Friday, October 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTàu chiến tiếp tục đi qua eo biển Đài Loan: TQ chưa...

Tàu chiến tiếp tục đi qua eo biển Đài Loan: TQ chưa đủ để lên mặt với Mỹ

Sau khi Trung Quốc cho hạm đội tàu sân bay di chuyển qua eo biển Bashi ở phía Nam Đài Loan nhằm thể hiện sự vượt trội so với hải quân Mỹ, nhất là trong bối cảnh nhiều tàu sân bay Mỹ phải tạm dừng hoạt động vì dịch COVID-19, phía Mỹ đã có hành động đáp trả đầy ấn tượng.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan (24/4) cho biết, biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan ngăn cách hòn đảo với Trung Quốc đại lục theo hướng Bắc-Nam và đang tiếp tục đi về phía Nam. Đây là lần thứ hai Mỹ đưa tàu chiến di chuyển qua eo biển Đài Loan chỉ trong một tháng qua. Theo đó, cách đây hai tuần, tàu USS Barry cũng đã di chuyển qua eo biển Đài Loan đúng ngày các chiến đấu cơ của Trung Quốc tiến hành tập trận gần đảo Đài Loan. Các lực lượng của Đài Loan cho biết đang dõi theo chiến hạm này và khẳng định con tàu đang làm “nhiệm vụ bình thường”.

Trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry đã đi qua eo biển Đài Loan theo quy định của pháp luật quốc tế. Sự di chuyển của con tàu qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các chuyến bay, tuần tra trên biển và hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép.

Trên thực tế, tàu khu trục USS Barry của hải quân Mỹ đã được tái tân trang hệ thống chiến đấu Aegis tối tân nhất cách đây hai năm. Động thái này nhằm tăng khả năng bảo vệ các căn cứ của Mỹ như cơ sở trên đảo Guam và các chiến hạm Mỹ trước mối đe dọa từ tên lửa DF-21D và DF-26 của Trung Quốc.

USS Barry là tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke. Con tàu đầu tiên trong lớp Arleigh Burke được hạ thủy vào năm 1988, đưa vào biên chế năm 1991 và liên tục được đóng mới từ đó cho tới nay (ngoại trừ khoảng thời gian ngắn những năm 2010). Lớp Arleigh Burke được chia thành nhiều phiên bản (Flight): 21 tàu đầu tiên từ DDG-51 tới DDG-71 được xếp vào Flight I, 7 chiếc tiếp theo (DDG-72 tới DDG-78) thuộc Flight II. Bản nâng cấp IIA được chế tạo từ cuối năm 1997, bao gồm 43 chiếc đã được biên chế (DDG-79 tới DDG-112) và 11 tàu đang trong quá trình đóng mới và hoàn thiện (DDG-113 đến DDG-123). Flight III gồm 3 tàu (DDG-124 đến DDG-126) mới bắt đầu quá trình đóng mới từ năm 2018. Lượng giãn nước toàn tải của Flight I là 8.315 tấn, Flight II là 8.400 tấn, Flight IIA tăng tới 9.200 tấn và Flight III là 9.800 tấn. Flight I và II có chung chiều dài 154 m, trong khi Flight IIA kéo dài lên mức 155 m. Chiều rộng tất cả các tàu đều là 20 m.

Mỗi chiếc Burke được trang bị 1 khẩu pháo 127mm, 96 silo phóng tên lửa, radar SPY-1, hệ thống chiến đấu Aegis. Mỗi tàu có hai2 cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm Mark 32 với 6 quả đạn. Vào cuối những năm 1990, mỗi chiếc Burke được trang bị trên 2 bãi đáp trực thăng. Chỉ có 28 tàu lớp Arleigh Burke được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, 34 chiếc còn lại đã loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này. Những chiếc mang tên lửa Harpoon cũng dần chuyển sang vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo với sự xuất hiện của tên lửa SM-3 Block 1B. Với phiên bản Flight III, tàu Arleigh Burke sẽ sử dụng hệ thống radar phòng thủ tên lửa tiên tiến SPY-6 thay cho SPY-1. Mỹ hiện có tổng cộng 62 tàu khu trục Burke, với 14 chiếc đang được đóng hoặc đã ký hợp đồng nhưng chưa đi vào khâu sản xuất. Các chuyên gia cho rằng lớp Arleigh Burke vẫn giữ vai trò quan trọng trong thành phần hạm đội tàu nổi Mỹ, nhất là khi nước này đang dần loại biên các tàu tuần dương lớp Ticonderoga, còn dự án siêu tàu khu trục lớp Zumwalt bị cắt giảm chỉ còn ba chiếc so với 32 tàu theo kế hoạch ban đầu.

Động thái trên của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mới đưa nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh gồm tổng cộng 6 chiến hạm Liêu Ninh, 2 tàu khu trục Tây Ninh (117) và Quý Dương (119) cùng loại Type-052D (lớp Lữ Dương 3), 2 tàu hộ tống Tảo Trang (542) và Nhật Chiếu (598) cùng loại Type-054A (lớp Giang Khải 2), tàu hậu cần Hồ Hô Luân (965) loại Type-901 di chuyển qua eo biển Đài Loan rồi quay ngược trở lại Biển Đông.

Trong khi đó, từ đầu năm 2020 đến nay, Mỹ nhiều lần đưa tàu chiến qua khu vực eo biển Đài Loan. Ngày 25/3, Mỹ điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS McCampbell đi qua eo biển Đài Loan; ngày 15/2, một tàu chiến Mỹ đã băng qua eo biển Đài Loan song không tiết lộ tên con tàu trên, chỉ cho biết rằng đây là một đợt quá cảnh thông thường khi nó băng qua eo biển theo hướng Nam; ngày 17/1, một tàu khu trục tên lửa hành trình USS Shiloh (CG-67) cũng đã thực hiện hành trình tương tự. Phía Hải quân Mỹ cho biết việc tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhấn mạnh Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động của tàu thuyền, máy bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Lâu nay, Trung Quốc vẫn chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập vào đại lục. Bắc Kinh cũng nhiều lần nhấn mạnh nhấn, Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ – Trung”. Về phần mình, hải quân Mỹ đã cho tăng cường hoạt động tuần tra qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan trong việc tăng cường an ninh. Dù không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Mỹ lại là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Đài Loan trên trường quốc tế, cũng như trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới