Friday, October 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ tăng cường năng lực tác chiến trên biển: Chuẩn bị cho...

TQ tăng cường năng lực tác chiến trên biển: Chuẩn bị cho xung đột trong tương lai

Truyền thông Trung Quốc (22/4) cho biết, hải quân nước này đang tiến hành các cuộc tập trận nâng cao năng lực tác chiến cho hạm đội tàu sân bay nhằm chuẩn bị kỷ niệm 71 năm thành lập của hải quân.

Trong những ngày gần đây, tờ PLA Daily nhiều lần đưa tin về việc lực lượng lục quân, hải quân và không quân thuộc 5 Chiến khu của quân đội Trung Quốc đã đồng loạt tổ chức tập trận quân sự. Cụ thể, hôm 11/4, một trong những cuộc tập trận quy mô lớn đã được Trung Quốc triển khai với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh. Nhóm tàu chiến Trung Quốc gồm tàu sân bay Liêu Ninh, 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D, 2 tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường Type 054A và 1 tàu hỗ trợ Type 901 đã di chuyển eo biển Miyako, eo biển Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông để tập trận.

Tân Hoa xã lại cho biết, trong khi tàu sân bay Liêu Ninh tập trận tấn công-phòng thủ trên Biển Đông, thì tàu Type 055 thì đang tiến hành cuộc diễn tập tác chiến ở vùng biển ngoài thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông. Còn tàu sân bay Sơn Đông đang tổ chức diễn tập tại cảng ở thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh. Tờ báo trên cho biết, hải quân Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển, tập trung vào việc xây dựng các lực lượng tác chiến mới, trau dồi các kỹ năng tấn công ở vùng biển xa, tấn công dưới nước, đổ bộ tác chiến cũng như phối hợp giữa chiến đấu cơ và tàu chiến. Cũng theo Tân Hoa xã, hải quân Trung Quốc gần đây đưa vào biên chế nhiều khí tài mới, như tàu Type-055, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chiến lược, tàu sân bay nội địa (tàu Sơn Đông), hạ thủy tàu đổ bộ thứ hai thuộc lớp Type 075 có thể chở tới 30 trực thăng các loại, tàu tiếp tế và sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ hoạt động từ tàu sân bay và máy bay tuần tra chống tàu ngầm…

Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả Trung Quốc lại cho rằng hải quân Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận trên biển cho thấy hải quân Trung Quốc đang vượt trội so với Mỹ và các nước đồng minh. Ông Song Zhongping, chuyên gia phân tích quân sự tại Hong Kong nhận định sự xuất hiện của tàu sân bay Liêu Ninh gần Đài Loan không chỉ nhằm chứng minh năng lực quân sự của Trung Quốc trước Đài Loan, mà còn muốn thể hiện khả năng kiềm chế dịch Covid-19 của Trung Quốc tốt hơn Mỹ. So với quân đội Trung Quốc, quân đội Mỹ hiện yếu hơn và thiếu kinh nghiệm xử lý các hoạt động quân sự phi truyền thống như chiến đấu chống dịch bệnh. Bởi nhiệm vụ này phần lớn do lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ tại các bang đảm nhận. Kể từ khi mối đe dọa của dịch Covid-19 giảm dần, quân đội Trung Quốc đã quay trở lại chương trình huấn luyện thường kỳ để chuẩn bị cho cuộc chiến tiềm tàng nhằm sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ đại lục. Khả năng cuộc chiến này rất phức tạp vì có thể có sự tham gia của các lực lượng nước ngoài như hải quân Mỹ và Nhật Bản. Trong khi đó, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, ông Zhou Chenming cho rằng quân đội Trung Quốc chưa thể kiểm soát các nguồn lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp trong lực lượng binh sĩ và sĩ quan bởi mối đe dọa từ dịch Covid-19 vẫn còn. Bên cạnh đó, sử dụng vũ lực để sáp nhập Đài Loan vẫn là lựa chọn cuối cùng, chứ không phải là ưu tiên hàng đầu. Làm cách nào để quản lý và duy trì sự thịnh vượng của Đài Loan hiện là vấn đề quan trọng nhất trong mối quan hệ liên eo biển Đài Loan, cho rằng quân đội Trung Quốc cũng sẽ không tận dụng cơ hội này để sáp nhập Đài Loan.

Trái ngược với nhận định, đánh giá của giới học giả Trung Quốc, giới chuyên gia khu vực và quốc tế nhận định đây là hành vi leo thang căng thẳng của Trung Quốc và là tín hiệu cho thấy tham vọng thống nhất Đài Loan. Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) nhận xét: “Bắc Kinh đang sử dụng cuộc tập trận của tàu sân bay Liêu Ninh ở vùng biển ngoài khơi Đài Loan để gửi thông điệp đến Đài Bắc rằng quân sự vẫn là một trong các chọn lựa để thống nhất Đài Loan nếu Đài Bắc tiếp tục tìm cách độc lập”. Không những vậy, khi cho tàu sân bay tập trận ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng gửi thông điệp đe dọa đến các nước ASEAN liên quan tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này. Đưa ra tuyên bố chủ quyền (phi pháp), Trung Quốc vẫn tự cho rằng Biển Đông là lợi ích cốt lõi của nước này. Vì thế, cuộc tập trận của tàu Liêu Ninh còn ẩn chứa cả tín hiệu rằng Bắc Kinh sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ lợi ích cốt lõi.

Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng Trung Quốc từ sớm đã chuẩn bị để nhóm tác chiến tàu sân bay tập trận ở khu vực Thái Bình Dương. Lần này, nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc có hải trình đi theo ven Thái Bình Dương qua ngả Đài Loan để vào Biển Đông. Hải trình này nhằm thể hiện thông điệp chứng minh rằng Trung Quốc có thể cắt đường cung từ Mỹ và Nhật Bản qua Đài Loan, rồi bao vây Đài Loan. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng chiến đấu cơ mà Bắc Kinh đang bố trí trên tàu sân bay khó có thể đủ sức cắt đường cung nối từ Mỹ và Nhật Bản qua Đài Loan. Đó là chưa kể một thực tế rằng vẫn chưa có bằng chứng nào thuyết phục về việc tàu sân bay Liêu Ninh thực sự có thể triển khai máy bay tiêm kích để tác chiến. Đối với các nước Đông Nam Á, nhóm tác chiến tàu sân bay có mức độ đe dọa khá lớn, bởi nếu so về tương quan quân sự thì lực lượng chiến đấu cơ của các nước trong khu vực ASEAN khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, xét về ý nghĩa chính trị thì hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh lần này còn mang một thông điệp của Bắc Kinh gửi đến Washington là tàu sân bay của Trung Quốc đã an toàn trong đại dịch Covid-19, còn các tàu sân bay của Mỹ thì không. Ngoài ra, thực tế thì Bắc Kinh đang có cải thiện đáng kể về hoạt động tàu sân bay. Tháng 12/2016, tàu Liêu Ninh lần đầu tiên triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay vượt eo biển Miyako để đến khu vực tây Thái Bình Dương. Đến tháng 4/2018, tàu sân bay Liêu Ninh lại đạt bước tiến mới khi lần đầu tiên chiến đấu cơ cất cánh thành công từ tàu này ở vùng biển tây Thái Bình Dương. Rồi tháng 6.2019, dù không mang theo chiến đấu cơ, nhưng tàu sân bay Liêu Ninh đã thành lập một nhóm tác chiến đầy đủ được hộ tống bởi 6 chiến hạm gồm tàu khu trục và tàu hộ tống, cùng 1 tàu tiếp tế để vượt qua eo biển Miyako. Lần này, chiến hạm Liêu Ninh lại vượt eo biển Miyako, qua khu vực Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông theo đội hình nhóm tác chiến tàu sân bay để đến Biển Đông tập trận. Do chưa có thông tin đầy đủ về việc tàu Liêu Ninh mang theo chiến đấu cơ nên chỉ có thể dự báo nhiều khả năng, Trung Quốc lần này sẽ tổ chức tập trận với chiến đấu cơ xuất kích từ tàu sân bay. Qua hải trình lần này, chờ xem tàu Liêu Ninh có thể hoạt động liên tục bao lâu trên biển để chứng minh năng lực của thủy thủ đoàn vốn chưa có nhiều kinh nghiệm tác chiến tàu sân bay.

Đáng chú ý, ông Vladimir Evseev chuyên gia từ Viện Nghiên cứu chiến lược Nga (RISS) cho rằng kế hoạch của Trung Quốc về hiện đại hóa quân đội đang được thực thi thành công. Trước hết là trong lĩnh vực Hải quân, có thể mở rộng tiềm năng dưới dạng tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Một trong những ưu tiên của Trung Quốc chắc là gia tăng hiện diện ở Biển Đông, cũng như cố gắng nắm quyền kiểm soát eo biển Malacca. Điều đó sẽ song song với việc tăng cường thành phần hàng không để đảm bảo an toàn cho các hòn đảo xây dựng nhân tạo. Trung Quốc cũng sẽ tăng đáng kể cơ số máy bay không người lái của mình, trước hết là UAV tấn công, để kiềm chế Hoa Kỳ. Hiện thời chưa rõ liệu Trung Quốc có tiến tới chế tạo các phương tiện không người lái ngầm dưới nước hay không, nhưng cũng chẳng nên loại trừ phương án như vậy, bởi đây sẽ là lời đáp trả rất hiệu nghiệm đối với sự hiện diện các nhóm hàng không tấn công của Hoa Kỳ. Nhìn chung, cho đến những năm 2025-2030, tiềm năng hải quân của Trung Quốc sẽ mạnh lên đáng kể.

Trong khi đó, tiến sỹ James Holmes, Đại học Hải chiến Mỹ cho rằng việc tập trận lần này của Trung Quốc nhằm hoàn thiện khả năng tác chiến như xuất kích, hạ cánh chiến đấu cơ trên tàu sân bay. Bằng cách thể hiện một lực lượng đầy đủ của nhóm tác chiến tàu sân bay, Bắc Kinh muốn phô trương sức mạnh để ép buộc các nước khác ở Đông Nam Á. Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ Patrick Cronin, Chủ tịch Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang công khai sử dụng tàu sân bay tập trận để đe dọa các nước láng giềng và bao gồm cả răn đe Đài Loan. Động thái này còn nhằm thể hiện tàu sân bay Trung Quốc có thể hoạt động như tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt, vốn đang phải neo tại đảo Guam vì dịch bệnh Covid-19.

RELATED ARTICLES

Tin mới