Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne bày tỏ sự lo ngại của Australia về “một số sự cố và hành động gần đây” ở Biển Đông trong đó bao gồm “những nỗ lực nhằm phá vỡ các hoạt động phát triển tài nguyên của các quốc gia khác, tuyên bố về cái gọi là các “quận hành chính” mới tại các thực thể đang có tranh chấp và việc đánh chìm tàu cá Việt Nam.
Theo đó, Ngoại trưởng Australia Marise Payne (22/3) đã bày tỏ quan ngại về “một số những vụ việc và hành động gần đây” trên Biển Đông, chỉ trích những hành động gần đây của Trung Quốc bao gồm “những nỗ lực nhằm gây rối hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác, tuyên bố thành lập “quận hành chính” mới trên các cấu trúc tranh chấp, đánh chìm một tàu cá Việt Nam”. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Australia Marise Payne tái khẳng định Australia không đứng về bên nào trong tranh chấp, song nước này “có lợi ích mạnh mẽ trong sự ổn định của tuyến hàng hải quan trọng này cũng như những quy tắc và pháp luật liên quan”. Vì vậy, Australia thúc giục tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển, bảo đảm tự hàng hải và hàng không. Bà Marise Payne cũng nhận định: “Điều quan trọng là tại thời điểm này, tất cả các bên cần kiềm chế các hoạt động gây mất ổn định và giảm bớt căng thẳng để cộng đồng quốc tế tập trung mọi nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19”.
Bên cạnh việc đưa ra các tuyên bố bày tỏ quan ngại và lên án hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, Australia cũng phối hợp với Mỹ tiến hành các cuộc tập trận nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Theo đó, tàu khu trục HMAS Parramtta của nước này đã tiến hành tập trận chung với các tàu hải quân Mỹ trên Biển Đông “nhằm củng cố sự ổn định và an ninh trong khu vực”.
Truyền thông, học giả Australia cũng đưa ra các tuyên bố chỉ trích hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne, Giám đốc chương trình quốc phòng của Viện chiến lược Australia Michael Shoebridge đánh giá, tuyên bố của Bộ trưởng Marise Payne cho thấy Trung Quốc “không phải là quốc gia duy nhất có thể xử lý đại dịch và khẳng định sự quan tâm chiến lược đối với vấn đề này”. Ông Michael Shoebridge cũng nhận định: “Trung Quốc coi đại dịch toàn cầu là cơ hội để tiếp tục kiểm soát đơn phương các khu vực đang tranh chấp với những bên khác cho thấy sự “hung hăng” và bản chất “bành trướng”.
Giáo sư Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng – Đại học New South Wales (Australia) nhận định, hành động của Trung Quốc khi ngang ngược thành lập 2 huyện hành chính quản lý Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là động thái khiêu khích, bất hợp pháp theo luật quốc tế, vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hủy hoại nghiêm trọng quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN để có được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý. Theo chuyên gia, hành động mới đây là Trung Quốc chống lại tinh thần và nội dung về “Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc”, văn kiện mà lãnh đạo các bên đã thỏa thuận vào tháng 10/2011. Theo đó, “Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc” năm 2011 nêu rõ, trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của DOC. Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác. Bên cạnh đó, những hành động của Trung Quốc sẽ ngày càng hủy hoại niềm tin giữa 2 nước, vì họ (Bắc Kinh) liên tục vi phạm chính những điều họ đã cam kết khi nói sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại giữa các bên trực tiếp quan tâm.
Báo điện tử The Sydney Morning Herald cũng nhắc lại việc vào Chủ Nhật (19/4) vừa qua, Việt Nam đã phản đối tuyên bố của Trung Quốc về việc thành lập hai cái gọi là “quận hành chính” trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Báo này cho biết, động thái của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam phản đối việc tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm và làm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở ngoài khởi quần đảo Hoàng Sa, vùng biển đang bị tranh chấp. Báo này cũng nhắc lại việc tuần trước, một tàu khảo sát của chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu theo dõi một tàu khoan của Malaysia trong lúc đang tiến hành các hoạt động thăm dò ngoài khơi Malaysia. Báo điện tử The Sydney Morning Herald cũng thông tin, Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc đối đầu và cho biết, tàu khảo sát của họ có tên gọi là Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) đang tiến hành các hoạt động bình thường trong khu vực, đồng thời cho biết, một tàu khảo sát tương tự của Trung Quốc trước đây đã theo dõi các hoạt động khai thác dầu ngoài khơi Việt Nam.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.