Saturday, December 28, 2024
Trang chủĐàm luậnPhía sau “lệnh cấm đánh bắt hải sản” quái gở

Phía sau “lệnh cấm đánh bắt hải sản” quái gở

Tân Hoa xã tối 1/5 ngang nhiên đưa tin, Trung Quốc đã ra lệnh cấm đánh bắt cá thường niên ở Biển Đông. Lệnh bắt đầu được thực hiện từ trưa cùng ngày, đến 12 giờ ngày 16/8, với sự giám sát của lực lượng hải cảnh và kiểm ngư nước này. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Cái gọi là “lệnh” này của nhà cầm quyền Bắc Kinh là trò lố, đã ngang nhiên diễn ra từ năm 1999 đến nay. Nghĩa là năm nào họ cũng giở trò cấm đánh bắt cá theo mùa trong vòng ba tháng rưỡi, với lời giải thích, đây là mùa sinh sản của cá. Đương nhiên tàu đánh cá của Trung Quốc, chủ yếu là tàu cá của Hải Nam cũng ùn ùn rút về, để tỏ ra rằng rất “nghiêm túc” thực hiện mệnh lệnh của Đại lục.

Nhưng 20 năm qua cái lệnh này không còn khiến các bên liên quan bất ngờ, vì nó lặp đi lặp lại như một trò hề. Các nước Việt Nam, Indonesia, Philippines…đều cực lực phản đối. Ngư dân của các nước này vẫn kiên cường bám biển đánh bắt cá, bởi một lí lẽ giản đơn: Không ai có quyền nhảy sang nhà hàng xóm để ra lệnh không được đụng đến cái vườn, cái ao của nhà người ta.

Đương nhiên tàu đánh cá của các nước trong khu vực cũng bao phen khốn khổ vì bị uy hiếp. Nào là tàu bị hải cảnh của Trung Quốc tấn công bằng cách phun vòi rồng, lao trực diện vào thân tầu, thậm chí dùng vũ khí đe dọa.

 Không ai cho phép Trung Quốc áp đặt lệnh cấm biển ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và các nước khác. Việc làm trắng trợn và bỉ ổi này trước hết và chủ yếu là Trung Quốc muốn thực hiện mưu đồ hợp pháp hóa cái “đường lưỡi bò” đã bị Tòa trọng tài quốc tế ném vào sọt rác từ năm 2016. Còn như cái lí bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ nguồn thủy sản chỉ là cái cớ khó lọt tai. Và anh không thể đem cái cớ đó để ngăn cản quốc gia khác.

Theo các tài liệu công bố của chính Trung Quốc, hàng năm nước này đều khai thác được khoảng 13 triệu tấn hải sản ở biển Đông. Không ai khác chính Trung Quốc là kẻ đã làm cho tài sản trên biển cạn kiệt và gây tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trở lại lệnh cấm đánh bắt cá quái gở kia, chúng ta thấy rõ một điều, thông thường mục đích của các lệnh cấm đánh bắt cá do các quốc gia ven biển ban hành là nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên hải sản trước nguy cơ bị khai thác quá mức bằng các phương tiện, cách thức đánh bắt có tính hủy diệt, đặc biệt trong mùa sinh trưởng của các loài sinh vật biển.

Nhưng bất cứ “lệnh” nào cũng phải tuân thủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên sinh vật biển. Tại sao cứ vào mùa đánh bắt cá của ngư dân, từ tháng đầu tháng 5 đến giữa tháng 8, lệnh cấm đánh cá lại được tung ra để nhằm   mục đích gì?

Xin thưa, cái lệnh vô lối của chính quyền Bắc Kinh không hề có lợi cho tính bền vững của các nguồn lực hải sản trên Biển Đông, mà chủ yếu là mưu toan cắt nguồn sống của ngư dân Việt Nam. Trung Quốc muốn ngăn cản ngư dân Việt Nam ra khơi bám biển, không những vì mưu sinh mà còn có nghĩa vụ bảo về các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông.

Còn nói về phạm vi chấp hành cái lệnh này, có thể nói rằng rất tùy tiện, vì nó quy định, từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông. Nếu tác nghiệp trên hải đồ, thì phạm vi này bao lấy toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cả vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Tại sao “phạm vi chấp hành” của cái lệnh cấm đánh cá này lại vươn cái vòi bạch tuộc xa đến thế?

Khi phạm vi chấp hành của lệnh cấm đánh cá này bao gồm cả các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước khác tức là nó đã vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia chung quanh Biển Đông, nhất là Việt Nam, đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển có liên quan.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang tính toán những trò lố nhằm thể hiện trên thực tế “quyền lực tối thượng” của Nhà nước Trung Quốc, nhằm hợp thức hóa các yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà mới đây họ ngang ngược tuyên bố đây là “huyện Tây Sa”.

Trước hành động hung hăng này, Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần đoàn kết, cực lực phản đối cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt quy chế trên, không tái phạm vào các năm sau. Quyết định của Trung Quốc sẽcàng khiến tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam.

Cùng với việc lên tiếng phản đối, ViệtNam, Indonesia, Philippines cần đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, kiên trì đàm phán song phương với Trung Quốc. Trước mắt yêu cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh hủy bỏ lệnh cấm đánh bắt hải sản ngang ngược này.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới