Năm 1958, ông Phạm Văn Đồng là Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã gửi Công hàm cho người đồng cấp Chu Ân Lai của phía Trung Quốc. Nội dung Công hàm hoàn toàn không phải là thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Thế nhưng Bắc Kinh vẫn liên tục vin vào cái cớ này để nhận sằng. Cho đến hôm 17/4/2020 Bắc Kinh lại viện dẫn Công hàm này, gửi lên Liên hợp quốc, những cáo buộc rằng, Việt Nam xâm phạm chủ quyền, xâm chiếm biển, đảo của Trung Quốc (!).
Sự thật đã được phía Việt Nam giải thích nhiều lần. Rằng, Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, năm 1958, không ảnh hưởng gì đến quá trình thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Xin quý độc giả Biển Đông nhớ lại, ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva được ký kết. Theo Hiệp định, lãnh thổ Việt Nam tạm chia thành hai vùng: Miền Bắc do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát; miền Nam do Liên hiệp Pháp và các lực lượng thân Pháp, trong đó có Quốc gia Việt Nam (QGVN), kiểm soát.
Theo đó vĩ tuyến 17 được xác định là ranh giới tạm thời giữa hai miền.
Một năm sau đó (1955), QGVN đổi tên thành Việt Nam Cộng hòa (VNCH) do Ngô Đình Diệm làm tổng thống. Không lâu sau, quân đội VNCH đã trú đóng ở phần phía tây quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Vậy thì khi ông Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho ông Chu Ân Lai, chỉ có VNCH, là thực thể chính trị duy nhất thực thi chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong Công hàm, ông Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ VNDCCH, không thể hiện sự phản đối trực tiếp tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo là vì lẽ đó.
Trong 20 năm từ 1954 đến 1975, theo Công ước Montevideo 1933, trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại hai thực thể chính trị với tư cách quốc gia: VNDCCH và VNCH. Cho dù các nước trên thế giới có công nhận hay không công nhận chính phủ VNDCCH hay VNCH thì cũng không làm ảnh hưởng tư cách quốc gia của họ. Chiếu theo luật pháp quốc tế, VNCH hoàn toàn có tư cách quốc gia để thực thi chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó VNDCCH ở giai đoạn này không có thẩm quyền với hai quần đảo nêu trên.
Đã không có thẩm quyền thì Chính phủ VNDCCH không nhất thiết phải tuyên bố phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vào năm 1958.
Sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn quy về một mối. Tổ quốc thống nhất và có sự thống nhất về chính quyền trên lãnh thổ Việt Nam. Cũng theo Công ước Montevideo, sự thay đổi chính quyền không làm thay đổi quốc gia. Theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, việc lựa chọn một chính quyền để đại diện cho toàn thể nhân dân trên một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào đó là quyền tự quyết của nhân dân sống trong quốc gia/vùng lãnh thổ đó.
Ở miền Nam -Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng ra đời vào năm 1960 và kết thúc sứ mệnh vào ngày 30/4/1975 , Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) được thành lập, trở thành thể chế chính trị duy nhất đại diện cho nhân dân miền Nam.
Từ đây CHMNVN có quyền và trong thực tế đã kế thừa một cách hợp pháp chủ quyền của VNCH đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc chính là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận CHMNVN là đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nói cách khác Trung Quốc đã gián tiếp công nhận, sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của VNCH, CHMNVN đã chính thức kế thừa chủ quyền đối với hai quần đảo. Điều này hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế.
Cho đến khi tổng tuyển cử, thống nhất đất nước vào năm 1976, toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ còn một quốc gia, với chính quyền duy nhất là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đây Nhà nước CHXHCN Việt Nam kế thừa chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mọi chuyện đã rõ như ban ngày thế nhưng Bắc Kinh vẫn cố tình xuyên tạc sự thật. Họ cho rằng Việt Nam vi phạm nguyên tắc Estoppel. Xin thưa, Estoppel là một nguyên tắc của luật pháp quốc tế, có nghĩa là một chủ thể luật pháp – chủ thể đó có thể là người, hoặc cơ quan, tổ chức, quốc gia – không được phép nói hoặc hành động trái ngược những gì mình đã nói hoặc hành động trước đó.
Thế nhưng Công hàm của ông Phạm Văn Đồng chỉ lên tiếng ủng hộ quan điểm vùng lãnh hải rộng 12 hải lý. Công hàm không hề nói đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công hàm cũng không hề cho rằng chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung quốc. Vậy thì không thể nói Việt Nam “hành động trái ngược”.
Đó là lý lẽ chắc chắn, rạch ròi của luật pháp.
Thế nhưng nhiều năm nay Trung Quốc vẫn cố tình suy diễn “Công hàm Phạm Văn Đồng” để xuyên tạc sự thật. Về phía Việt Nam, từ ngày 31/1/2018 đến nay, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã nhiều lần gửi công hàm, phản đối Trung Quốc, khẳng định lập trường trước sau như một: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!
Lần này cũng vậy, sau hàng loạt hành động phi pháp trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 này, khiến cho tình hình biển Đông căng thẳng, Trung Quốc lại trình lên Liên hợp quốc cái lý lẽ đã bị bác bỏ từ lâu.
Bắc Kinh lại ném thêm những thanh củi mục vào lò. Không phải họ tiếp lửa mà cố tình gây khói. Để đánh lạc hướng dư luận quốc tế. Để chờ nghĩ mưu sâu kế hiểm. Nhưng không ai khác chính người tiếp củi mục bị sặc khói đầu tiên.