Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu hóa sẽ có những biến động lớn
Những biến động theo xu hướng “khu vực hóa, quốc gia hóa”, bùng nổ giao tiếp từ xa và thương mại điện tử, quá trình “tự động hóa” cũng được đẩy nhanh.
Các nhà kinh tế nhận định rằng, nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng do đại dịch coronavirus sẽ là một thách thức nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế, những hậu quả chưa từng có và thảm khốc của cuộc suy thoái này là chưa thể đo lường được.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 14 tháng 4, lần đầu tiên trong lịch sử, IMF ghi nhận sự ngưng lại gần như hoàn toàn của nền kinh tế toàn cầu vào đầu tháng 4.
Quỹ này dự báo rằng, sẽ xảy ra một cuộc suy thoái dài và sâu trong nền kinh tế, gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, khiến kinh tế thế giới năm nay sẽ bị suy giảm khoảng 3%, đây là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Đại khủng hoảng những năm 1930.
Theo ước tính, tổng thiệt hại của GDP thế giới năm 2020 và 2021 có thể lên tới khoảng 9 nghìn tỷ dollars – lớn hơn GDP của hai nền kinh tế Nhật Bản và Đức cộng lại.
Mặc dù IMF đưa ra dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2021, nhưng bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF cũng không loại trừ khả năng đến cuối năm 2021, hoạt động kinh tế toàn cầu có thể vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn.
Hơn thế nữa, sau khi đại dịch Coronavirus đi qua, nền kinh tế toàn cầu sẽ xuất hiện rất nhiều biến động, trong đó tiêu biểu là những sự dịch chuyển mang tính xu hướng, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới.
“Toàn cầu hóa” biến thành: “khu vực hóa, quốc gia hóa”?
Không quốc gia nào có thể xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ hoàn toàn. Nếu là một nước phát triển, họ sẽ xây dựng nền kinh tế theo hướng kinh tế công nghiệp hiện đại, công nghệ cao để tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực trí tuệ con người và công nghệ tiên tiến của mình.
Các loại hàng hóa phục vụ đời sống, linh kiện, thiết bị nhỏ lẻ có thể được gia công ở các nước kém phát triển hơn.
Điều đó đồng nghĩa với việc các nước kém và đang phát triển sẽ phải xây dựng nền kinh tế sản xuất hàng tiêu dùng, gia công thiết bị, linh kiện cho nước khác, để tận dụng nguồn nhân công lao động dồi dào, giá rẻ và tài nguyên lãnh thổ của mình.
Giáo sư tài chính quốc tế Carmen Reinhart tại Đại học Harvard cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ tái định hình các chuỗi cung ứng.
Đại dịch sẽ đặt câu hỏi về lợi ích và chi phí của việc toàn cầu hóa, làm tăng thêm nghi ngờ về chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến chúng trở nên mang tính chất “địa phương” hơn.
Tiến trình này vốn đã bắt đầu trong thời gian diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, khi các doanh nghiệp tìm cách lách thuế của Mỹ, nhưng giờ sẽ tăng tốc.
Con người sẽ có nỗi lo sợ du lịch nước ngoài, cũng như lo lắng về các mặt hàng thiết yếu và khả năng phục hồi trong nước.
Các doanh nghiệp thì thay vì chú trọng vào việc tối ưu hóa hiệu quả, sẽ chuyển sang tối ưu hóa khả năng phục hồi thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung, bổ sung các mặt hàng trong kho dự trữ.
Ông Joseph Stiglitz, giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia, người nhận giải thưởng Nobel về kinh tế, nói thêm rằng, sau khi đại dịch kết thúc, các quốc gia sẽ cần tạo ra hệ thống tài chính toàn cầu với triển vọng dài hạn và khả thi hơn.
Các nước sẽ phải tìm một sự cân bằng bền vững hơn giữa lợi ích của toàn cầu hóa và dựa vào sự tự lực cần thiết.
Chuyên gia Hamid Zadbum, Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm lãnh đạo Tổ chức Phát triển Thương mại Iran nhấn mạnh, do sự xuất hiện của coronavirus, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới không thể mau lẹ đảm bảo cung cấp cho nước mình những hàng hóa cần thiết, bởi chuỗi sản xuất-cung ứng toả rộng ở nhiều nước khác nhau.
Sự ngắt quãng chuỗi này do coronavirus đã làm phát sinh không ít vấn đề ở nhiều quốc gia, khi họ không thể có được hàng hóa thiết yếu vào đúng lúc cần nhất.
Coronavirus chính là động lực thúc đẩy các nước thiết lập hoặc tái thiết lập dây chuyền nội địa sản xuất các loại hàng hóa trong nước, giảm bớt độ lệ thuộc vào phân công lao động quốc tế.
Trong tương lai, “chủ nghĩa dân tộc kinh tế” sẽ dẫn đến thực tế là các quốc gia sẽ ngày càng tự cô lập các nền kinh tế của họ khỏi thế giới bên ngoài.
Điều đó dẫn đến hiện tượng nền kinh tế thế giới có thể sẽ chuyển động theo hướng từ “toàn cầu hóa” thu hẹp lại thành “khu vực hóa, quốc gia hóa”, sau đại dịch COVID-19.
Kinh tế số lên ngôi
Công nghệ hội nghị truyền hình từ lâu đã trở thành điều bình thường trong lĩnh vực học tập, y tế, cũng như tại các công sở và công ty thương mại. Tuy nhiên coronavirus đang biến giao tiếp từ xa trở thành một yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn tồn tại.
Một cuộc khảo sát với hơn 800 công ty do công ty tư vấn Gartner tiến hành hồi giữa tháng 3/2020 cho thấy, 88% các công ty hiện nay đã và đang khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu người lao động làm việc tại nhà.
Do cách ly và phong tỏa xã hội, hoạt động đi lại kinh doanh bị gián đoạn, các nền tảng phục vụ các cuộc họp trực tuyến như Google Hangouts, GoToMeeting và Zoom Cloud Meeting trở thành điều không thể thiếu đối với các công ty, doanh nghiệp…
Trong tương lai, mô hình công ty làm việc tập trung sẽ bị lấn át bởi các công ty làm việc trên mạng máy tính, dẫn đến bùng nổ giao tiếp từ xa.
Một vấn đề khác là các biện pháp cách ly xã hội sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của thương mại điện tử, do người tiêu dùng buộc phải hạn chế tới các chuỗi cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng và các quán bar, trong khi nhu cầu đối với một số loại mặt hàng như thực phẩm, thuốc men và các sản phẩm vệ sinh cá nhân tăng mạnh.
Sự bùng phát dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003 được xem là sự thúc đẩy đối với lĩnh vực thương mại điện tử.
Dịch SARS được cho là một phần quan trọng sản sinh ra những gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba hay JD.com, nhưng quy mô và mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hiện nay sẽ càng làm cho thương mại điện tử trở nên phổ biến rộng rãi hơn trên thế giới.
Theo các chuyên gia, một viễn cảnh khác có vẻ cũng đã sắp tới, đại dịch coronavirus đang mở ra cơ hội cho tự động hóa. Nhiều công ty lớn và nhỏ đang tăng cường sử dụng robot để giảm lượng lao động phải đến tận nơi làm việc, thực hiện các công việc mà nhân viên không thể làm tại nhà.
Chẳng hạn, chuỗi cửa hàng Walmart (Mỹ) đang sử dụng robot để lau sàn nhà, còn robot tại Hàn Quốc thì được sử dụng để đo thân nhiệt hoặc xịt nước rửa tay. Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s (Mỹ) đã đưa robot vào thử nghiệm trong vai trò đầu bếp và nhân viên phục vụ web.
Tại các kho hàng của Walmart và Amazon, robot hiện đang được sử dụng để sắp xếp, vận chuyển và đóng gói hàng hóa thay thế cho con người. Hiện tại, chỉ riêng Amazon đã sử dụng hàng nghìn con robot để bê và sắp xếp đồ trong kho.
Trong bối cảnh các chuyên gia sức khỏe cảnh báo rằng, biện pháp giãn cách xã hội nên được kéo dài tới năm 2021, nhu cầu sử dụng các loại robot sẽ vẫn còn tăng cao. Covid-19 đã tạo cơ hội cho robot chiếm chỗ làm của con người nhanh hơn, ví dụ 1/3 số lao động tại Mỹ có thể bị mất việc bởi robot sau 10 năm nữa.
Hậu COVID-19, xu hướng toàn cầu hóa kinh tế sẽ chững lại, chuỗi cung ứng sẽ được tái điều chỉnh; mô hình trao đổi thương mại và phương thức làm việc của các doanh nghiệp cũng sẽ biến đổi;
các quá trình số hóa và tự động hóa sẽ tăng tốc, nhiều công việc yêu cầu kỹ năng từ thấp đến trung bình sẽ biến mất, kết cấu đóng góp của các thành phần kinh tế trong GDP của mỗi quốc gia cũng sẽ có sự thay đổi.