Việc tàu chiến Trung Quốc chĩa radar điều khiển hỏa lực và quay pháo hướng vào tàu Philippines là không thể chấp nhận được, vì đây là hành động thù địch có thể dẫn đến những tính toán sai lầm, cuối cùng là xung đột.
Bộ Quốc phòng Philippines (23/4) đã xác nhận một cuộc chạm trán vào tháng 2 giữa một tàu chiến Trung Quốc và một tàu hộ tống của Hải quân Philippines trên vùng biển thuộc quần đảo Kalayaan ở Biển Đông. Theo đó, sự cố xảy ra ngày 17/2 giữa tàu Hải quân BRP Conrado Yap (PS39) và tàu hộ vệ tên lửa Type-056A số hiệu 514 của Trung Quốc.
Hôm đó, tàu BRP Conrado Yap (ảnh) đang thực hiện tuần tra tại khu vực Dự án năng lượng khí đốt tự nhiên Malampaya tại nhóm đảo Kalayaan thì phát hiện tàu Trung Quốc màu xám lại gần. Qua quan sát, vũ khí của tàu Trung Quốc đã chĩa vào phía tàu PS39. Dù tàu BRP Conrado Yap không có các thiết bị điện tử để hỗ trợ xác nhận việc tàu chiến Trung Quốc hướng radar điều khiển hỏa vào tàu của họ, nhưng các hình ảnh quan sát được xác định động thái thù địch của tàu chiến Trung Quốc. Bộ Tư lệnh miền Tây cho biết, “bộ phận kiểm soát súng này có thể được sử dụng để xác định, theo dõi mục tiêu và làm cho tất cả các khẩu súng chính sẵn sàng khai hỏa trong 1 giây”. Tàu Philippines PS39 ngay lập tức đưa ra cảnh báo qua radio và đề nghị tàu Trung Quốc tiếp tục hành trình đến đích, nhưng tàu Trung Quốc đã phản ứng bằng thông tin sai trái là: “Chính phủ Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với Biển Đông, các đảo và vùng biển lân cận”.
Bộ Ngoại giao Philippines (22/4) đã gửi công hàm phản đối vụ việc đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila. Trong khi đó, cựu cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jose Antonio Custodio cho biết, việc tàu chiến Trung Quốc chĩa radar điều khiển hỏa lực và quay pháo hướng vào tàu Philippines là không thể chấp nhận được, vì đây là hành động thù địch có thể dẫn đến những tính toán sai lầm, cuối cùng là xung đột. Truyền thông Philippines nhận định vụ việc trên là một trong những hành động gây hấn của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông
BRP Conrado Yap (PS-39), lượng choán nước 1.200 tấn, là tàu chiến được vũ trang mạnh nhất của Philippines. Nguyên bản của nó là tàu hộ tống lớp Pohang do Hàn Quốc chế tạo. Tàu được Hải quân Hàn Quốc ngưng sử dụng vào năm 2016, sau đó tân trang lại và viện trợ cho Philippines. Trong khi đó, Type 056 là tàu hộ vệ được Trung Quốc tự nghiên cứu và bắt đầu đóng mới từ đầu những năm 2010. Đây hiện được coi là một trong những loại tàu chiến có quân số lớn nhất của Trung Quốc. Tính tới tháng 1/2020, tổng cộng Hải quân Trung Quốc đang sử dụng 44 tàu hộ vệ Type 056 trong biên chế lực lượng. Ngoài ra nước này cũng dự kiến sẽ đóng mới tổng cộng 71 chiếc khác. Hộ vệ hạm Type 056 của Trung Quốc có giãn nước tối đa chỉ 1500 tấn, dài 90 mét và mớm nước 4 mét. Tàu được trang bị hai động cơ diesel cho phép di chuyển với tốc độ tối đa 25 hải lý giờ. Tàu có biên chế thuỷ thủ đoàn chỉ 78 người, được trang bị vũ khí chính bao gồm một khẩu hải pháo 176 cỡ nòng 76mm, 2 pháo 30mm cùng 2 ống phóng tên lửa Ỵ-83 chống hạm. Ngoài ra tàu hộ vệ đông bậc nhất Trung Quốc còn được trang bị 8 ống phóng FL-3000N phòng không và 2×6 ống phóng ngư lôi 324mm. Tàu cũng có một sàn đáp để hạ cánh trực thăng. Thông thường, tàu hộ vệ tên lửa Type 056 của Trung Quốc sẽ mang theo một trực thăng Z-9 làm nhiệm vụ vận tải.
Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là một trong những nước thường xuyên sử dụng chiêu trò chĩa súng đe dọa, khiêu khích tàu chiến các nước khi hoạt động trên Biển Đông. Trong đó có một số vụ điển hình như: Tàu chiến 995 của Trung Quốc (11/2015) mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05 của Việt Nam khi đang trên đường từ đảo Sơn Ca về đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Tàu chiến 995 có trọng tải 4.800 tấn, tốc độ 17 hải lý/giờ, tầm hoạt động 3.000 hải lý với thủy thủ đoàn lên đến 120 người. Tàu chở được 250 binh lính, 10 xe tăng, 4 xuồng đổ bộ. Đặc biệt, tàu này được trang bị 6 khẩu pháo 37mm và 2 sàn đỗ máy bay trực thăng. Tàu 995 tàu vận tải đổ bộ lớp Du Đình I+II (LST) thuộc Hạm đội Nam Hải. Theo đó, khoảng 9g30 sáng 13/11/2016, khi tàu Hải Đăng 05 đi ngang qua bãi đá Xu Bi (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) khoảng 12 hải lý thì Trung Quốc xua một tàu nhỏ ra đuổi. Đến 11g cùng ngày, hai tàu hải cảnh mang số hiệu 2305 và 35115 xuất hiện và tổ chức vây ép từ mũi và đuôi tàu Hải Đăng 05. Tình huống lúc này rất nguy hiểm. Tàu hải cảnh 35115 xé nước từ phía sau lái tàu Hải Đăng 05. Còn tàu hải cảnh 2305 lại ép từ mạn phải, phía trước mũi tàu. Sau đó các tàu Trung Quốc thi nhau cắt mũi nằm tạo tình huống ngụy tạo là tàu Việt Nam cố va chạm. Khoảng 30 phút sau, tàu chiến 995 xuất hiện. Tàu chiến 995 của Trung Quốc ngay lập tức vây ép tàu Hải đăng 05 của Việt Nam. Đồng thời bắn pháo hiệu liên tục qua tàu Hải Đăng 05 với hàm ý đe dọa, xua đuổi. Nhưng nghiêm trọng nhất là đến khoảng 12g thì tàu chiến 995 của Trung Quốc mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05.
Trung Quốc luôn miệng tuyên bố không quân sự hóa các đảo nhân tạo và bao biện với cộng đồng quốc tế rằng các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam chỉ nhằm phục vụ mục đích dân sự, thể hiện nghĩa vụ quốc tế của mình. Tuy nhiên, khi tàu chiến nước này chĩa súng trực tiếp vào tàu tiếp tế dân sự của Việt Nam thì Trung Quốc đã thật sự lộ rõ dã tâm của mình. Đó là họ đang âm thầm xây dựng đồn bốt, tiền tiêu, căn cứ quân sự mang ý nghĩa tấn công. Đây gần như là một hành động leo thang căng thẳng mới, cho thấy căn cứ quân sự Trung Quốc đang trực tiếp đe dọa đến tính mạng và hoạt động dân sự của tàu thuyền các nước, trong đó có Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc còn mang tính thách thức dư luận vì nhiều nước đã đề nghị Trung Quốc không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn cứ làm. Công ước luật biển chỉ quy định vùng an toàn 500m tính từ các đảo nhân tạo. Hành động chĩa súng của Trung Quốc mới là hành vi đe dọa, nhưng nếu như các tàu của Trung Quốc vây ép tàu tiếp tế hải đăng của Việt Nam ngoài vùng an toàn 500m thì rõ ràng họ vi phạm luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc xua tàu ra vây ép tàu Việt Nam cho thấy nước này muốn thể hiện vai trò thực thi pháp luật trong vùng biển mà họ tự cho là thuộc chủ quyền, quyền tài phán của họ. Nếu tàu các nước đi vào vùng biển này mà tuân theo hiệu lệnh và yêu sách sai trái của Trung Quốc thì sẽ mắc mưu nước này.