Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngChiến thuật "khó đoán" của Mỹ ở Biển đông

Chiến thuật “khó đoán” của Mỹ ở Biển đông

Hai máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer đã thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông vào ngày 29.4. Đây là một phần trong chiến thuật “khó dự đoán” của quân đội Mỹ.

Hai máy bay ném bom B-1B tiếp cận máy bay tiếp nhiêu liệu KC-135 khi thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông ngày 29.4

Hai máy bay ném bom B-1B cất cánh từ căn cứ không quân Ellsworth, bang South Dakota (Mỹ), thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông rồi quay trở lại căn cứ, theo trang Pacific Air Forces ngày 30.4. Chuyến bay này kéo dài 32 giờ.

Hồi tuần rồi, một máy bay ném bom B-1B hôm 22.4 đã thực hiện chuyến bay kéo dài 29 giờ tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để bay diễn tập cùng 6 máy bay chiến đấu F-16 (Mỹ) và các chiến đấu cơ F-2, F-15 của Nhật Bản ở ngoài khơi Nhật Bản rồi quay trở lại căn cứ.
“Đây là nhiệm vụ nhằm đảm bảo cam kết với đồng minh và ngăn chặn đối thủ, cùng lúc thực hiện mô hình triển khai lực lượng linh động”, ông Lincoln Coleman, chỉ huy Phi đội ném bom thứ 37, cho biết.

Chiến thuật mới của Mỹ

Trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Timothy Heath, chuyên gia quốc phòng của tổ chức nghiên cứu chính sách Rand Corp (Mỹ), cho biết các nhiệm vụ liên tiếp và bất ngờ là một phần chiến thuật “không thể đoán trước được hoạt động” của Lầu Năm Góc hay còn gọi là mô hình triển khai lực lượng linh động. Mục tiêu của chiến thuật mới là không để cho đối thủ dự đoán được việc triển khai lực lượng cố định hoặc luân phiên.
Ông Heath chỉ ra một động thái tương tự hôm 17.4, khi đó Không quân Mỹ bất ngờ rút các máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52 khỏi đảo Guam ở Thái Bình dương. Động thái này chấm dứt chương trình Máy bay ném bom hiện diện thường trực ở Guam.
Tuy nhiên, năm ngày sau đó, máy bay ném bom B-1B bất ngờ quay trở lại Thái Bình Dương, diễn tập với chiến đấu cơ Nhật Bản ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. “Như vậy, dù máy bay ném bom không còn hiện diện ở Guam nhưng luôn sẵn sàng xuất kích. Tương tự, các lực lượng của Mỹ cũng có khả năng thực hiện những nhiệm vụ liên tiếp và bất ngờ ở Biển Đông, không giống mô hình trước đây vốn có thể dự đoán được”, chuyên gia Heath nói.
Nhà phân tích Carl Schuster, cựu đại tá Hải quân Mỹ, cho biết chiến thuật “khó dự đoán” cũng thể hiện rõ khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry hôm 28.4 bất ngờ thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố đã triển khai lực lượng để cảnh báo và xua đuổi khu trục hạm Mỹ USS Barry khỏi vùng biển gần Hoàng Sa ngày 28.4. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau (tức 29.4), Trung Quốc chắc chắn rất bất ngờ khi hai máy bay ném bom chiến lược B-1B xuất hiện ở Biển Đông và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill thì tuần tra gần Trường Sa, theo ông Schuster.
Điều này cho thấy sự thay đổi chiến thuật của Mỹ, với những cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải được thực hiện liên tiếp ở Biển Đông. Trước đây, những cuộc tuần tra như thế này thường xảy ra cách nhau vài tuần hoặc hơn.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 23.4 đã lên án Trung Quốc lợi dụng thế giới tập trung ứng phó đại dịch Covid-19 để tiếp tục thực hiện hành vi khiêu khích ở Biển Đông.
Ông Pompeo đã chỉ rõ những hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông trong tháng 4, bao gồm: thành lập hai đơn vị hành chính cấp quận – huyện bất hợp pháp để kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam; xây trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi ở Trường Sa; điều đội tàu dọa dẫm và ngăn chặn láng giềng thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài khơi. 
RELATED ARTICLES

Tin mới