Mỹ liên tục điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, đưa máy bay ném bong hạng nặng B-1 tuần tra tự do hàng không ở Biển Đông nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc – nước lớn nằm sát Biển Đông lại liên tục phá bĩnh, gây rối và khiêu khích hệ thống luật pháp quốc tế.
Gần hai tháng trở lại đây, Trung Quốc liên tục có các hành vi khiêu khích, xâm phạm chủ quyền các nước ven Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực như: Ngày 2/4, Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam hoạt động ở Hoàng Sa. Trong khi vấp phải sự chỉ trích của Việt Nam và thế giới, Trung Quốc đưa ra một lời giải thích vô lý rằng chính tàu cá của Việt Nam đã húc vào tàu hải cảnh của Trung Quốc rồi chìm. Ngày 14/4, Trung Quốc xua tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra biển Đông, con tàu “tai tiếng” đã cắm cọc ở vùng biển Việt Nam suốt nhiều tháng với mục tiêu được cho là quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam. Ngày 18/4, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”, hai quận hành chính để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không những thế, Trung Quốc còn gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc vu cáo “Việt Nam chiếm đóng trái phép các đảo thuộc Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ nhân lực khỏi các đảo này”. Ngày 19/4, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, phần lớn số này nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý…
Trước những hành vi trên của Trung Quốc buộc Mỹ phải gia tăng hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực; đảm bảo các nước tôn trọng luật pháp quốc tế; thực hiện cam kết của Mỹ trong việc thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dượng tự do và rộng mở. Mỹ (30/4) đã triển khai 04 máy bay ném bom B-1B Lancer đến biển Đông. Trong đó, hai máy bay ném bom B-1B Lancer thuộc Phi đội máy bay ném bom 28 tại căn cứ không quân Ellsworth ở bang South Dakota (Mỹ) đã bay một chặng 32 tiếng nhằm thực hiện chiến dịch trên biển Đông. Theo Không quân Mỹ, động thái này nằm trong chiến dịch tập dượt giúp cho sự hiện diện của máy bay ném bom Mỹ trên toàn cầu trở nên khó đoán hơn và hoạt động của hai máy bay ném bom B-1B Lancer như là một phần của một lực lượng máy bay chiến đấu có chung nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Reann Mommsen cho biết máy bay Mỹ sẽ bay, tàu thuyền sẽ di chuyển ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Động thái này cũng chứng minh rằng Không quân chiến lược Mỹ vẫn hiện diện ở châu Á, dù đã rút máy bay khỏi đảo Guam.
Một ngày trước đó (29/4), hải quân Mỹ điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hills đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 28/4, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ đến gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị TQ chiếm trái phép). Được biết, Bunker Hill là tàu thứ 6 thuộc tuần dương hạm lớp Ticonderoga và là tàu đầu tiên trong lớp được trang bị hệ thống phóng thắng đứng Mk41, thay thế cho hệ thống phóng kiểu cánh tay Mk26, giúp cải thiện tính linh hoạt, nâng cao sức mạnh hỏa lực bằng cách cho phép bắn tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk. Hệ thống Mk41 được bố trí thành 2 cụm với 61 ống phóng ở mũi tàu và 61 ở đuôi tàu. Mk41 là loại ống phóng đa năng, chúng có thể bắn tên lửa Tomahawk, tên lửa hải đối không SM-2, SM-6, ESSM, tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 và tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC. Tàu được trang bị 2 pháo 127 mm, một ở mũi tàu và một ở đuôi tàu. Pháo có tầm bắn hiệu quả khoảng 24-37 km tùy phiên bản. Nó có thể tấn công mục tiêu mặt nước, pháo kích bờ biển và phòng không. Ngoài ra trên tàu còn được vũ trang 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon. Đây là loại tên lửa chống hạm phổ biến nhất của Mỹ và NATO. Tên lửa có tầm bắn từ 130-280 km tùy phiên bản, mang theo đầu đạn nặng 221 kg. Hai hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx, gồm 1 pháo 6 nòng, cỡ nòng 20 mm. Nó có tốc độ bắn tới 5.000 viên/phút, được sử dụng cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa và vũ khí dẫn đường của đối phương nhắm vào tàu chiến. Nó cũng có thể phòng không tầm gần và tấn công các mục tiêu nhỏ trên mặt nước. Trái tim sức mạnh của tàu là hệ thống chiến đấu tối tân Aegis, với cảm biến chính là radar AN/SPY-1B. Nó là một trong những radar hàng hải tốt nhất thế giới. Radar hoạt động ở băng tần S, có thể phát hiện mục tiêu cỡ quả bóng gofl ở cự ly 165 km, phát hiện tên lửa đạn đạo ở cự ly 300 km. Tàu được trang bị 4 động cơ tuabin khí LM25000, tổng công suất 100.000 mã lực truyền động cho chân vịt 2 trục. Hệ thống động lực này giúp tàu đạt tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 6.000 hải lý. Phần boong sau của tàu có sàn đáp và nhà chứa cho 2 trực thăng MH-60 Seahawk. Tàu được vận hành bởi thủy thủ đoàn 300 người, trong đó có 30 sĩ quan.
Người phát ngôn Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc Lý Hoa Mẫn (28/4) ngang ngược cho rằng Bắc Kinh đã phản ứng với sự hiện diện của tàu USS Barry bằng cách điều một số tàu chiến và máy bay chiến đấu để “đuổi một tàu chiến Mỹ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc ở quần đảo Tây Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) ở Biển Đông”; vu cáo động thái của Mỹ “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh Trung Quốc”; tuyên bố các hoạt động tuần tra của Hạm đội 7 “không phù hợp với bối cảnh cả thế giới đang phải nỗ lực chống lại đại dịch toàn cầu và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực”.
Truyền thông Trung Quốc tiếp tục ra sức tuyên truyền bôi nhọ và vu cáo hoạt động của Mỹ ở Biển Đông. Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc (30/4) có bài viết cáo buộc “Mỹ đẩy mạnh bá quyền ở Biển Đông giữa đại dịch”; cố tình bôi nhọ rằng “ngay cả khi dịch virus Corona đầy chết chóc đang lan rộng khắp thế giới và trật tự kinh tế, chính trị quốc tế dự kiến sẽ được điều chỉnh đáng kể, Washington dường như đang quyết tâm can thiệp vào vùng biển này”. Tờ báo này còn vu cáo rằng “các động thái gần đây của Mỹ tại Biển Đông trông có vẻ quái lạ, cả ở góc độ năng lực hoạt động (của hải quân Mỹ hiện nay) lẫn nhu cầu thực tế về mặt an ninh tại vùng biển này”; cho rằng “quân đội Mỹ tại Tây Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Các báo cáo cho thấy có hơn 40 tàu chiến của hải quân Mỹ có binh lính bị nhiễm bệnh” và “Trung Quốc là kẻ thù chỉ xuất hiện trong sự tưởng tượng của Mỹ”; nhấn mạnh “Trung Quốc đã hạn chế sự can dự vào Biển Đông kể từ cuối tháng 1, vì Bắc Kinh tập trung nỗ lực vào việc kiềm chế dịch bệnh, tái thiết lại hoạt động sản xuất và việc làm và tham gia vào việc hỗ trợ quốc tế”. Thời báo Hoàn Cầu còn ngang ngược cáo buộc Mỹ vừa muốn theo đuổi “quyền lãnh đạo khu vực”, vừa muốn “ổn định mối quan hệ với các đồng minh, đối tác tại châu Á-Thái Bình Dương” thông qua việc can dự quá đáng vào Biển Đông trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát”, xuyên tạc chính quyền Tổng thống Trump đã tiếp tục “đẩy mọi việc đi quá xa” và vấn đề Biển Đông cần được đặt ra ngoài cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung để ngăn chặn tình trạng mâu thuẫn hai nước có thể leo thang ngoài tầm kiểm soát, tránh chạy đua vũ trang có thể xảy ra”.
Trong khi đó, giới truyền thông khu vực và quốc tế nhận định, hoạt động này thể hiện mô hình xây dựng Không quân chiến lược Mỹ trở nên năng động hơn, phù hợp với các mục tiêu của chiến lược quốc phòng quốc gia về sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom chiến lược Mỹ, thể hiện cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Đây là lần hiếm hoi Mỹ thực hiện tuần hành tự do hàng hải ở Biển Đông cả trên biển lẫn trên không. Giới phân tích cho rằng các nhiệm vụ tăng cường là dấu hiệu chiến lược mới của Lầu Năm Góc. Chuyên gia Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cao cấp của Rand Corp có trụ sở tại Virginia nhận định, Mỹ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông) bằng cách triển khai tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa tới các tiền đồn của Trung Quốc ở đó. Động thái này tương tự như việc hồi đầu tháng 4/2020, không quân Mỹ đã rút toàn bộ đội máy bay ném bom trên đảo Guam, thay vào đó là chọn điều các máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52 tới khu vực này bất cứ khi nào Lầu Năm Góc thấy phù hợp. “Giống như các máy bay ném bom ở đảo Guam không còn hiện diện ở đó nữa, các lực lượng hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông có thể sẽ thực hiện các chiến dịch và hoạt động một cách tùy biến, dù vẫn là mô hình của quá khứ”.
Trước hoạt động tuần tra của My ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả biện pháp quy định tại UNCLOS. Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán ở các quốc gia ở khu vực Biển Đông như được xác lập tại UNCLOS 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế, hoạt động của các nước cần đóng góp vào mục tiêu chung này.