Saturday, January 4, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiMột loạt cường quốc muốn rút nhà máy khỏi TQ

Một loạt cường quốc muốn rút nhà máy khỏi TQ

Trong hai tuần qua, các chính khách từ ba trong bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thảo luận hoặc công bố kế hoạch rút doanh nghiệp của họ rời khỏi Trung Quốc.

Trong hai tuần qua, các chính khách từ ba trong bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thảo luận hoặc công bố kế hoạch rút doanh nghiệp của họ rời khỏi Trung Quốc.

Ngày 21/4, Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Phil Hogan nói khối này sẽ tìm cách “giảm sự lệ thuộc thương mại” sau đại dịch, Politico đưa tin.

 Tuần trước, Nhật Bản dành hơn 240 tỷ yên (khoảng 2,2 tỷ USD) để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy về trong nước hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng việc chuyển đến Đông Nam Á.

Động thái này diễn ra sau khi Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Mỹ Larry Kudlow nói Washington nên trả chi phí để các công ty Mỹ đưa sản xuất rời khỏi Trung Quốc về Mỹ.

“Tôi muốn trợ cấp ngay cho các ngành như xí nghiệp, thiết bị, tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng”, ông Kudlow nói với Fox News.

Phụ thuộc thái quá vào Trung Quốc

Các công ty Mỹ, Nhật và châu Âu vốn đã chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vì giá lao động tăng và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhưng sức ép từ đại dịch giờ đây sẽ đẩy nhanh quá trình này khi cho thấy sự phụ thuộc thái quá của thế giới vào Trung Quốc, nhất là thiết bị y tế, theo South China Morning Post.

Chẳng hạn, công ty y tế Premier xác định 22 loại thiết bị bảo hộ và 30 loại thuốc “thiết yếu cần phải sản xuất ở Mỹ”. Liên minh Nhà sản xuất Mỹ cho biết ý tưởng “tách rời” và đưa sản xuất về nước đang “ngày càng trở nên phổ biến”.

Đối với Trung Quốc, quan hệ với Mỹ vốn không tốt, nhưng quan hệ với Nhật thì đang tan băng. Vì vậy, gói 2,2 tỷ USD để rút doanh nghiệp của Tokyo “gây tranh luận lớn trong chính giới Trung Quốc”.

Li Xunlei, kinh tế gia trưởng tại công ty chứng khoán Zhongtai Securities và cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, cho biết các giọng điệu trên từ các nước không phải mối đe dọa trực tiếp, nhưng sẽ là thách thức lâu dài cho Trung Quốc.

 “Sự gián đoạn do virus buộc các công ty nước ngoài tìm nhà cung cấp trong nước, và sự thiếu hụt đồ bảo hộ khiến người dân các nước phát triển nuối tiếc vì đã chuyển hết sản xuất ra nước ngoài”, ông Li nói với South China Morning Post.

70% khẩu trang bảo hộ đang dùng ở Mỹ là sản xuất ở Trung Quốc. Trung Quốc có dịch COVID-19 đầu tiên, nhưng cũng là nước đầu tiên kiềm chế được dịch, cho phép nước này bán hàng tỷ khẩu trang cho các nước đang thiếu hụt. Nhưng thường xuyên có những vụ Trung Quốc bị phàn nàn, tranh cãi về chất lượng.

Mong muốn giảm phụ thuộc về thiết bị y tế vào Trung Quốc cũng sẽ làm gia tăng lo ngại rộng hơn về sức mạnh của Bắc Kinh về quân sự, kinh tế, ngoại giao. Hàng loạt dự luật đang được đề xuất ở Mỹ để kiềm chế ảnh hưởng này.

Một dự luật do Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, đảng Cộng hòa, đề xuất sẽ yêu cầu Mỹ giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc. Dự luật này đã có sự ủng hộ của ba thượng nghị sĩ Dân chủ. Ngày nay, cứng rắn hơn với Trung Quốc là chủ đề hiếm hoi mà hai đảng của Mỹ bắt tay được.

“Thật không may là phải cần đến một đại dịch mới để thấy rõ hậu quả của việc chuyển các cơ sở công nghiệp của chúng ta sang các nước như Trung Quốc”, ông Rubio cho biết trong một thông cáo.

Một dự luật khác từ tháng trước của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton, bang Arkansas, sẽ cấm hỗ trợ liên bang cho các loại thuốc hay thành phần thuốc của Trung Quốc, và đặt ra quy định chặt chẽ về ghi nhãn mác nước xuất xứ.

Một loạt cường quốc muốn rút nhà máy khỏi Trung Quốc - 2

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi các công ty Nhật dời nhà máy ở Trung Quốc về nước hoặc chuyển sang Đông Nam Á. (Ảnh: Reuters)

Rời khỏi Trung Quốc – dư luận ủng hộ

Việc Tổng thống Trump sử dụng Luật Sản xuất Quốc phòng, buộc các công ty Mỹ sản xuất hàng hóa hỗ trợ chống dịch, cũng sẽ dẫn đến việc sản xuất trong nước vĩnh viễn đối với một số mặt hàng, theo các nhà phân tích.

Chỉ số Reshoring 2019, do công ty tư vấn Kearney công bố tháng này, phản ánh xu hướng chuyển sản xuất về lại Mỹ, cho thấy đại dịch đang buộc các công ty tiếp tục tư duy lại chuỗi cung ứng.

 Nhưng như vậy chưa chắc các công ty sẽ trở lại Mỹ một cách đáng kể. Thay vào đó, Mỹ đang có sự chuyển dịch lớn về nguồn cung, sang Mexico và các nước châu Á khác, nhất là Việt Nam, nước đã khỏa lấp chỗ trống trong bối cảnh nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm.

Đối với thiết bị y tế, chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ có chương trình đưa sản xuất về nước, một chính sách được ủng hộ rộng rãi.

Nhưng các mặt hàng khác có thể chưa chắc. 70% thành viên của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải cho biết không tính chuyện chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc vì virus. Nhiều công ty muốn ở lại để tiếp tục bán hàng cho thị trường khổng lồ tại đất nước 1,4 tỷ dân. Nhiều bên có thể sẽ mở xí nghiệp các nơi khác, nhưng vẫn giữ cơ sở ở Trung Quốc.

“Chuyển công ty khỏi Trung Quốc về Mỹ sẽ không đơn giản như xách vali lên và đi”, Ker Gibbs, Chủ tịch AmCham Thượng Hải, nói.

Ông nhận định rằng dù Mỹ có trợ cấp khuyến khích, nhưng chưa có lý do về mặt thị trường để họ làm vậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới