam. (Lưu ý HĐTT 2016 đã khẳng định rằngTrung Quốc vừa không hề có quyền lịch sử đối với vùng biển và đáy biển bên ngoài lãnh hải 12 hải lý, vừa không thể bắt cá hai tay, một mặt thì đòi tự do tiền-UNCLOS trong việc họ khai thác bên trong EEZ của các nước khác, một mặt thì không chấp nhận tự do tự do tiền-UNCLOS của các nước khác khai thác bên trong EEZ của họ. Việc phê chuẩn UNCLOS có nghĩa phải bỏ cả hai sự tự do này). Vì vậy các khu vực này hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. (Lưu ý đây là những quyền có hạn chế được UNCLOS quy định, khác với chủ quyền mà không nước nào có thể có). Trung Quốc đã vi phạm các quyền này của Việt Nam và phải ngưng vi phạm.

RELATED ARTICLES

Tin mới