Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngChiến hạm Trung Quốc bị tố khóa mục tiêu tàu hộ vệ...

Chiến hạm Trung Quốc bị tố khóa mục tiêu tàu hộ vệ Philippines

Tàu chiến Type-056 Trung Quốc bị cáo buộc chĩa radar hỏa lực vào tàu hộ vệ Conrado Yap ở khu vực cách bờ biển Philippines khoảng 200 km.

Phó đô đốc Rene Media, tư lệnh Bộ chỉ huy miền Tây quân đội Philippines, hôm qua cho biết sự việc xảy ra khi tàu hộ vệ BRP Conrado Yap tuần tra và phát hiện tàu hộ vệ hạng nhẹ Lục Bàn Thủy thuộc lớp Type-056 của Trung Quốc ở vùng biển cách đảo Palawan, miền nam Philippines, khoảng 200 km hồi giữa tháng 2.

Chiến hạm Philippines yêu cầu tàu hộ vệ Trung Quốc chuyển hướng và rời khỏi khu vực, nhưng chiếc Lục Bàn Thủy giữ nguyên tốc độ và hướng đi, đồng thời liên lạc qua điện đàm để tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Phó đô đốc Mediana cho biết tàu hộ vệ Philippines không được lắp hệ thống hỗ trợ điện tử (ESM) và cảnh báo chiếu xạ radar, thủy thủ đoàn chỉ biết họ đang bị tàu Lục Bàn Thủy khóa mục tiêu khi tận mắt chứng kiến radar điều khiển hỏa lực trên chiến hạm Trung Quốc chĩa về phía tàu BRP Conrado Yap.

“Conrado Yap không có hệ thống ESM để xác nhận tàu Trung Quốc nhắm bắn họ, nhưng quá trình quan sát mắt thường đã xác nhận hành động thù địch này. Hệ thống dẫn bắn của tàu Trung Quốc có thể bám bắt mục tiêu, cho phép pháo hạm khai hỏa trong vòng chưa đầy một giây”, phó đô đốc Medina nói thêm.

BRP Conrado Yap là tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Pohang được Hàn Quốc chuyển giao cho Philippines hồi giữa năm 2019. Đây được coi là chiến hạm hiện đại đầu tiên và được vũ trang mạnh nhất trong biên chế hải quân Philippines. Tuy nhiên, Seoul đã loại bỏ nhiều khí tài trước khi chuyển giao chiến hạm trên cho Manila. Tàu chỉ được trang bị hai pháo đa dụng cỡ nòng 76 mm, hai pháo nòng đôi bắn nhanh cỡ 40 mm và 6 ống phóng ngư lôi cỡ 324 mm.

Radar điều khiển hỏa lực được dùng để định vị chính xác đối phương, cung cấp tham số dẫn đường cho tên lửa và đạn có điều khiển. Việc bật radar hỏa lực và khóa mục tiêu thường chỉ diễn ra khi một bên sẵn sàng khai hỏa trong chiến đấu, đồng thời bị coi là hành động khiêu khích nghiêm trọng trong thời bình.

Máy bay và tàu chiến hiện đại đều được trang bị hệ thống cảnh báo chiếu xạ, cho phép chúng xác định có đang bị đối phương phát hiện và khóa mục tiêu qua radar hay không.

Tàu hộ vệ Type-056 Trung Quốc ngoài khơi đảo Hải Nam hồi tháng 8/2019. Ảnh: 81.cn.

Tàu hộ vệ Type-056 Trung Quốc ngoài khơi đảo Hải Nam hồi tháng 8/2019. Ảnh: 81.cn.

Giới phân tích quân sự cho rằng sau khi cơ bản khống chế được Covid-19 ở trong nước, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động ở Biển Đông để củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp của mình trong khu vực.     

“Đây là chiến lược được tính toán kỹ của Trung Quốc nhằm cố gắng lợi dụng khoảng thời gian các nước khác dồn hết sự chú ý để phòng chống Covid-19 cũng như năng lực của Mỹ trong khu vực suy giảm để gây áp lực với các nước láng giềng”, Peter Jennings, cựu quan chức quốc phòng Australia, nói.

 
 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới