Các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi cần có cách phản ứng phối hợp và dựa trên cơ sở khoa học để đối phó với đại dịch COVID-19, trong lúc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đổ lỗi và đẩy trách nhiệm cho nhau trong xử lý cuộc khủng hoảng.
Một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến được Uỷ ban châu Âu tổ chức ngày 4/5 với hy vọng huy động khoản tiền 8,2 tỷ USD ban đầu để hỗ trợ nỗ lực quốc tế nhằm phát triển và bảo đảm quyền tiếp cận công bằng đối với vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19.
Trung Quốc dự kiến sẽ tham gia cùng khoảng 40 quốc gia cam kết góp tiền cho nỗ lực này, nhưng Mỹ thì không.
“Cùng nhau chúng ta phải bảo đảm các nguồn lực sẽ tiếp tục được huy động và quá trình đó sẽ diễn ra để bảo đảm quyền tiếp cận chung đối với vắc-xin, thuốc và thiết bị xét nghiệm”, lãnh đạo các nước Italy, Đức, Pháp, Na Uy và EU viết trong bưc thư đăng trên trang The Independent.
“Chúng tôi quyết tâm làm việc cùng nhau, với tất cả những ai chia sẻ cam kết hợp tác quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng dẫn đầu và ủng hộ phản ứng toàn cầu”, các lãnh đạo châu Âu khẳng định.
Nỗ lực đó được thúc đẩy vào thời điểm đang có nhiều lo ngại về nguy cơ không thể có được sự hợp tác hiệu quả trên khắp thế giới do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Chúng ta chưa có nhà lãnh đạo khủng hoảng toàn cầu trong đại dịch này, và điều đó đã rất rõ ràng. Chúng ta chưa thấy Mỹ bước lên phía trước theo cách họ làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”, Hervé Lemahieu, Giám đốc chương trình ngoại giao và cường quốc tại Viện Lowy ở Sydney, đánh giá.
Ông Lemahieu nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang “bận tâm với nỗ lực tuyên truyền để cố không bị quy trách nhiệm bằng cách xua đi những câu hỏi về những yếu tố dẫn đến đại dịch”.
Còn Mỹ, nơi bị COVID-19 tấn công nghiêm trọng nhất, đang cố gắng buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho tình trạng virus lây lan vì sự chậm trễ trong thông báo về tính nghiêm trọng của tình hình và gợi ý rằng dịch bệnh bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Các lãnh đạo Úc, Thuỵ Điển, Đức và EU kêu gọi cần minh bạch hơn hoặc mở một cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch.
Mỹ quyết định ngừng đóng góp tiền cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một phần vì cho rằng tổ chức này bị Trung Quốc tác động. Còn Trung Quốc đang đáp trả những chỉ trích về cách họ xử lý đại dịch, tăng cường tuyên truyền và thúc đẩy cái gọi là ngoại giao khẩu trang.
Nhà nghiên cứu Lemahieu gọi nỗ lực điều phối của các lãnh đạo châu Âu là “cử chỉ mang ý nghĩa biểu tượng giữa những cãi vã gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc”. Ông cho rằng EU có thể thay đổi trọng tâm từ một cuộc tranh luận nghiêng về chính trị sang các giải pháp dựa trên cơ sở khoa học.
“Châu Âu không phản đối một cuộc điều tra quốc tế, nhưng điều châu Âu muốn là làm mọi thứ theo đúng trình tự”, ông nói.
“Trước tiên là tập hợp các thể chế quốc tế, tăng cường quản trị toàn cầu, huy động tiền và nhấn mạnh giải pháp phối hợp. Sau đó sẽ có thời gian để điều tra cách xử lý đại dịch và cải tổ những điều cần thiết”, ông Lemahieu giải thích.
Hội nghị thượng đỉnh ngày 4/5 trông chờ cam kết từ khoảng 40 quốc gia và tổ chức sẽ ủng hộ một dự án được các lãnh đạo G20 và WHO hậu thuẫn nhằm điều phối nỗ lực của các chính phủ, tổ chức quốc tế và các đối tác tư nhân để đối phó với đại dịch chung.
“Kinh nghiệm trước đây dạy chúng ta rằng ngay cả khi công cụ có sẵn, chúng cũng không được phân phối đều cho tất cả. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại lễ khởi động dự án ngày 24/4.
Trung Quốc không tham dự sự kiện đó, nhưng đại sứ Trung Quốc tại EU Zhang Minh dự kiến sẽ phát biểu tại hội nghị trực tuyến lần này, nơi các chính phủ cam kết rót tiền cho hoạt động nghiên cứu và phân phối vắc-xin cũng như các loại thuốc.