Trung Quốc lại “đổ thêm dầu vào lửa” căng thẳng ở Biển Đông khi có thêm hành động ngang ngược và phi lý mới tại vùng biển này bằng việc đơn phương tuyên bố cấm đánh bắt cá trên vùng biển mà họ không hề có chủ quyền hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Toan tính phía sau hành động ngang ngược, phi lý
Theo hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc, nước này đã đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển rộng lớn trên Biển Đông, bắt đầu được áp dụng từ 12 giờ (giờ địa phương) ngày 1-5 đến 12 giờ (giờ địa phương) ngày 16-8-2020. Phạm vi cấm đánh bắt theo tuyên bố ngang ngược và phi lý của Trung Quốc, trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, tức là bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cùng với tuyên bố đơn phương trên, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc cũng lớn tiếng dọa nạt rằng, lực lượng này sẽ thực thi lệnh cấm một cách nghiêm ngặt theo cái gọi là quy định và luật pháp liên quan. Có thể thấy ngay rằng, tiếng là thực hiện lệnh cấm để “đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững và cải thiện sinh thái biển”, song thực chất Trung Quốc dùng đó như một cái cớ hòng đòi áp đặt chủ quyền tại vùng biển mà họ không hề có chủ quyền hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Trung Quốc một lần nữa giở “chiêu” cũ là tuyên bố áp đặt chủ quyền phi lý và phi pháp ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đang đơn phương đòi hỏi chủ quyền với khoảng 80% diện tích theo yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay “đường 9 đoạn”). Đi liền với đó, Trung Quốc dùng sức mạnh (đội tàu hải cảnh, kiểm ngư đông đảo) để áp đặt chủ quyền, dọa nạt, đâm va, bắt giữ tàu cá của các nước khác với lý do “vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá”.
Tuyên bố ngang ngược và phi lý về việc cấm đánh bắt cả ở Biển Đông của Trung Quốc vì thế đang làm dấy lên những lo ngại sâu sắc, được xem là hành động “đổ thêm dầu vào lửa” khi mà tình hình vùng biển này đang trở lên căng thẳng do hàng loạt hành vi gây hấn và bắt nạt của Bắc Kinh. Trước đó, đầu tháng 4-2020, tàu hải cảnh của Trung đã đâm chìm tàu cá của Việt Nam khi đang đánh bắt tại vùng biển gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đáng lo ngại nhất là việc Trung Quốc lợi dụng thế giới đang dốc sức chống chọi với đại dịch Covid-19 vốn xuất phát từ nước này để có hàng loạt những bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông theo yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò” như thông báo thành lập những cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” vào ngày 18-4 vừa qua. Và chỉ một ngày sau, Trung Quốc lại tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông mà phần lớn những đảo, rạn san hô và thực thể này nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Hành động để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi pháp
Việc Trung Quốc leo thang những hành động nhằm hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi lý ở Biển Đông một lần nữa làm “dậy sóng” vùng biển chiến lược với tất cả các quốc gia khu vực cũng như các cường quốc, trung tâm kinh tế-chính trị lớn của thế giới. Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN Igor Driesmans trong trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại ASEAN mới đây đã nêu rõ, EU quan ngại về các hành động đơn phương gần đây ở Biển Đông, trong đó có việc triển khai tạm thời hoặc thường trực các lực lượng hoặc thiết bị quân sự trên các thực thể hàng hải đang tranh chấp, quấy rối hoặc đe dọa tàu cá và các tàu khác, cũng như cố gắng đơn phương áp đặt các địa giới hành chính mới… Đại sứ EU tại ASEAN nhấn mạnh, những hành động nói trên đã “làm gia tăng căng thẳng” và “hủy hoại” môi trường an ninh hàng hải trong khu vực, “đe dọa nghiêm trọng” đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực.
Từng khẳng định là quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và có lợi ích sống còn tại khu vực, Mỹ đã thẳng thừng chỉ rõ và lên án những việc làm mà cường quốc này cho rằng là hành động bắt nạt của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trước những hành động gây hấn của Trung Quốc, Mỹ đã triển khai tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry thực hiện sứ mệnh “hoạt động tự do hàng hải” tại những hòn đảo và thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bị chiếm đóng trái phép, động thái nhằm thể hiện thông điệp bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc cũng như thúc giục kiềm chế các hành vi gây hấn và bắt nạt ở Biển Đông.
Tại một diễn đàn trực tuyến do Hiệp hội Báo chí nước ngoài Philippines tổ chức mới đây, nguyên Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio đã nhắc lại đề xuất tuần tra chung giữa Philippines, Malaysia và Việt Nam. Ông Carpio cho rằng, đây là giải pháp để đối phó với “sự leo thang nghiêm trọng” từ các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.